Lão nông kể chuyện 'ăn đất' để có gia sản triệu đô

Từng phải đi cày thuê kiếm sống nhưng ông Huy có những tư duy khác biệt, thức thời, quyết đoán với việc thay đổi sản xuất, đón đầu xu thế. Lão ông "vua ăn đất" hiện đã thành triệu phú "đô la".

Là một nông dân "chính hiệu" nhưng ông Võ Quan Huy (67 tuổi, ngụ tại xã Hiệp Hòa, Đức Hòa, Long An) hiện đang là chủ của những nông trường trồng cây ăn trái, nuôi bò, nuôi tôm rộng cả chục km2. Thành công vượt bậc khiến cái tên của lão nông thường được gắn với chữ "vua", trở thành những biệt danh như "vua" tôm, "vua" chuối.

Ông Huy chia sẻ, do hoàn cảnh cha mất sớm, là con út nhưng từ nhỏ ông đã phải tự rèn luyện để trở thành chỗ dựa cho mẹ và các chị. Khi còn ở tuổi học sinh ông Huy đã đi cày thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Sự nghèo khó luôn thôi thúc ông học tập, rèn luyện để thay đổi số phận.

Thập niên thất bại

Ông Huy kể, đồng đất quê ông trước đây bị gọi là đất chết, phèn nặng không cây gì sống nổi ngoài tràm nên "chẳng làm ăn gì được". Năm 1978, với chính sách khai hoang của nhà nước, chàng trai Út Huy mới ngoài hai mươi đã xin mẹ rời quê lên Tây Ninh thuê đất để khởi nghiệp trồng mía. Vụ mía đầu tiên của ông Huy thực sự là vụ "mía đắng". Lụt về khiến cả ruộng múa chết, ông Huy mất công, mất của lại còn mang nợ.

Lão nông chia sẻ bí quyết thành triệu phú đô la

"Phá sản tập một", ông Huy phải đi làm thuê 2 năm mới gom đủ tiền trả nợ. Dứt nợ ở Tây Ninh, ông Huy lại sang Bình Dương và vẫn quyết tâm trồng mía. Dù có tâm trồng cây nhưng cây không mọc, ông Huy phải chịu lỗ, lại mang nợ lần 2.

"Hồi đó bản thân tôi chỉ có đôi tay như người ta, vốn, giống thì nhà máy cho ứng trước. Chưa nắm được kỹ thuật, tôi thua lỗ nhưng vẫn quyết tâm, có những khi phải đi vay tiền mua gạo từng bữa mà vẫn cũng không bỏ cuộc.

Mất sáu năm trời mới dứt nợ ở xứ Bình Dương. Có dư chút đỉnh, tôi quyết định vay thêm vốn, đưa cây mía về quê trồng, nhưng phèn lên khiến mía chết sạch, lại lỗ nữa. Suốt 10 năm ròng chỉ có thất bại", ông cay đắng kể.

Lão nông kể chuyện ăn đất để có gia sản triệu đô - 1

Ông Huy tự mình kiểm tra các khâu sản xuất (Ảnh: Nguyễn Cường).

Thất bại dẫn đến nợ nần, nhưng không làm nữa thì không có tiền trả nợ, "lỡ đâm lao" nên ông Huy "buộc phải theo lao". Người khác kinh doanh lỗ thì thu hẹp quy mô, ông Huy lại làm ngược lại, ông thuê hẳn khu đất to để làm ăn lớn với quyết tâm phải thành công.

Từ vị trí 240ha đất ông Huy thuê làm trang trại thuộc xã Mỹ Bình (Đức Huệ, Long An) có thể ngó thấy biên giới, xung quanh chỉ có đồng hoang với rừng tràm heo hút. Ông Huy kể, ngày trước, mảnh đất này phèn chua đến mức nước trong nhìn thấy đáy, không có rêu tảo hay cá tôm gì sống được.

Mảnh đất heo hút này ngày đó chỉ có một lối mòn đi vào, hầu như không có người qua lại. Nhà cách nông trại chừng 7 cây số, suốt 6 năm ròng, cứ sáng ngày ông Huy lại rời nhà, tối mịt mới từ nông trại trở về.

Lão nông kể chuyện ăn đất để có gia sản triệu đô - 2

Hầu hết thời gian ông Huy dành để đi thăm tất cả các vườn cây, chuồng trại của mình (Ảnh: Nguyễn Cường).

