Liên tiếp các sự cố, nhiều trường không mặn mà với dã ngoại
Hoạt động trải nghiệm là nội dung giáo dục mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được nhiều học sinh hào hứng đón nhận.
Tuy nhiên thực tế, các nhà trường gặp không ít khó khăn trong tổ chức, đặc biệt là khi kết hợp hoạt động trải nghiệm gắn với dã ngoại cho học sinh.
Nhiều tai nạn khi dã ngoại
Mới đây nhất, 56 học sinh Trường Tiểu học Kim Giang, Quận Thanh Xuân (Hà Nội) nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm sau chuyến đi dã ngoại khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Vào tháng 2/2023, dư luận cũng xôn xao trước vụ việc một học sinh lớp 11, Trường THPT Lý Thánh Tông, Hà Nội tử vong do bị đuối nước khi đi dã ngoại tại Mai Châu, Hòa Bình.
Trước đó, chiều 14/1/2021, một nhóm học sinh lớp 11, Trường THPT Đông Anh, Hà Nội cũng gặp tai nạn tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ). Theo đó, thiết bị ở khu vực tàu lượn gặp sự cố, 1 học sinh tử vong, 2 học sinh khác bị thương nặng.
Vào tháng 2/2020, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Kạn cũng đã phải giải cứu 27 học sinh Trường THPT chuyên Bắc Kạn bị lạc đường khi đi dã ngoại. Các học sinh này đã tự ý rủ nhau đi dã ngoại ở khu vực đỉnh núi Khau Mồ (TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn). Trên đường về, do trời tối nên các em bị lạc đường.
Học sinh "lén" nấu lẩu trong điểm nghỉ ngơi
Chia sẻ với VietNamNet, cô Nguyễn Văn Hà An - Bí thư Đoàn trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho biết: “Ở tuổi học sinh, có dịp đi chơi cùng bạn bè, được kết nối ở không gian khác ngoài trường học, tất nhiên ngoài chương trình do nhà trường tổ chức, học sinh cũng mong muốn có những kết nối riêng với nhau. Chính vì thế, đã xảy ra những chuyện dở khóc dở cười".
Theo cô Hà An, có một số học sinh còn chuẩn bị đồ từ ở nhà, mang theo và sau khi ăn tối theo kế hoạch của nhà trường, các em lén lút tổ chức ăn lẩu ngay trong phòng.
"Khi biết có người đi kiểm tra, các em tắt hết đèn và giữ im lặng nhưng chúng tôi vẫn phát hiện và nhắc nhở học sinh giải tán. Các em cho rằng việc ăn lẩu trong phòng đơn giản, không nghĩ đến nguy cơ cháy nổ cũng như quy định của điểm lưu trú, nhất là các khách sạn lớn”, cô Hà An nói.
Cũng theo giáo viên này, đi dã ngoại khó để cấm học sinh có những hoạt động vui chơi nhưng trong các buổi ngoại khóa nên quy định 22h học sinh phải tắt đèn, đóng cửa đi ngủ.
“Thường mỗi điểm nghỉ của học sinh trong chuyến dã ngoại, nhà trường sẽ bố trí một giáo viên và một học sinh để nhắc nhở học sinh không rời đoàn, không tự ý đi chơi riêng, nhất là những học sinh có tình cảm nam nữ với nhau.
Với những học sinh khác giới có tình cảm với nhau, nhà trường đã nắm bắt từ trước và có những nhắc nhở với các em về việc không tách đoàn, chơi riêng”, cô Hà An chia sẻ.
Cũng theo cô giáo này, yếu tố đầu tiên khi chọn điểm đến là địa điểm đủ diện tích cho học sinh tham gia hoạt động. Dã ngoại ở vùng biển hay lên núi vẫn đảm bảo công tác quản lý học sinh và yếu tố an toàn của học sinh phải đặt lên hàng đầu.
“Để hạn chế tối đa nguy cơ rủi ro trong các hoạt động ngoại khóa, tôi cho rằng đầu tiên nhà trường rèn tính tự giác, ý thức tự bảo vệ bản thân và bạn bè xung quanh. Ngoài ra, với nhân sự quản lý học sinh ngoài thầy cô giáo, có thể có có đội thanh niên tình nguyện giúp nhà trường đảm bảo an ninh”, cô Hà An cho biết.
Cũng liên quan đến tổ chức các hoạt động trải nghiệm, một hiệu trường trường công lập tại Hà Nội (xin giấu tên) cho biết, nếu có kế hoạch tổ chức đi trải nghiệm cho học sinh, nhà trường sẽ lấy ý kiến từ phụ huynh, học sinh qua cuộc họp phụ huynh.
Khi tổ chức, trường cũng gặp những áp lực nhất định từ phía phụ huynh về chi phí tổ chức. Ngay khi đó, trường sẽ có những giải trình về dự tính chi tiêu và dự tính mức phí học sinh sẽ đóng. Đương nhiên việc dã ngoại hay các hoạt động trải nghiệm là tự nguyện từ phía học sinh và phụ huynh.
"Nói thật, không ai muốn tổ chức và chịu trách nhiệm khi học sinh đi trải nghiệm ngoài nhà trường vì các vấn đề liên quan đến sức khỏe học sinh vô cùng phức tạp.
Đặc biệt, trong quá trình tổ chức không may có sơ suất, xảy ra sự cố. Đó là chưa kể phải giải trình, báo cáo cụ thể với cơ quan quản lý. Thế nhưng, chương trình có chẳng nhẽ lại không thực hiện?”, hiệu trưởng này nói.
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, trước đó, đã có một số lưu ý cụ thể với các nhà trường về công tác tổ chức hoạt động ngoại khóa. Trong đó, Sở nhấn mạnh, việc tổ chức hoạt động ngoại khóa phải được thống nhất và đồng thuận của cha mẹ học sinh, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bố trí cán bộ giáo viên, cha mẹ học sinh cùng tham gia và quản lý học sinh, bảo đảm tuyệt đối an toàn khi tổ chức. Việc xây dựng kế hoạch dã ngoại cần làm rõ thành phần tham gia, đơn vị phối hợp thực hiện, thời gian, địa điểm, kinh phí, phương án đảm bảo an toàn ; tổ chức họp thống nhất nội dung kế hoạch giữa nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nếu trường/lớp phối hợp với các đơn vị lữ hành tổ chức dã ngoại, đơn vị đó cần phải có Giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành và ký bảo hiểm an toàn cho người tham quan, học tập. |
Hoàng Thanh