Lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã đánh thắng nhiều kẻ thù, lập nên những chiến công vang dội, như: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ... Nhưng nhân dân ta cũng đã phải chịu nhiều mất mát, đau thương. Từ thực tế đó, dân tộc ta đã đúc rút ra bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá và rất thiết thực, trong đó đã thấm đậm máu xương của nhiều thế hệ: Phải lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy.
Hệ thống phòng thủ bờ biển K-300P Bastion trong biên chế sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền Việt Nam |
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd. |
Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Đảng và Nhà nước ta chủ trương phát huy nội lực, mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế để xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Phát huy nội lực trước hết cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội. Đây là cơ sở để ta phát huy sức mạnh vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc và tôn giáo, trên khắp mọi vùng miền đất nước; hàng trăm triệu người dân ở trong nước, cũng như hàng chục triệu người Việt Nam đang sống, lao động và học tập ở nước ngoài. Cùng với phát huy sức mạnh vật chất và tinh thần trong nhân dân, các cấp không ngừng chăm lo, động viên và có biện pháp khuyến khích để nhân dân hăng hái sản xuất và tích cực học tập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giữ vững khối đoàn kết toàn dân, tạo ra nguồn lực vô tận, nguồn sức mạnh to lớn, cơ sở vững chắc, nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đi đôi với phát huy nội lực, các ngành còn mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, với nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế; nhất là về kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ, là cơ sở để ta đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, làm tăng sức mạnh xây dựng và bảo vệ đất nước. Cùng với hợp tác, các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, mở rộng giao lưu và trao đổi để hiểu rõ và học tập những kinh nghiệm hay, những bài học quý trong xây dựng và bảo vệ đất nước của bạn bè quốc tế. Đồng thời, để các quốc gia và các tổ chức quốc tế cũng hiểu rõ mong muốn hòa bình, đất nước được bình yên và phát triển của nhân dân, đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta. Từ đó họ cảm thông và chia sẻ với những khó khăn và thách thức của ta; tạo điều kiện thuận lợi để ta đẩy mạnh hợp tác, nâng cao tốc độ phát triển của đất nước. Bên cạnh đó ta cũng gạt bỏ được những mâu thuẫn và bất đồng, khép lại sự thù hận, không để xảy ra đối đầu và xung đột-yếu tố quan trọng để nhân dân ta ngăn ngừa và đẩy lùi chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình xây dựng đất nước.
Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta đã xác định rõ: Phải lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm và xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trong phát triển kinh tế, từng cấp và từng ngành cần tận dụng những tiềm năng và lợi thế của địa phương và đất nước để phát triển nhiều thành phần kinh tế, với những ngành nghề khác nhau, phân bổ rộng khắp ở từng địa phương và trên các vùng miền đất nước. Bên cạnh đó, Nhà nước còn có chính sách khuyến khích và giải pháp kích cầu, hướng dẫn nhân dân ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy sản xuất phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm. Mở rộng hệ thống giao thương để vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa, nhất là ở những vùng còn nhiều khó khăn. Hỗ trợ nhân dân sản xuất khi điều kiện thời tiết không thuận lợi và bảo vệ tài sản của người dân khi có thiên tai cũng như dịch bệnh... Nền kinh tế đất nước phải được vận hành theo cơ chế thị trường, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề cốt lõi để ta nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thực hiện thành công việc xóa đói và giảm ngèo; tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm công bằng xã hội, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, ta còn đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức mạnh chiến đấu của hệ thống chính trị, để Đảng ta luôn đoàn kết và sáng tạo, đủ năng lực đề ra và tổ chức thực hiện thành công đường lối, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là nền tảng để giữ vững vị trí lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên quyết đấu tranh, nhanh chóng khắc phục những tồn tại và thiếu sót, nhất là tệ quan liêu và nạn tham nhũng... Đây là cơ sở để xây dựng và củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc; đập tan mọi âm mưu và thủ đoạn chống phá, tuyên truyền và kích động của kẻ thù, giữ vững ổn định chính trị xây dựng đất nước.
Trong xây dựng, các cấp cần kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội với tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân phải được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhụê và từng bước hiện đại. Yếu tố quan trọng nữa là phải luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang, làm cho lực lượng vũ trang luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng và nhân dân; bảo đảm lực lượng vũ trang luôn nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu cho Đảng và Nhà nước để đưa ra những quyết sách về xây dựng cũng như bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng vũ trang phải có đủ sức mạnh để răn đe, ngăn ngừa và đẩy lùi chiến tranh, sẵn sàng đánh thắng kẻ thù, bảo vệ đất nước. Kết hợp chặt chẽ xây dựng với bảo vệ Tổ quốc sẽ tạo ra nền tảng vững chắc để ta thực hiện thành công tư tưởng chỉ đạo, lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy-yếu tố quan trọng để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi chiến lược bảo vệ Tổ quốc ở thời kỳ mới.
Thiếu tướng, PGS, TS BÙI THANH SƠN
Theo Quân đội nhân dân