Kiên Giang chăm lo ngư dân, phát triển kinh tế biển
Với những lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế biển quan trọng, những năm qua, kinh tế biển đã đóng góp gần 80% GRDP của tỉnh Kiên Giang, với tốc độ tăng trưởng kinh tế biển đạt bình quân trên 18%/năm.
Kinh tế biển đã đóng góp gần 80% GRDP của tỉnh Kiên Giang |
Ngày 2/2, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Công văn số 703/VP-KT, truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chín chỉ đạo giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về việc động viên, thăm hỏi ngư dân sản xuất trên biển dịp tểt Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, ngành khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, tàn suất bão xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm; dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng ở các thị trường lớn dẫn đển giá nguyên liệu thủy sản trong nước sụt giảm mạnh; tình hình an ninh trên biển diễn biến phức tạp, chứa đựng nhiều nhân tố bất ổn đã tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất của ngư dân.
Hiện nay, đang là thời điểm chính của Vụ cá Bắc năm 2020 - 2021, đồng thời cũng là thời gian để chuẩn bị nguồn hàng hải sản phục vụ nhu cầu tiêu thụ mạnh sau Tết, nên trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 này sẽ có nhiều ngư dân, tàu cá bám biển sản xuất vừa làm kinh tế, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc.
Để động viên kịp thời tinh thần các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và các gia đình có ngư dân tham gia bám biển khai thác hải sản trong dịp Tết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo các cơ quan chuyên môn: Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết và tình hình khai thác hải sản của ngư dân trên các vùng biển để kịp thời hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất an toàn, hiệu quả.
Tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần, vật chất cho các hộ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, ngư dân tham gia bám biển khai thác hải sản trong dịp Tết Nguyên đán; phối hợp các cơ quan, đoàn thể các tổ chức chính trị, xã hội có liên quan tổ chức tốt lễ ra quân đầu năm, lễ cầu ngư khai thác hải sản sau Tết; tổ chức tuyên truyền, phản ánh và biểu dương kịp thời các ngư dân khai thác hải sản đạt hiệu quả trong dịp Tết Nguyên đán.
Vùng biển Kiên Giang rộng hơn 63.000 km2, với bờ biển dài khoảng 200 km và 143 đảo nổi, trong đó, 43 đảo có cư dân sinh sống, tạo nên 5 quần đảo giàu tiềm năng kinh tế trên mặt đại dương.
Biển Kiên Giang tiếp giáp với nhiều nước trong khu vực, chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng với trữ lượng, quy mô lớn, cho phép phát triển mạnh các lĩnh vực kinh tế biển. Kiên Giang đã được Chính phủ xác định là một trong 4 tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL theo Quyết định 492/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Đỗ Thanh Bình cho biết, với những lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế biển quan trọng, những năm qua, kinh tế biển đã đóng góp gần 80% GRDP của tỉnh, với tốc độ tăng trưởng kinh tế biển đạt bình quân trên 18%/năm.
Trong đó, lĩnh vực khai thác thủy sản đã thu hút và giải quyết việc làm cho trên 60.000 lao động. Toàn tỉnh hiện có gần 13.000 phương tiện, sản lượng khai thác ước đạt trên 400.000 tấn. Riêng lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, với nhiều loại hình nuôi cá và tôm công nghiệp và quảng canh.
Đến nay, tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản rất đa dạng theo quy hoạch, đã hình thành một số vùng nuôi tôm công nghiệp và nuôi một số loại thủy sản mang lại hiệu quả cao; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 755.000 tấn (đạt 99,93% so với Nghị quyết). Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển đạt kết quả tích cực, tổ chức lại việc khai thác hải sản theo hướng giảm dần tàu thuyền có công suất nhỏ khai thác ven bờ, phát triển tàu có công suất lớn, đánh bắt xa bờ.
Mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Kiên Giang là tập trung đầu tư phát triển các ngành có lợi thế, tạo tiền đề để Kiên Giang sớm trở thành tỉnh mạnh về biển với tốc độ phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, phát huy tối đa nội lực đi đôi với mở rộng hợp tác ngoài tỉnh, quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài để tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế biển.
H. Anh