Kỉ niệm về các chiến sỹ giao bưu Bình Trị Thiên
Sinh năm 1927, hiện đã 89 tuổi nhưng ông Trần Đình Phụng vẫn còn rất minh mẫn. Biết ý định của chúng tôi về việc muốn được nghe ông kế lại chiến công của những chiến sỹ giao bưu đã đóng góp cho sự nghiệp của ngành Bưu điện những năm đánh Mỹ, ông vui vẻ nhận lời. Ông Phụng nhớ lại, vào khoảng năm 1961, ông được điều từ miền Bắc vào làm Trạm trưởng Trạm giao bưu Chợ Chiều thuộc tỉnh Bình Trị Thiên (gồm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế ngày nay - địa bàn được xem là ác liệt nhất thời bấy giờ) cùng với 35 đồng chí giao bưu khác. Nhiệm vụ của Trạm Giao bưu Chợ Chiều là đưa đón cán bộ từ miền Bắc vào Bình Trị Thiên và từ Bình Trị Thiên ra Bắc.
Hàng ngày, các chiến sỹ giao bưu của Trạm phải đi qua Dốc Miếu (thuộc tỉnh Quảng Trị), một căn cứ quân sự khét tiếng của Việt Nam Cộng hòa. Đây là địa hình với dốc núi cao, đi từ sáng sớm đến trưa mới đến đỉnh dốc, và khi tụt dốc thì mặt trời đã xế bóng. Cung đường này còn có căn cứ quân sự Dốc Miếu, được lập ra năm 1947 dưới thời thực dân Pháp, đến khi đế quốc Mỹ nhảy vào tham chiến tại miền Nam Việt Nam thì đây trở thành căn cứ quân sự trong yếu với nhiệm vụ ngăn chặn bộ đội Bắc Việt chi viện cho chiến trường miền Nam. Tại Dốc Miếu, Mỹ đã cho xây dựng hàng rào điện tử Mc Namara (một phần của kế hoạch ngăn chặn, phong tỏa dọc chiến tuyến phi quân sự tại vĩ tuyến 17-PV), gồm 12 lớp kẽm gai cao 3 mét, dày đặc hệ thống cảnh báo điện tử và các bãi mìn tự động dày đặc, tầng tầng, lớp lớp. Bên cạnh đó, bãi mìn, hàng rào điện tử, hệ thống đèn pha chống xâm nhập cùng với lĩnh canh tuần tiễu 24/24, nghiêm cẩn tới mức “con kiến cũng khó lọt”.
Vận chuyển công văn, tài liệu thư báo bằng xe đạp trên tuyến đường thư Khu IV - Vĩnh Linh trong những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 - 1972). |
Tại Dốc Miếu, Cồn Tiên và dọc sông Bến Hải, quân số của địch đóng tại đây rất đông. Riêng tại Dốc Miếu có một đội ngũ biệt kích biên giới, được quân ta ví là “hồn ma biên giới” khét tiếng với những trận càn quét và chống phá hoạt động du kích của quân ta. Cũng do đây là cung đường chiến lược, nên ngày đêm, hàng toán máy bay ném bom, lính biệt kích Mỹ và pháo tấm xa của địch luôn dõi theo mọi hành động của quân ta. Chính vì vậy, trong thời gian chiến tranh, đã có nhiều đồng chí giao bưu ngã xuống tại chiến trường Dốc Miếu này. “Ngày nay, tại Dốc Miếu, một tượng đài Giao bưu thông tin liên lạc các thời kỳ đã được dựng lên để tưởng nhớ công lao của đội ngũ giao bưu đã ngã xuống cho sự phát triển của ngành Bưu điện”, ông Phụng bùi ngùi nói.
