Lầu Năm góc đang liên tục “phí tiền' cho các chi tiêu quân sự?
Nhận định trên do chuyên gia Mattew Golt đưa ra trong bài viết cho tạp chí “War is Boring”.
Tiêm kích F-35 |
Mattew Golt nhấn mạnh rằng trong vòng nhiều năm qua, những ai quan tâm đến những gì đã diễn ra ở Bộ Quốc phòng Mỹ đều có thể nhận thấy những chi phí bất hợp lý của Lầu Năm góc.
Chính vì vậy, Tạp chí Washington Post mới đây đã cho đăng tải bài báo về vấn đề này. Các chuyên gia cho rằng các con số đưa ra trong bài báo về con số 125 tỷ USD đã bị lãng phí là chưa chính xác và sẽ không ai biết được Lầu Năm góc sẽ chi bao nhiêu tiền và chi cho những việc gì.
Tuy nhiên, theo tác giả bài báo, điều đó không có nghĩa là không thể đưa ra bức tranh chính xác về việc Bộ Quốc phòng Mỹ đang “ném tiền thuế của người dân qua cửa sổ”. Trên cơ sở các số liệu có được thì hoàn toàn có thể đưa ra danh sách các chi tiêu không hợp lý của Bộ Quốc phòng Mỹ trong năm 2016.
Trước tiên, tiền đang bị Bộ Quốc phòng Mỹ “ném qua cửa sổ” từ việc chi phí không hợp lý cho các chương trình mua sắm quân sự quy mô lớn như chương trình máy bay tiêm kích F-35 và các tàu chiến bảo vệ bờ biển được trang bị công nghệ tàng hình….
Chi phí chỉ riêng cho 1 máy bay tiêm kích F-35 năm 2016 đã lên đến 11 tỷ USD, có nghĩa là mỗi ngày 30 triệu USD.
Ngoài ra, các mốc thời gian trong chương trình chế tạo F-35 của Mỹ đã không theo kịp tiến độ đặt ra trong kế hoạch, kinh phí bị đội lên khá nhiều, đồng thời hết vấn đề này lại đến vấn đề khác nảy sinh. Trái ngược với tuyên bố của Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ, các chuyên gia cho rằng mẫu tiêm kích này sẽ khó có thể sẵn sàng cho các hoạt động tác chiến.
Các tàu chiến phòng thủ bờ biển được trang bị các công nghệ tàng hình cũng là hệ thống vũ khí đầy tranh cãi của Mỹ. Dù giới chức quân sự Mỹ khẳng định rằng loại tàu chiến này sẽ là tàu chiến rẻ, cơ động và tốc độ nhưng các chi phí cho các tàu này đã vượt quá tất cả các tính toán trước đó.
Theo một số đánh giá, 32 chiếc tàu đầu tiên sẽ có giá trị lên đến 21 tỷ USD (tương đương 655 triệu USD/chiếc). Trong năm 2016, người đóng thuế Mỹ đã phải chi cho hệ thống này 2 tỷ USD, trong đó chưa kể các chi phí cho việc cải tiến, sửa chữa và các vấn đề khác. Tuy nhiên, các vấn đề nghiêm trọng về chất lượng các con tàu này đã xuất hiện.
Điển hình là tàu chiến bảo vệ bờ biển LCS-8 “Montgomery” được hạ thủy ngày 10/9/2016 đã gặp phải vấn đề đối với hệ thống máy khi hoạt động ở bờ biển Florida. Sự cố khiến thân tàu xuất hiện vết nứt và sau khi đi qua kênh đào Panama, vỏ tàu đã xuất hiện lỗ lớn.
Các vấn đề trên không chỉ xảy ra với các tàu chiến bảo vệ bờ biển mà xảy ra cả với tàu khu trục tàng hình “Zumwalt” của Hải quân Mỹ. Đây là loại tàu được trang bị hệ thống vũ khí mới với các loại đạn có thể tiêu diệt các mục tiêu trên đất liền từ khoảng cách xa.
Mỗi lần bắn của con tàu này tiêu tốn đến 800 nghìn USD - chi phí khiến Hải quân Mỹ phải “chùn tay”. Chi phí khổng lồ này đã vượt quá sức chịu đựng của Hải quân Mỹ khiến cơ quan này phải lên kế hoạch thay thế các loại đạn dược đắt đỏ này bằng các loại đạn “Excalibur” được dẫn đường bằng hệ thống GPS.
Dù khoảng cách tiêu diệt mục tiêu chỉ bằng ½ so với loại đạn cũ nhưng chi phí chỉ bằng ¼. Người dân đóng thuế Mỹ cũng đã chi mất hơn 12 tỷ USD cho loại tàu khu trục này trong năm 2016.
Khu trục hạm tàng hình Zumwalt của Hải quân Mỹ |
Việc đóng tàu sân bay “Gerald R.Ford” cũng đã ngốn mất 13 tỷ USD và việc hạ thủy con tàu này đáng ra phải thực hiện từ 2 năm trước. Theo các chuyên gia Mỹ, con tàu này dù mất nhiều chi phí như vậy nhưng sẽ chưa thể tham gia vào các hoạt động tác chiến.
Các công trình sư thiết kế con tàu này đã phải đối mặt với các vấn đề về kiểm soát cơ động đường không (cho các máy bay), vận chuyển đạn dược, bảo vệ con tàu, cũng như việc cất và hạ cánh của các thiết bị bay. Con tàu này trở thành tàu sân bay đắt đỏ nhất trong lịch sử nước Mỹ và Lầu Năm góc dự định sẽ tiếp tục đóng thêm tàu này. Người đóng thuế Mỹ đã phải chi cho chương trình này 2,5 tỷ USD trong năm 2016.
Ngoài các dự án lớn trên, Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2016 cũng đã “ném tiền qua cửa sổ” cho các dự án quy mô nhỏ hơn.
Cụ thể, hồi cuối năm 2015, khi thảo luận về ngân sách quân sự cho năm 2016, thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa từ bang Missisipi Ted Cochran đã đưa ra đề xuất đóng tàu mới cho lực lượng bảo vệ bờ biển.
Con tàu này tiêu tốn 640 triệu USD của ngân sách. Thượng nghị sỹ khác của đảng Cộng hòa là bà Susan Collins cũng đã thành công trong việc thuyết phục Quốc hội Mỹ chi 1 tỷ USD cho đóng tàu khu trục ở bang Maine, trong khi Hải quân Mỹ không cần đến con tàu này.
Bên cạnh đó, việc duy trì hoạt động của nhà tù Guatanamo cũng đã tiêu tốn ngân sách của Mỹ lượng tiền không nhỏ.
Theo kết luận của tác giả bài báo thì Quân đội Mỹ không hiểu và không có khái niệm về “cách tiêu tiền”. Đây là vấn đề mang tính chất hệ thống. Lầu Năm góc đề nghị cấp tiền và được Quốc hội Mỹ đáp ứng, còn những người đóng thuế sẽ phải gánh các khoản chi phí này.