Lính Taliban bỡ ngỡ khi tiếng súng lặng im ở Afghanistan
Đã quá quen với việc chiến đấu, nhiều tay súng Taliban hiện còn bỡ ngỡ với nhiệm vụ mới là duy trì an ninh ở Afghanistan.
Các tay súng Taliban hiện vẫn còn bỡ ngỡ và đang học cách thích nghi với vai trò mới. Thay vì đi chiến đấu như trước đây, họ đang đảm nhận vai trò duy trì an ninh, sau khi lực lượng phiến quân giành được quyền kiểm soát toàn lãnh thổ Afghanistan.
Chia sẻ với tờ Washington Post, ông Abdulrahman Nifiz, chỉ huy nhóm 250 tay súng phiến quân Taliban, cho hay các thành viên trong nhóm từng được huấn luyện để thực hiện nhiều nhiệm vụ như đánh bom liều chết, nhưng nay chuyển sang làm sứ mệnh đảm bảo an ninh cho thủ đô Kabul. Tuy nhiên, 250 tay súng nằm dưới sự điều hành của ông Nifiz vốn đã quen với việc đi chiến đấu và họ còn bỡ ngỡ với nhiệm vụ hiện tại.
Lính Taliban chưa quen với nhiệm vụ duy trì an ninh thay vì chiến đấu ở Afghanistan. (Ảnh: Reuters) |
“Tất cả binh sĩ của tôi thích chiến tranh Hồi giáo và muốn được đi chiến đấu. Khi họ tới thủ đô Kabul, họ cảm thấy không được thoải mái bởi không còn cuộc chiến nào ở đây cả”, ông Nifiz nói thêm.
Trước khi quân đội Mỹ tham chiến ở Afghanistan, trong giai đoạn nắm quyền từ năm 1996 – 2001, chính quyền Taliban cũ được biết tới là một tổ chức Hồi giáo cực đoan.
Sau 20 năm chiến tranh, Taliban một lần nữa giành lại quyền kiểm soát thủ đô Kabul vào ngày 15/8. Trong khi đó, quân đội Mỹ cũng đã kết thúc sứ mệnh chiến đấu và rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan vào ngày 30/8.
Taliban từng có 20 năm giao tranh liên tiếp với quân đội Mỹ và các lực lượng quân sự nước ngoài, cũng như tấn công cả những người dân Afghanistan làm việc và ủng hộ tư tưởng của phương Tây.
Theo Washington Post, nhiều tay súng Taliban tin rằng việc họ tham chiến cũng là cách “mở lối lên thiên đàng sau khi chết”, do đó họ sẵn sàng tấn công những người không sùng đạo.
“Nhiều binh sĩ của tôi lo sợ họ mất đi cơ hội được tử trận. Tôi đã nói với họ về chuyện nghỉ ngơi. Và họ vẫn còn cơ hội được tử vì đạo. Nhưng việc thay đổi suy nghĩ của họ phải mất một thời gian”, chỉ huy Nifiz nói thêm.
Dù Taliban tuyên bố chính phủ lâm thời sẽ ôn hòa hơn so với "phiên bản" của những năm 1990. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra nghi ngờ thành ý của Taliban. Đặc biệt, mới đây, Taliban đã cho đóng cửa Bộ Phụ nữ mà thay vào đó là Bộ Cầu nguyện, Hướng dẫn, Khuyến khích đức hạnh và Phòng ngừa thói xấu.
Trong giai đoạn cầm quyền cách đây 20 năm, Bộ này được xem như là lực lượng cảnh sát đạo đức, thi hành các quy định nghiêm khắc về trang phục cho đến xử phạt công khai, bắt buộc dự lễ cầu nguyện, hay áp đặt đàn ông không được cắt râu.
Ngoài ra, Taliban cũng yêu cầu tất cả lao động nữ ở thủ đô Kabul phải ở nhà. Công việc duy nhất mà phụ nữ ở Kabul có thể làm là cọ nhà vệ sinh nữ. Bởi đây là chuyện nam giới không thể làm.
Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra khi những người phụ nữ Afghanistan xuống đường tuần hành yêu cầu Taliban giữ lời hứa và đảm bảo quyền bình đẳng cho nữ giới. Song các cuộc biểu tình đã bị đàn áp. Thậm chí, các tay súng Taliban còn bắn chỉ thiên để thị uy nhằm giải tán đám đông.
Giới chức Taliban cũng đã lên tiếng phủ nhận chuyện dùng bạo lực để giải tán biểu tình. Họ thừa nhận các tay súng Taliban làm như vậy vì họ không được huấn luyện từ trước để biết cách đối phó với các cuộc biểu tình. Như chỉ huy Nifiz nói, ông và các tay súng dưới trướng đang cố gắng thi hành nhiệm vụ và sử dụng bạo lực ở mức thấp nhất.
“Trước đây, chúng tôi không cần kiêng dè khi đối xử với các tù nhân. Nhưng nay tôi muốn các binh sĩ của mình hành xử điềm đạm hơn”, ông Nifiz cho biết.
Taliban sẽ lấy tiền ở đâu để điều hành Afghanistan khi bị Mỹ bỏ mặc?
Đối với Taliban, giành chiến thắng trên chiến trường dường như dễ dàng hơn điều hành Afghanistan nhất là những thách thức về tài chính.
Minh Thu (lược dịch)