Để rửa phèn, ông Huy thuê người đào kênh, đắp đê bao quanh nông trại của mình. Mảnh đất hơn 2km2 nhưng ông Huy cho đào đến gần 20km kênh rạch. Những bờ đê bao quanh cũng vững như thành lũy khiến phèn mặn cũng "chịu chết", không cách nào xâm nhập vào nông trường.

Đất được lên luống cao, mưa xuống chỉ rửa được phèn trên mặt nhưng may sao cây mía vẫn sống được. Dần dần, sự vất vả bao năm cũng thu về kết quả, mía ngọt dần, ông Huy dần khấm khá.

Cúi xuống "ăn đất" và ngẩng đầu nhìn xa

"Hồi đó mình chỉ biết đất này có phèn nặng, nhưng nặng đến mức nào thì không ai biết. Để kiểm tra xem đất thế nào, tôi chỉ có cách bốc lên ngửi và thè lưỡi ra nếm thử. Đến một luống mía, thấy cây tươi tốt, tôi bốc nắm đất nếm xem mùi vị ra sao, đến luống mía cây chết cũng lại nếm đất xem mặn nhạt thế nào.

Dần dần tôi có được cái kinh nghiệm nhận biết vị đất chua, mặn, ngọt ở mức nào thì cây sống tốt, từ đó biết cách cải tạo cho phù hợp. Đi đâu tôi cũng bốc đất nếm thử, nhiều người thấy nên lâu dần có thông tin đồn tôi có sở thích ăn đất, rồi đặt biệt danh là Huy "ăn đất", ông Huy chia sẻ.

Lão nông kể chuyện ăn đất để có gia sản triệu đô - 3

Nông trại của ông Huy duy trì thường xuyên khoảng 2000 con bò thịt, nhiều khâu chăm sóc được tự động hóa (Ảnh: Nguyễn Cường).

Đến bây giờ, khi kỹ thuật hiện đại, có máy kiểm tra, ông Huy vẫn không từ bỏ thói quen, thậm chí ông tin lưỡi mình hơn là máy. Ông Huy bảo rằng máy có khi cũng trục trặc, nhưng lưỡi mình thì ít khi sai lắm. Những kỹ sư trong nông trường ông Huy cũng đều phải học kinh nghiệm "ăn đất" của lão nông, khi báo cáo phải có đủ 2 thông số "PH lưỡi" và "PH máy".

Đang hưởng mật ngọt với cây mía là thế, đùng một cái, năm 2000 ông Huy bỗng "dứt tình", chuyển sang trồng cây khác khiến không ít người sửng sốt. Một thời gian ngắn sau đó, ngành đường và ngành trồng mía của Việt Nam, nhất là khu vực ĐBSCL lụi dần, nhiều nhà máy thua lỗ, đóng cửa, mọi người mới phục nể sự thức thời của ông "vua ăn đất".

Lão nông kể chuyện ăn đất để có gia sản triệu đô - 4

Trang trại chuối được áp dụng nhiều kỹ thuật mới để giảm sức lao động cho nhân công (Ảnh: Nguyễn Cường).

Về quyết định này, ông Huy giải thích, khi Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN dần đi vào thực tiễn, ngành mía đường Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với ngành đường Thái Lan nên ông "rút chân" sớm để tìm hướng đi khác. Hành động dứt khoát của ông Huy là kết quả của hơn 20 năm kinh nghiệm với bao nhiêu lần thất bại.

Dù vậy, việc chuyển đổi cây trồng đột ngột cũng khiến lão nông không khỏi liêu xiêu. Trong gần 15 năm sau đó, ông Huy đã thay đổi cả chục loại cây trồng nhưng đều không mang lại hiệu quả như mong đợi, một phần do thị trường biến động, một phần do thiếu kỹ thuật canh tác.

Đến năm 2014, sau khi khảo sát các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, ông Huy nhận thấy tiềm năng xuất khẩu trái chuối rất lớn nên quyết định trồng thí điểm một diện tích nhỏ để chào hàng.

