Lạng Sơn: Đầu tư hơn 35 tỷ đồng bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số
UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, việc triển khai Đề án nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đồng thời mong muốn đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Theo nội dung kế hoạch, việc triển khai đề án được chia thành 02 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2019 - 2025), và giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030.
Trang phục người Nùng Dín. |
Cụ thể, trong giai đoạn 1 đề án sẽ được triển khai thực hiện các nội dung như: Thực hiện rà soát, kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn toàn tỉnh.
Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về trang phục truyền thống (quay phim, chụp ảnh, bài viết) phục vụ công tác bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị trang phục truyền thống.
Tổ chức hội thảo khoa học (đối với các nhà quản lý, các nhà khoa học và chủ thể văn hóa) về giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Tày - Nùng trên địa bàn tỉnh.
Khôi phục trang phục truyền thống, khôi phục nghề dệt của các dân tộc thiểu số đã bị mai một. Tổ chức tập huấn, truyền dạy kỹ năng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số cho các đối tượng người có uy tín, cán bộ văn hóa xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tổ chức truyền dạy các kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết liên quan đến trang phục truyền thống như: Trồng bông, se sợi, dệt vải, nhuộm chàm, nghệ thuật thêu hoa văn... cho đồng bào các dân tộc thiểu số…
Trong giai đoạn 2, đề án sẽ lựa chọn và lập hồ sơ khoa học từ 01 - 02 di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến trang phục truyền thống tiêu biểu của tỉnh đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú về lĩnh vực nghề thủ công truyền thống liên quan đến trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số; Xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống; Tiếp tục nghiên cứu, khôi phục trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đã bị mai một.
Ngoài ra sẽ tổ chức tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy và kỹ năng truyền dạy bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số; Thực hiện mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ, tết, hội.
Đặc biệt sẽ tổ chức hội thảo khoa học (đối với các nhà quản lý, các nhà khoa học và chủ thể văn hóa) về giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Mông, Dao, Sán Chỉ trên địa bàn tỉnh…
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, để triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ đối với các sở, ban, ngành liên quan, trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm về việc xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án của ngành và tổ chức triển khai thực hiện.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện các nội dung do các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện tại tỉnh Lạng Sơn; Làm đầu mối tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh, báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam. Theo thống kê, Lạng Sơn có 7 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Nùng chiếm 42,97%, Tày chiếm 35,92%, Kinh 16,5%, còn lại là các dân tộc Dao, Hoa, Sán Chay, H'Mông... |