Lá xông bán chạy hơn cả rau, tác dụng của xông hơi và những lưu ý của chuyên gia?
Khi mỗi ngày cả nước có hơn 40 nghìn ca mắc Covid-19, F0 có ở khắp nơi thì người người, nhà nhà tranh thủ xông với hi vọng phòng, chống Covid-19
Khi biết cả nhà là F1, gia đình chị Nguyễn Thị My (Hà Đông, Hà Nội) ngày nào cũng xông. Chị nấu nồi lá xông lên rồi cho viên tinh dầu xông mua ở nhà thuốc vào chia ra chậu nhỏ cho các con xông đường mũi họng. Còn hai vợ chồng chị My thì nấu cả nồi to rồi cùng chùm chăn xông.
Mỗi lần xông xong chị My thấy rất dễ chịu. Vì cả nhà đang làm việc tại nhà nên mỗi ngày chị My nấu liên tục hai nồi nước xông để cả nhà cùng xông.
Mỗi bó lá xông mua ở chợ Hà Đông có giá 20 nghìn đồng, nấu nồi 5 lít là vừa đủ. Chị My tin rằng nhờ chăm chỉ xông mà 10 ngày qua cả nhà chị không ai có triệu chứng gì, test lại đều âm tính.
Những ngày qua, trên các chợ, diễn đàn mạng người bán lá xông “được mùa”. Chị Vân quê Hoài Đức bán lá xông ở khu đô thị Nam Trung Yên cho biết mỗi bó lá xông có giá 20 nghìn đồng, mỗi ngày chị bán được cả trăm bó. So với đi bán rau lúc trước, chị Vân cho biết bán lá xông còn được nhiều hơn.
Lá xông là mặt hàng được nhiều người tìm mua. |
Không riêng chị Vân, anh Nguyễn Hào bán lá xông tại Nhân Chính, Hà Nội cũng cho biết anh bán hoa quả là chính nhưng sau Tết anh bán thêm lá xông. Mỗi ngày anh nhập 50 bó lá xông và bán ra với giá 20 nghìn đồng/bó. Ngày nào anh Hào cũng bán đến 4,5 giờ chiều là hết hàng. Một bó lá xông chỉ có cành lá bưởi, lá sả, lá tía tô, lá tre vừa bằng chịt tay người lớn nhưng giá 20 – 30 nghìn đồng/bó.
Trong những ngày qua, Hà Nội với số ca mắc Covid-19 kỷ lục, chị Nguyễn Thị Hoa (Hà Đông, Hà Nội) cũng tranh thủ nhờ mẹ ở quê gửi các loại lá để xông lên tranh thủ bán. Chị Hoa cho biết nhiều người thích mua lá xông tươi vì còn nhiều tinh dầu, mùi thơm cũng tốt hơn. 1 nắm lá xông đun được nồi nước to, cả nhà xông thoải mái. Bó lá xông của chị Hoa có cả lá kim ngân, cỏ xước, lá tre, lá sả, lá cúc tần, lá hoắc hương, lá bưởi…. Sau khi xông xong, nồi nước lá có thể để lại cho nguội khi nào tắm sẽ dùng nước này tắm luôn còn trị được cả các bệnh lý về da.
Không chỉ lá xông, các loại gừng, sả, chanh cũng được nhiều người tìm mua. Giá bán từ 30 – 50 nghìn đồng/kg mỗi loại.
Mặc dù rất nhiều y bác sĩ nói rằng xông hơi không trị được Covid-19 hay tiêu diệt được virus nhưng nhà nhà xông, người người xông, GS Nguyễn Gia Bình – Nguyên trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết bản thân ông cũng xông và thấy giảm các triệu chứng mũi họng.
Theo GS Bình, một nghiên cứu khoa học của Đức đăng trên tạp chí PLOS one cho thấy, việc tăng nhiệt độ (40 độ C) làm ức chế khả năng nhân lên của SARS-CoV-2 trên các tế bào biểu mô đường hô hấp. Ngoài ra, trên tạp chí của Hội vi sinh Mỹ (ASM) cũng cho thấy vai trò của nhiệt độ và độ ẩm đến việc loại bỏ virus trên các bề mặt như thép, nhựa, găng tay... và việc tăng nhiệt độ từ 24 lên đến 35 độ C qua tính toán cho thấy loại bỏ virus rất nhanh.