Lão nông kể chuyện ăn đất để có gia sản triệu đô - 5

Quy trình chế biến chuối hiện đại, đáp ứng hàng trăm tiêu chí xuất khẩu (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Hồi đấy, sau khi Việt Nam ký hiệp định đối tác kinh tế với Nhật Bản và đang đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, tôi đi khảo sát thị trường thì thấy Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu chuối rất lớn. Tôi thống kê thì thấy phía Nhật Bản yêu cầu đến hơn 300 tiêu chí đối với chuối nhập khẩu, phía Hàn Quốc thậm chí còn nhiều tiêu chí hơn. Họ khó tính như vậy nhưng thực tế, chuối Philippines vẫn vào được thị trường.

Philippines thì khí hậu, thổ nhưỡng cũng giống Việt Nam, họ làm được nên tôi nghĩ mình cũng làm được. Tôi về trồng thử một diện tích nhỏ, rồi mời các nhà nhập khẩu nước ngoài đến tham quan, đánh giá, họ ưng thì mình mới làm thật. Kinh nghiệm làm nông của tôi, không phải là chỉ cặm cụi làm mà phải nắm chắc được mình trồng cây gì, nuôi con gì, bán đi đâu, phải tìm hiểu thị trường và tận dụng tốt nhất chính sách của nhà nước", ông Huy chia sẻ.

Từ anh Huy "nông dân" đến Huy "doanh nhân"

"Trung Quốc thích dòng chuối bự. Hàn Quốc, Nhật Bản lại chuộng chuối nhỏ, mình cũng lựa hàng cho hợp thị trường. Năm vừa rồi tôi bán được 10 nghìn tấn chuối, thu 8 triệu USD, năm nay dự kiến xuất được 15 nghìn tấn, thu khoảng 12 triệu USD", ông Huy chia sẻ tình hình kinh doanh của mình.

Lão nông kể chuyện ăn đất để có gia sản triệu đô - 6

Để bán được hàng, ông Huy đã bỏ công sức tìm hiểu cặn kẽ thị trường (Ảnh: Nguyễn Cường).

Từ một nông dân cày thuê, chạy ăn từng bữa, sau hơn 40 năm, đến nay ông Huy đã có nhiều trang trại nuôi trồng trải khắp nhiều tỉnh, thuê đến hàng nghìn lao động làm việc. Dù vậy, ông Huy bảo, bản thân vẫn đóng 2 vai, vừa là Huy "nông dân", vừa làm Huy "doanh nhân", 2 vai này lại rất rạch ròi, không đụng chạm nhau.

Ông Huy chia sẻ, vì cũng đã từng là nông dân chặt từng cây mía mang bán cho nhà máy, cũng chịu cảnh được mùa mất giá, dừng tay là hết tiền nên khi trở thành doanh nhân liên kết với nông dân để sản xuất, ông hiểu rất rõ những khó khăn, những mong muốn và tâm tư của từng đối tác, từ đó mà tìm ra giải pháp hài hòa lợi ích của cả 2.

Lão nông kể chuyện ăn đất để có gia sản triệu đô - 7

Để giữ uy tín, ông Huy luôn khắt khe với từng sản phẩm (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Tôi có cơ ngơi này là từ cây mía, từ một nông dân chính hiệu. Ngày xưa mình làm nông dân, không lạ gì cái khó của nông dân. Nông dân thì thiếu vốn, nuôi trồng thì theo phong trào, thấy ai nuôi, ai trồng được lợi là ồ ạt làm theo. Những chuyện được giá thì nông dân bẻ kèo, mất giá thì doanh nghiệp bỏ cọc cũng chẳng lạ lẫm gì cả.

Vì thế khi đứng vai là doanh nghiệp, để không rơi vào vòng luẩn quẩn đó, thay vì liên kết nông dân nuôi trồng, doanh nghiệp tiêu thụ như truyền thống, tôi chọn hùn vốn với nông dân. Nông dân bỏ công, bỏ đất và một phần vốn, tôi bỏ kỹ thuật và phần vốn còn lại. Như vậy chính tôi đang đóng 2 vai, vừa là nông dân, vừa là doanh nghiệp, tôi chẳng thể "bẻ kèo" chính mình được. Về giá cả, khi kết hợp đã thỏa thuận từ đầu rồi nên cũng không có gì khó khăn cả.

Với cách làm như vậy, tôi có thể chủ động được vùng nuôi trồng, sản lượng hàng hóa từng mùa vụ, có thể rải vụ quanh năm để luôn có hàng ra thị trường mà tránh được tình trạng dồn ứ hay khan hàng cục bộ", ông Huy cho biết.

