Làm thêm nhiều nghề để có tiền đối phó trước cơn bão giá
Để có đủ tiền trang trải cuộc sống giữa cơn bão giá, ngày càng nhiều người Hàn Quốc buộc phải làm thêm công việc phụ.
Anh Choi Sun-hoo, người bố của 2 đứa con sinh sống ở thành phố Sejong của Hàn Quốc gần đây phải làm thêm công việc giao hàng vào cuối tuần để kiếm thêm thu nhập.
“Tôi chỉ là người làm công ăn lương, khoản lương duy nhất hàng tháng khó có thể đủ để gia đình tôi sinh sống”, Korea Times dẫn lời anh Choi.
Nhiều người Hàn Quốc phải làm thêm công việc phụ để có tiền chi trả chi phí sống giữa thời bão giá. (Ảnh: Korea Times) |
Hai đứa con đang học cấp 2 của anh Choi ngoài học ở trường còn tham gia các lớp học thêm môn tiếng Hàn, Toán và tiếng Anh. Chi phí cho các con đi học là không hề nhỏ, nhưng gia đình anh Choi vẫn cố gắng thu xếp được. Song cơn bão giá ập tới khiến mọi thứ đều tăng chóng mặt từ thức ăn cho tới chi phí sửa lại phần mái căn nhà của họ.
“Mọi thứ đều tăng giá trừ lương của tôi. Vợ tôi nói rằng cô ý đang nghĩ tới chuyện làm công việc thu ngân tại siêu thị bán lẻ gần nhà. Tôi không biết phải nói gì với vợ”, anh Choi chia sẻ.
Anh Choi không phải là người duy nhất đang phải làm thêm việc phụ để tăng thêm thu nhập lo chi phí sinh hoạt cho gia đình.
Cô Shin Ji-seon ngoài 30 tuổi và đang làm mẹ của 2 đứa trẻ gần đây cũng đang phải làm công việc bán thời gian ở một cửa hàng cà phê.
“Tôi cần phải làm việc. Chi phí cho mọi thứ đều tăng nhanh, và tôi nghĩ gia đình mình không thể tồn tại khi chỉ dựa vào khoản lương tháng duy nhất của chồng”, cô Shin nói.
Trường hợp của anh Choi và cô Shin là minh chứng rõ nhất về việc ngày càng nhiều người dân Hàn Quốc tìm và làm thêm các công việc khác nhau để có tiền chi trả chi phí sống ngày càng gia tăng từ thực phẩm, tiền điện nước, cho tới lãi suất vay ngân hàng.
Theo số liệu của Cục Thống kê Hàn Quốc, số lượng người dân nước này làm thêm công việc phụ để tăng thu nhập là 629.610 vào tháng Năm. Đây là con số lớn nhất từ trước tới nay mà Cục Thống kê Hàn Quốc ghi nhận, và tăng 18,4% so với một năm trước đó.
Con số này cũng tăng 65% so với mức 381.314 người làm thêm công việc phụ vào tháng 1/2020, thời điểm ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Hàn Quốc.
Tỷ lệ lạm phát ở Hàn Quốc cũng đang tăng nhanh và ở mức 6,3% vào tháng Bảy, mức tăng cao nhất kể từ 6,8% vào tháng 11/1998 giữa cuộc khủng hoàng tài chính châu Á.
So với một năm trước, tỷ lệ lạm phát của Hàn Quốc đã tăng lên mức 6% trong tháng Sáu. Đây là mức tăng cao nhất trong gần 24 năm ở quốc gia này.
Lãi suất vay ngân hàng tại Hàn Quốc đã bị điều chỉnh theo hướng tăng lên. Trong đó, khoản vay thế chấp hiện là 5,4% so với tỷ lệ 2,61% vào năm 2020. Tính tới tháng Ba năm nay, tổng khoản nợ hộ gia đình ở Hàn Quốc đã tăng lên 1.752 nghìn tỉ won (1,35 nghìn tỉ USD).
Bên cạnh đó, tiền điện và gas ở Hàn Quốc cũng liên tục tăng trong vài năm qua, và được dự báo tăng hơn gấp đôi trước thời điểm cuối năm nay.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng Sáu, giá thực phẩm toàn cầu đã tăng 23% trong tháng 5/2022 so với một năm trước đó. Cuộc chiến ở Ukraine đã gây gián đoạn hoạt động cung ứng thóc lúa từ Ukraine và Nga, đồng thời đẩy giá năng lượng và phân bón tăng cao.
Ngân hàng Hàn Quốc ước tính cứ mỗi 1% tăng giá các mặt hàng nông nghiệp nhập khẩu sẽ đẩy giá thực phẩm thành phẩm lên 0,36% trong năm tới, và giá cả tại các nhà hàng tăng 0,14% trong 3 năm tới.
Phụ nữ hiện đại không dám sinh con vì sợ già, mất dáng, mất sự nghiệp
Phụ nữ Trung Quốc ngày nay không dám sinh con vì lo già, mất dáng và mất cả sự nghiệp, dù chính phủ cho triển khai nhiều chính sách khuyến sinh.
Hàn Quốc: Vừa được tự do đi làm, nhân viên văn phòng lại bị quấy rối
Khi số lượng nhân viên văn phòng đi làm gia tăng, vấn nạn quấy rối chốn công sở cũng xuất hiện tăng trở lại.
Minh Thu (lược dịch)