Kỳ tích cứu sống hai bé sơ sinh 1 ngày tuổi có ruột non, ruột già 'chạy' lên lồng ngực
Bệnh nhi một ngày tuổi có tạng gồm ruột non, ruột già, lách thoát vị lên lồng ngực gây thiểu sản phổi và tăng áp lực động mạch phổi trái.
Ca mổ cứu sống bệnh nhi |
Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn vừa phẫu thuật thành công cho hai bệnh nhi bị thoát vị hoành trái bẩm sinh – ca bệnh khó ở bệnh nhi chỉ mới 1 ngày tuổi.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhi N.K.L (sơ sinh 1 ngày tuổi). Bé được sinh thường, đủ tháng nhưng xuất hiện suy hô hấp sau sinh. Bé được chuyển sang khám tại khoa sơ sinh Bệnh viện và được chẩn đoán: Thoát vị hoành trái bẩm sinh.
Nhận thấy đây là bệnh lý bẩm sinh nặng cần can thiệp phẫu thuật và điều trị đa chuyên khoa, PGS.TS Trần Ngọc Sơn,Trưởng khoa Phẫu thuật nhi, Phó giám đốc Bệnh viện đã chỉ đạo hội chẩn liên chuyên khoa: Phẫu thuật Nhi – khoa Sơ sinh – khoa Gây mê hồi sức – khoa Hồi sức cấp cứu nhi và lên kế hoạch phẫu thuật và hồi sức cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật nội soi giải phóng tạng thoát vị đưa trở lại ổ bụng, khâu phục hồi cơ hoành.
Trong lúc mổ, các bác sĩ thấy, tạng bé thoát vị lên lồng ngực bao gồm ruột non, ruột già, lách gây thiểu sản phổi và tăng áp lực động mạch phổi trái. Ca phẫu thuật cho bệnh nhân L được các bác sĩ thực hiện thành công.
Sau mổ bé được Ts Trần Văn Trung cùng các y bác sĩ tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi điều trị thở máy 2 ngày và cai dần oxy. Sau mổ 10 ngày cháu bé đã hồi phục và có thể sinh hoạt bình thường trở lại.
Bệnh nhi thứ hai khoa Phẫu thuật nhi thực hiện phẫu thuật là bé P.K.N (sơ sinh 1 ngày tuổi), đẻ thường, 36 tuần, xuất hiện suy hô hấp sau sinh vào viện Xanh Pôn tại khoa Sơ sinh và được chẩn đoán: Thoát vị hoành trái bẩm sinh.
Sau khi được hồi sức, điều chỉnh các rối loạn về hô hấp và hoàn thiện các xét nghiệm tầm soát dị tật kèm theo tại khoa Sơ sinh, PGS Trần Ngọc Sơn và cộng sự, gây mê Bs Nguyễn Anh Tuấn quyết định phẫu thuật nội soi lồng ngực có kết hợp dùng kim khâu qua da để tạo hình cơ hoành cho bệnh nhi.
Đây là một kĩ thuật mới, được thực hiện lần đầu tiên ở Việt Nam trên trẻ sơ sinh. Các bác sĩ phải tiến hành đưa tạng thoát vị trở lại ổ bụng và khâu phục hồi cơ hoành qua phẫu thuật nội soi lồng ngực, có sử dụng kim hỗ trợ.
Đồng thời là một ca mổ khó cả về gây mê và phẫu thuật, do gây mê một phổi và phẫu trường nhỏ hẹp, cơ hoành khuyết phần lớn chỗ tiếp giáp với thành ngực nên phải dùng kim chuyên dụng khâu qua da tạo hình cơ hoành và khâu cố định vào thành ngực. Bệnh nhi đã ăn trở lại bằng đường miệng, tự thở, phổi không rale, bụng mềm, vết mổ khô và ra viện sau phẫu thuật 5 ngày.
PGS Trần Ngọc Sơn cho biết, đây là hai trường hợp khó khăn trong hồi sức trước mổ, gây mê, phẫu thuật và hồi sức sau mổ, do bệnh nhi sơ sinh, phẫu thuật lớn can thiệp vào lồng ngực và các tạng thoát vị từ ổ bụng (đặc biệt các bệnh nhân thường bị thiểu sản phổi), hồi sức sau mổ nguy cơ thở máy kéo dài.
Bằng sự nỗ lực của tất cả các bác sĩ, 2 ca phẫu thuật đều thành công, hồi sức sau mổ tốt nên các bé không có biến chứng, sức khỏe hồi phục gần như bình thường.
Đây là lần đầu tiên Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn triển khai gây mê hồi sức, phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị hoành ở trẻ sơ sinh. Hiện 2 bé đã xuất viện và tiếp tục được theo dõi tại nhà.
N. Huyền