Lão nông kể chuyện ăn đất để có gia sản triệu đô - 8

Nhờ trang trại chuối của ông Huy mà khoảng 300 người vô gia cư có được việc làm (Ảnh: Nguyễn Cường).

Dù đã trở thành doanh nhân triệu đô nhưng ngày ngày ông Huy vẫn có mặt ở trang trại, có thể làm thuần thục mọi khâu trong quá trình sản xuất. Ra vườn chuối, ông Huy có thể nhổ cỏ, bón phân, chỉ kỹ thuật cắt tỉa cho công nhân, vào nhà xưởng ông Huy có thể kiểm hàng, đóng gói, bốc vác. Hơn hết, 40 năm qua ông Huy vẫn giữ thói quen cứ ra vườn, ra ao là lại bốc đất lên nếm thử. Ông nói, chuyện nếm đất đã trở thành quy trình không bỏ được.

Mỗi lao động mang theo gia đình 10 người, không ai biết chữ

Ông Huy "doanh nhân" không chỉ quan tâm sản phẩm, quan tâm thị trường mà cũng đặc biệt quan tâm đến người lao động. Ông tự hào bản thân là một trong số ít doanh nhân bỏ tiền xây nhà, bao ăn ở cho cả cha mẹ và con cái người lao động.

Trong trang trại chuối ở Long An, ông đang sử dụng khoảng 300 lao động, trong đó quá nửa là người dân tộc Khmer, vốn từng vô gia cư, không biết chữ. Việc ông Huy chấp nhận cho những người không có trình độ, thiếu kỷ luật vào nông trại làm việc đã là một chuyện hi hữu. Nhưng không chỉ vậy, ông còn để họ đưa theo cha mẹ, vợ con đến ở cùng.

"Ngày họ mới đến lôi thôi lếch thếch lắm, ngoài bộ đồ trên người thì chẳng có gì cả. Mỗi gia đình thường có trên dưới 10 thành viên mà không một ai biết chữ. Nhưng thôi, mình chấp nhận, đào tạo từ từ. Về đây, họ bỏ được tật rượu chè bê tha, sống kỷ luật hơn. Con cái họ cũng được đi học hành, coi như cũng là mình cũng đóng góp một phần cho xã hội", ông Huy chia sẻ.

Trong khu nhà ở công nhân của ông Huy, gia đình nào cũng có đầy đủ ti vi, tủ lạnh, đời sống đảm bảo. Buổi chiều, sau giờ làm, những người đàn ông thường tập trung tán gẫu, đá gà giải trí, lũ trẻ hiếu động thì nô đùa không ngừng nghỉ.

Lão nông kể chuyện ăn đất để có gia sản triệu đô - 9

Ông Huy trò chuyện với một gia đình công nhân (Ảnh: Nguyễn Cường).

Anh Nguyễn Văn Trệt (36 tuổi), một trong những công nhân nội trú của trang trại chuối chia sẻ: "Mọi người ở đây ngày xưa hầu hết đều ở lán ngoài biên giới, dép cũng chẳng có đi nên đến giờ nhiều người vẫn chưa quen đi dép. Về đây có chỗ ăn ở, có việc làm, mình mới nuôi nổi cha mẹ, vợ con. Về đây cũng bỏ được tật rượu chè.

Hai vợ chồng đi làm, nuôi mẹ già với 5 đứa nhỏ. Đi làm đều đều, mỗi người cũng được tháng 8 triệu đồng, gần Tết thì nhiều hơn, làm đúng giờ, cuối tuần nghỉ. Gạo với mọi thứ thì ông Huy cho rồi nên cũng không phải lo gì nhiều".

Ông Nguyễn Văn Niên (74 tuổi) và bà Lý Thị Cồn (65 tuổi) đã sống gần cả cuộc đời lênh đênh trên thuyền. 6 năm trước, ông bà theo con trai và 5 đứa cháu về trang trại chuối ở. Ông Niên bảo, lên bờ lâu rồi nhưng vẫn chưa quen, đi vẫn chòng chành chưa vững.

"Cả đời mình ở thuyền, cũng không nghĩ được sau này ra sao. Giờ theo con cháu về đây, vẫn chưa quen đi dép nên cứ đi chân không cho chắc. Ở đây yên vui, con cháu được đi học cũng mừng lắm", ông Niên nói.