Kể về thời kì khó khăn, gian khổ, hi sinh nhưng cũng đầy nhiệt huyết và mưu trí của tuổi trẻ, ông Phùng cho biết: Vào khoảng thời gian năm 1967-1968, thời kỳ chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, dường như đánh hơi được ý đồ của ta, không quân Mỹ tăng cường đánh phá dọc đường Trường Sơn trong đó có Dốc Miếu. Khi ấy, đại đội của tôi lương thực đã cạn, rất nhiều hôm chúng tôi phải cử các chiến sỹ giao bưu vào nhà dân để xin cơm. Việc chốt tại trạm chỉ còn một vài đồng chí, do đa số đã phải đi làm nhiệm vụ. Có những đêm tại trạm chỉ còn vài người, bị địch phát hiện ra căn cứ và tổ chức vây hãm. Phải rất vất vả chúng tôi mới có thể phá vòng vây và thoát ra ngoài, tài liệu và đồ đạc bị địch đốt phá sạch. Khi quân địch rút đi, chúng tôi lại dựng lại trạm để tiếp tục hoạt động, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.
“Với phương châm khi có công văn hỏa tốc bằng mọi giá phải đi ngay, thông thường, các chiến sỹ giao bưu đi từng nhóm 2 người, lúc có công văn tối mật quan trọng phải đi 3 người (chỉ huy, 1 chiến sĩ mang công văn và 1 chiến sĩ bọc hậu chiến đấu-PV), không được để lọt công văn vào tay giặc, bằng mọi giá phải bảo vệ, nếu chẳng may bị lộ địch bắt được phải nhanh chóng nuốt công văn (trường hợp ít), nếu công văn nhiều phải tìm cách đốt trước khi bị địch phát hiện. Công văn quan trọng hơn tính mạng người giao bưu vì nếu để lộ công văn thì sẽ gây nhiều tổn thất cho cách mạng. Khi đó, người có thể mất, nhưng tài liệu thì phải tuyệt đối an toàn và về được nơi quy định”, ông Phụng nhớ lại.
Trong những lần dẫn đường đưa cán bộ qua trạm và vận chuyển tài liệu, một kỷ niệm để lại dấu ấn nhất đối với ông Phụng là lần ông nhận nhiệm vụ đưa Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Trị Thiên Nguyễn Văn Dũng từ miền Bắc vào căn cứ của ta ở chiến khu Vĩnh Linh. Trên đường đi, chẳng may cả đoàn công tác lọt vào ổ phục kích của biệt kích Mỹ. Nhờ thông minh, nhanh trí, ông Phụng đã đưa ông Dũng thoát khỏi vòng vây về căn cứ an toàn. Chính nhờ chiến công này, ông Phụng đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua hạng 2 và Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Phụng về công tác tại Bưu điện tỉnh Quảng Trị cho đến ngày nghỉ hưu năm 1979. Chiến tranh đã lùi xa 41 năm, nhìn về quá khứ của mình và các đồng đội, những đóng góp của Trạm giao bưu Chợ Chiều cho ngành Bưu điện, bên cạnh niềm vui, trong mắt ông Phụng vẫn đượm buồn day dứt. Theo ông Phụng, trong số 35 chiến sỹ giao bưu từ Bắc vào chiến đấu cùng ông, đến ngày thống nhất hai miền năm 1975, trạm của ông chỉ còn lại 2 người sống sót. “Nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống tại đây, thậm chí nhiều người đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt”, giọng ông Phụng chùng xuống trong sự bùi ngùi, nhớ về những người bạn của mình...
Năm 2004, Tượng đài Giao bưu thông tin liên lạc qua các thời kỳ được khánh thành tại Dốc Miếu, Quảng Trị. Đây là di tích lịch sử tái hiện một cách sinh động nhất hình ảnh các chiến sỹ giao bưu qua các thời kỳ lịch sử, là công trình ý nghĩa để tưởng nhớ công ơn và tôn vinh sự hy sinh của lực lượng giao bưu trong phong trào đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc. Tượng đài đã trở thành địa chỉ thân quen để các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên ngành Thông tin và Truyền thông đến thăm viếng, dâng hoa tưởng niệm nhân dịp các ngày lễ tết, ngày kỷ niệm, ngày truyền thống ngành…