Lão nông miền Tây hơn 20 năm làm điều lạ lùng trả ơn trâu bò
Giữa trưa nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm đến huyện Châu Thành (tỉnh An Giang), hỏi thăm tin tức về ông Tám Pho chuyên giải cứu gia súc, nhân vật đang sốt rần rần trên mạng xã hội thời gian gần đây.
Hai người đàn ông trung niên đang ngồi uống nước ven đường nhiệt tình chỉ đường giúp chúng tôi.
Men theo con đường đất dọc bờ kênh, hai bên cỏ voi cao tới đầu người, ngôi nhà của ông Tám Pho dần hiện ra. Với giọng nói điềm đạm, khuôn mặt rám nắng cùng với nét thật thà, chất phác của người nông dân “chính hiệu”, ông vừa uống nước trà, vừa chia sẻ về cuộc đời mình.
Ông tên là Trần Văn Pho (SN 1962, ngụ xã Hoà Bình Thạnh, huyện Châu Thành). Ông sinh ra trong gia đình làm nông. Gia đình đông con, để tiện cho việc xưng hô nên tên gọi Tám Pho ra đời từ đó.
Lớn lên ông Tám Pho cưới vợ cùng quê, lập gia đình riêng và được cha mẹ cho hàng chục công ruộng. Với niềm đam mê nông nghiệp, khát khao làm giàu trên cánh đồng quê nhà, vợ chồng ông chăm chỉ làm lúa và dần khá giả.
Nhanh nhạy trong tư duy làm ăn, thay vì cất giữ vốn liếng, ông đầu tư mua máy tuốt lúa, cuộn rơm rạ bán kiếm lời và trở nên khấm khá nhất vùng thời điểm đó.
Đương lúc ăn nên làm ra, cơ ngơi vững chãi, ông Tám Pho bỗng nảy sinh “ý nghĩ kỳ quặc”. Không chỉ người dân địa phương mà ngay chính người thân trong gia đình cũng cảm thấy khó hiểu.
“Tôi tâm nguyện cuộc đời chỉ là cõi tạm, tiền của danh vọng đều tan theo mây khói. Chọn ăn chay trường, tôi đi khắp nơi cắt cây thuốc nam, phơi khô rồi đem cho các lương y ở địa phương hốt thuốc giúp đỡ bà con nghèo. Cũng vì không biết đi xe máy nên ông dùng xe bò kéo thuốc”, ông nhớ lại.
Công việc đi kiếm cây thuốc nam không phải dễ, ông mất rất nhiều công sức, mưa nắng cũng bơi xuồng cả chục cây số để tìm dược liệu.
Gần 8 năm mê mải với công việc, lão nông xót thương cho số phận của những con vật nai lưng suốt đời phụ giúp gia chủ.
Ông quyết định để lại 40 công ruộng (40.000m2) cho các con canh tác lúa mưu sinh; dùng 7 công dựng lán trại, làm chuồng trại và gần 5 công đất trồng cỏ, giải cứu trâu bò.
“Lúc trước chưa có phương tiện, máy móc, công việc, trâu bò giúp tôi làm đủ thứ chuyện, giờ là lúc tôi đền ơn chúng. Tôi đi đến các lò mổ trong thành phố, Núi Sập, Tịnh Biên… cứu trâu bò thoát cửa tử.
Ngặt nỗi là tôi không có khả năng mua hết chúng ở lò mổ. Vào đó, con nào có duyên là cứu. Người ta bảo tôi khùng, nghe buồn lắm nhưng cũng gắng sức, vì đó tâm nguyện cả đời”, lão nông hướng ánh mắt xa xăm tâm sự.
Chỉ tay về con bò đang gặm cỏ bên kênh, ông Tám Pho cho biết đó là một trong hai con đầu tiên được ông cứu từ lò mổ. Trải qua hơn 20 năm, đến nay con bò đã gần 40 tuổi. Thời điểm ông mua, cặp bò trị giá gần 3 cây vàng.
Theo ông, lúc còn trẻ, cặp bò này to khoẻ, vạm vỡ với cặp sừng cong vút. Tới giữa tháng 11/2023, một con sức khoẻ yếu và chết; con còn lại bỏ ăn, nay ốm yếu.
“Con bò chết tôi mang chôn cất gần trang trại. Tôi cũng sắm thêm bia đá, tạc hình, ghi ngày chúng qua đời, cạnh mộ trồng thêm hoa. Cách đó không xa là mộ con trâu con, được mua về từ lò mổ cách đây 2 năm. Tiếc thay, từ ngày đem về, nó cứ bỏ ăn, suốt ngày kêu la như nhớ mẹ, nước mắt chảy ròng ròng. Tầm nửa tháng nó ra đi”, ông trải lòng.
Hơn 20 năm duy trì thói quen giải cứu trâu bò, đến nay, trang trại của ông Tám Pho có 22 con (17 bò và 5 trâu). Một trong số chúng được người họ hàng của ông hiện sống ở nước ngoài mua, gửi nhờ ông chăm sóc.
Để có thêm chi phí trang trải việc chăn nuôi, tới vụ thu hoạch, ông thuê người đi cuộn rơm, chất đầy kho, bán dần cho các hộ dân trồng nấm kiếm lời.
“Ngày trước, mỗi năm tôi kiếm được hơn 60 triệu đồng từ việc bán rơm nhưng gần đây, người mua thưa dần. Làm ăn khó khăn, nợ tiền công cuộn rơm người ta, tôi thấy áy náy, cố gắng xoay xở để trả”, ông Tám Pho cho hay.
Có người từng bàn bán bớt trâu bò, lấy tiền trả nợ nhưng ông nhất quyết không làm. Bởi theo ông, khi bán đi, chúng có thể bị đưa trở lại lò mổ, toàn bộ công sức lâu nay sẽ đổ sông, đổ biển. Nên thay vào đó, ông “nhờ” sự giúp đỡ từ vợ con.
Chia sẻ về với PV về ông Tám Pho, bà Phạm Mỹ Hạnh, chủ lò mổ ở Núi Sập (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết, ông Tám Pho từng tìm đến mua bò. Thấy ông thương gia súc, chủ lò mổ này đồng ý nhường lại.
Trưởng ban công tác mặt trận ấp Hoà Thạnh (xã Hoà Bình Thạnh) Dương Hoàng Nam cũng thông tin, mấy chục năm nay, lão nông Tám Pho có thói quen rất kỳ lạ, chuyên đi giải cứu trâu bò từ các lò mổ về nuôi. Ban đầu chỉ vài con, về sau ông nuôi lên đến cả chục con.