Ông Phạm Công Bằng - Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Bình cho biết, ông Võ Quan Huy là một trong những nông dân, doanh nhân tiêu biểu của tỉnh. Việc ông Huy xây nhà ở, tạo việc làm cho khoảng 300 lao động vô gia cư đã giải quyết được vấn đề xã hội rất lớn cho địa phương. Ngoài ra, hàng năm ông Huy còn hỗ trợ cho khoảng 100 hộ nghèo, cận nghèo của địa phương cải thiện cuộc sống cũng như đóng góp rất lớn cho công tác giáo dục của xã.

Theo dantri.com.vn

Công nghệ sản xuất tạo nên nước uống Sữa trái cây mãng cầu vạn người mê

Chính quy trình và công nghệ sản xuất hiện đại đã tạo nên hương vị tự nhiên thơm ngon khác biệt cho thức uống từ mãng cầu mới của Tập đoàn TH.

Hàng ngàn quà tặng hấp dẫn chờ đón khách hàng SHB dịp sinh nhật 31 tuổi

Sổ tiết kiệm 310 triệu đồng, bộ cốc thương hiệu, ô cầm tay, áo mưa, hàng trăm ngàn voucher giảm giá cùng những lời cảm ơn dễ thương, thú vị là những hoạt động đặc biệt tri ân khách hàng của SHB nhân dịp kỷ niệm 31 năm thành lập.

Chuyện ấm áp tình người ở khu chung cư bình dân TPHCM

Cuộc sống của gia đình tôi ngày một tốt hơn, nhiều khi muốn chuyển đến một chỗ ở tiện nghi, nhưng cái tình người ở chung cư đã níu chúng tôi lại.

Cảnh sát chạy bộ 29 tầng chữa cháy chung cư do chủ nhà đun nước trên sofa

Chủ nhà đun nước trên bộ bàn ghế sofa rồi đi ra ngoài quên không tắt, gây ra đám cháy tại tầng 29 chung cư Lạc Hồng (Khu đô thị Nam Thăng Long, quận Tây Hồ, Hà Nội).

Bảo hiểm Nhân thọ FWD lan tỏa thông điệp sống đầy theo cách đặc biệt

Vào ngày 23/6, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam tiếp tục lan tỏa thông điệp sống đầy qua sân chơi mới mang tên “FWD Cung đường sống đầy” được tổ chức tại TP.HCM.

Cánh rừng Net Zero Vinamilk tại Cà Mau đón những đàn chim trở về

Bên trong cánh rừng Net Zero Vinamilk tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, hơn 71.000 cây mắm con đã cao 40-50cm, trở thành bãi sinh sản cho tôm cá, thu hút những đàn chim cót, chim nhàn… trở về làm tổ.

8X mở quán cơm 2.000 đồng/suất ở Gia Lai, bà con thoải mái vào ăn

Mở quán cơm từ thiện 2.000 đồng ngay trước cổng bệnh viện, mỗi ngày chị Nguyễn Thị Huy (Gia Lai) đã chia sẻ khó khăn với hàng trăm người nghèo, nhất là những bệnh nhân.

Chàng trai 9X 7 năm làm điều đặc biệt trên hè phố Đà Nẵng

7 năm qua, điểm cắt tóc miễn phí của chàng trai trẻ đã trở thành điểm đến quen thuộc của những người chạy xe ôm, bán vé số và sinh viên nghèo ở Đà Nẵng.

Nữ giúp việc phát hiện bọc vàng: Tôi run lắm, chưa bao giờ thấy nhiều vàng thế

Phát hiện vàng lẫn trong túi quần áo cũ, nữ nhân viên cửa hàng 0 đồng lập tức báo cho người quản lý. Chị làm nghề giúp việc, hoàn cảnh gia đình chật vật nhưng không tham lam.

Ám ảnh tuổi thơ cơ cực, chàng trai Hà Giang lên núi làm điều cảm động

Ám ảnh chuyện cứ mua gạo nấu cơm ăn lại thiếu tiền đi học, nên khi đã tạm lo được cho mình, chàng trai Hà Giang quyết định làm điều khiến ai cũng bất ngờ, cảm động.

Đang cập nhật dữ liệu !