Làm tăng nhiệt độ như vậy giống như là cách xông theo truyền thống của người Việt hay làm khi bị cảm cúm. Bản thân GS Bình cũng vẫn xông khi bị các bệnh lý đường hô hấp và ông thấy có tác dụng làm thông thoáng đường hô hấp hơn, sát khuẩn đường hô hấp thì khả năng bám dính của virus cũng giảm hơn.
Nếu bạn đã tiêm vắc xin, tuân thủ 5K có điều kiện thì có thể xông hàng ngày giúp phòng dịch tốt hơn. Không nên chủ quan nghĩ xông rồi thì không đeo khẩu trang. Tuy nhiên, khi xông nên cẩn trọng, trẻ nhỏ không nên xông vì sợ bỏng. Có thể nấu nồi nước lá cộng thêm các loại tinh dầu sả, tinh dầu khác vào. Nếu không có máy xông thì xông trực tiếp trên nồi xông.
Thay vì mua các thuốc uống chưa cấp phép trên mạng thì thực hành xông, trang bị kiến thức cho sức khoẻ gia đình tốt hơn nhiều.
BS Huỳnh Tấn Vũ – BV Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cũng cho rằng xông hơi thì tác dụng hơi nóng, kháng sinh thực vật và tinh dầu tiết ra từ thảo dược giúp giảm tải lượng virus, sát khuẩn mũi họng, tăng thông khí hô hấp, chống nhiễm khuẩn, làm ra mồ hôi thải độc cơ thể, cải thiện tuần hoàn máu tại chỗ thông qua cải thiện tuần hoàn toàn thân, thư giãn cơ thể, xông hơi thực sự có lợi cho sức khỏe.
Theo BS Vũ xông hơi cũng là phương pháp hỗ trợ tốt trong việc cải thiện triệu chứng: cảm ho, sốt, ho có đờm, thông khí dễ thở, kich thích vị giác và khứu giác… còn góp phần nâng cao sức đề kháng giúp cơ thể phòng và chữa bệnh hiệu quả nhất là vượt qua đại dịch này.
Trong quá trình tư vấn và điều trị cho F0, bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nhận thấy, nhiều người lạm dụng việc xông mũi, họng và thường làm theo hướng dẫn truyền tai nhau trên mạng xã hội.
Việc xông mũi, họng quá nhiều lần trong một ngày, dễ làm tổn thương niêm mạc đường thở, mất khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể trước tác nhân gây nhiễm trùng từ bên ngoài.
"Về nguyên tắc, xông mũi họng với gừng, sả... có tác dụng sát khuẩn đường hô hấp trên, hỗ trợ làm giảm nhẹ triệu chứng nhưng không phải là phương pháp điều trị Covid-19", bác sĩ nói.
Bổ sung thêm, TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y dược học Dân tộc TPHCM cho biết, từ khi có dịch Covid-19, việc xông hơi được rất nhiều người áp dụng.
Nhiều người xông hơi ngày 2, 3 lần với việc nấu 1 nồi nước xông, xông phủ kín toàn thân. Trong khi, người mắc bệnh Covid-19, cơ thể đang rất mệt mỏi, suy nhược, ra mồ hôi nhiều, cần nhiều oxy để thở, nếu xông toàn thân sẽ bị mất nước, khó thở và dễ chóng mặt và có khi choáng váng, ngất xỉu.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, phụ huynh không lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 30 tháng, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay người dị ứng với tinh dầu. Trẻ có bệnh lý nền cần tuân thủ theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ.
Ngoài trẻ em, các bác sĩ cho hay người già yếu, mắc bệnh mãn tính, suy nhược cơ thể cũng không được tùy tiện xông hơi một mình mà cần người hỗ trợ. Trong quá trình xông, nếu choáng váng, khó thở, tức ngực... cần ngưng xông ngay.
Khánh Chi