Kiềm chế lạm phát dưới 5%, cố gắng không tăng giá các mặt hàng thiết yếu
Theo Tổng cục Thống kê công bố ngày 28/06/2016, tăng trưởng GDP cả nước trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%.
Trong đó, GDP quý 1 tăng 5,48%, GDP quý 2 tăng 5,55%. Mức tăng này mặc dù cao hơn giai đoạn 2012-2014 nhưng lại thấp hơn đáng kể mức tăng 6,32% của 6 tháng đầu năm 2015.
Mức suy giảm tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do 2 ngành khai khoáng và nông, lâm ngư nghiệp, thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng rất thấp. Cụ thể, khai thác dầu thô giảm 6,1%; khai thác than tăng 3%, khai thác khí tăng 5,9%.
Tính chung, ngành khai khoáng giảm 2,2%; trong khi tốc độ tăng trưởng năm trước đạt 8,5%. Trong khi đó, ngành nông, lâm ngư nghiệp và thủy sản giảm 0,78% trong 6 tháng đầu năm.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, với mức tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% mà Chính phủ đề ra đầu năm thì GDP 6 tháng cuối năm phải đạt khoảng 7,6% hoặc trên đó.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, do nhiều yếu tố khách quan cả trong nước và quốc tế, nhiều khả năng mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ trong năm nay sẽ không đạt được, qua đó ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại một Hội nghị về đầu tư diễn ra cùng ngày, GDP 6 tháng đầu năm mặc dù không đạt như kỳ vọng, nhưng quý 2 đã tăng cao hơn so với quý 1. Đó là tín hiệu lạc quan và nhà đầu tư hãy tin tưởng vào sự khởi sắc của nền kinh tế trong năm 2016
Để kiềm chế lạm phát dưới 5%, Chính phủ đã xây dựng những kịch bản khác nhau, trong đó, từ nay đến cuối năm 2016 sẽ cố gắng không tăng các mặt hàng như điện, sữa, phí BOT... Các mặt hàng thiết yếu khác nếu tăng giá phải có lộ trình hợp lý, không được tăng quá cao gây ảnh hưởng đến lạm phát.
Ảnh minh họa. |
Trong Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố hồi trung tuần tháng 5, VEPR nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm khó có thể đạt được. Cụ thể, VEPR nhận định tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 sẽ ở mức 6% cho kịch bản thấp, và dưới 6,5% ngay cả trong trường hợp có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Do đó, mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2016 do Quốc hội đề ra nhiều khả năng không thể đạt được.
Mặc dù có những yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng trong trung hạn, kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn khó có khả năng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao khi những nền tảng cho tăng trưởng chưa được thiết lập chắc chắn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cực từ môi trường xung quanh khi các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực đối mặt với những thách thức suy giảm của hoạt động sản xuất.
Về mặt bằng giá, VEPR dự báo tốc độ lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở quanh mức 5%. Trong kịch bản thận trọng, lạm phát vào khoảng 4,2%. Tuy nhiên, do mặt bằng giá trong năm nay có thể sẽ có những diễn biến phức tạp đến từ nhiều yếu tố ngoại sinh như thị trường thế giới và biến đổi khí hậu (gây xáo trộn trên thị trường lương thực), và nội sinh như khả năng kiểm soát cung tiền của NHNN và biến động của tổng cầu, VEPR không loại trừ việc lạm phát 2016 sẽ vượt qua mức mục tiêu 5% của Chính phủ.