Lãnh địa đồ lưu niệm từ thú rừng 'dỏm'
Muôn nẻo hàng nhái
Đến khu du lịch Bản Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk), ghé những cửa hàng bán đồ lưu niệm, chúng tôi ngạc nhiên bởi lòng “hiếu khách” của các chủ buôn: “Mua đồ lưu niệm đi em. Đến đây không mua quà ai biết là đi du lịch Bản Đôn”.
Mời chào đon đả là vậy, nhưng khi khách vào tiệm xem và hỏi mua đồ thì chủ quán hét giá trên trời. Nếu không mua, không ít khách du lịch bị những chủ tiệm “tặng” cho một “tràng” chửi tục. Mặc dù chỉ cách nhau vài bước chân, nhưng mỗi cửa hàng tại đây đều bán hàng với mức giá khác nhau nên người mua như lạc vào “ma trận” giá của chủ buôn.
![]() |
Lông đuôi voi “dỏm” bày bán khắp khu du lịch. |
Đang rảo bộ, chúng tôi bị thu hút bởi những lời mời chào “bùi tai” của một quầy bán đồ lưu niệm ngay đầu khu du lịch: “Mua nhẫn lông voi đi em. Nhẫn này đặc biệt lắm, vừa trừ được tà ma, cản gió độc lại mang đến nhiều may mắn đối với ai sở hữu nó”.
Thấy nhẫn đẹp, chúng tôi hỏi mua thì bà chủ hét giá trên trời: “Nhẫn bạc giá từ 300.000-500.000 đồng/chiếc, nhẫn vàng giá từ 1,5-3 triệu/chiếc, tùy theo lớn nhỏ khác nhau”.
Nói xong, chủ quán ghé tai tôi thì thầm: “Hàng này chỉ có ở Bản Đôn, voi Tây Nguyên chính cống. Mua riêng lông thì 300.000/cái”. Giá đưa ra là vậy nhưng khi chúng tôi hỏi: “Nhẫn vàng sao nhìn lạ vậy?”, chủ quán huỵch toẹt: “Vàng Tây Nguyên, muốn biết thì mua về rồi đi thử, không mua thì đi chỗ khác để tôi bán hàng”.
![]() |
Hàng nhái từ xương thú rừng tràn ngập khu du lịch. |
Tiếp tục bị chèo kéo bởi một quầy cách đó không xa, chủ quán nhiệt tình: “Mua gì đó làm kỷ niệm đi em. Có nhiều “hàng độc” thoải mái lựa chọn”. Người đàn ông tiếp tục giới thiệu các mặt hàng đeo cổ, đeo tay làm từ móng mèo, nanh heo rừng và ngà voi. Vòng đeo tay làm bằng ngà voi được chủ quán hét giá từ 3-5 triệu đồng.
“Những cái này là từ thú rừng thứ thiệt”, người bán hàng nói. Hỏi mua cao động vật, ông chủ ra giá các loại: “Cao khỉ 500.000/lạng, cao mèo, ngựa rừng 800.000/lạng”. Không chỉ bán “hàng độc” từ thú rừng, quầy này còn bán các trang phục của người Ê Đê: “Hàng thổ cẩm, tự tay người Ê Đê làm, hoa văn đường nét rất tinh xảo”, thế nhưng trên cổ áo ghi xuất xứ từ Trung Quốc.
Thần dược “ông uống, bà khen”
Ngoài những mặt hàng "hàng độc" được chào bán nhiều nhất là nhẫn và lông đuôi voi còn có “thần dược” Ama Kông cũng được chào bán tràn lan với nhiều giá khác nhau. Đi đến mỗi cửa hàng, chúng tôi đều được chủ buôn “nổ” khí thế về công dụng: “Trị đau lưng nhức mỏi, bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực…”.
Hài hước hơn, chủ quán nổ: “Mấy thứ này mạnh lắm, ông uống, bà khen tức thì”. Để hút khách, ngoài bao bì có ghi rõ thành phần cấu tạo thuốc. Nhưng quan sát nhiều địa chỉ làm thuốc, chúng tôi thấy người dân phơi ngay dưới lề đường rất mất vệ sinh.
![]() |
Thần dược Ama Kông “Ông uống, bà khen” . |
Giá mỗi gói Ama Kông được bán dao động từ 100.000-150.000 đồng/gói, tùy thuộc vào mức “chặt chém” của mỗi cửa hàng, còn chất lượng của nó thì chưa ai có thể kiểm định được.
Vui mừng vì mua được “hàng độc” và “thần dược” mang về giới thiệu với người quen, anh bạn dân bản địa thốt lên: “Hàng nhái cả thôi. Ai cho giết voi và thú rừng mà bán nhiều đến thế?”.
![]() |
Động vật hoang dã bị giết để treo làm cảnh. |
Nói xong, anh bạn lấy chiếc lược và chiếc trâm mà chúng tôi mua đem ra đốt. Giật mình vì mùi khét lẹt, tôi hỏi: “Ngà voi sao mùi khó chịu vậy”. “Nhựa tổng hợp ấy mà”, anh bạn kết luận.
“Ngoài ra, để cho ra mỗi thang thuốc Ama Kông có giá trị thực sự, thầy thuốc phải đi lấy nhiều ngày với nhiều loại thuốc và bào chế rất công phu chứ không hề đơn giản như mấy loại thuốc được bày bán tràn lan ngoài khu du lịch”, anh bạn nhấn mạnh.
Minh Kha