Không sợ điềm gở, nhiều người trẻ Trung Quốc lập sẵn di chúc
Trong những năm gần đây, số người trẻ tuổi ở Trung Quốc đi làm sẵn di chúc đang có dấu hiệu gia tăng.
Theo sách trắng được Trung tâm Đăng ký Di chúc Trung Quốc công bố, số lượng công dân trẻ tuổi ở nước này lập sẵn di chúc đang gia tăng trong những năm gần đây. Giới chuyên gia nhận định, hành động này cho thấy người trẻ tuổi ngày càng có ý thức mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ tài sản cá nhân.
Phân tích 190.000 bản di chúc được thực hiện tại Trung tâm Đăng ký Di chúc Trung Quốc cho thấy, số lượng lớn khách hàng thuộc thế hệ trẻ và sinh sau những năm 1980, 1990 và thậm chí là 2000.
Không sợ điềm gở, ngày càng nhiều người trẻ ở Trung Quốc lập sẵn di chúc. (Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu) |
Thông thường ở Trung Quốc chỉ có những người lớn tuổi mới lập di chúc để lại tài sản cho con cháu.
Trung tâm Đăng ký Di chúc Trung Quốc vốn là một dự án phúc lợi xã hội được triển khai từ năm 2013 nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn, đăng ký và pháp lý cho chủ yếu công dân trên 60 tuổi. Nhưng trong những năm gần đây, trung tâm này lại tiếp nhận ngày càng nhiều khách hàng trẻ tuổi. Những khách hàng này cũng không xem việc lập di chúc sớm là điềm gở nên đã thực hiện ngay khi còn trẻ.
“Ngày càng đông người trẻ tuổi đi làm di chúc. Điều này cho thấy thế hệ trẻ Trung Quốc có ý thức lớn trong việc bảo vệ tài sản và chuyện viết di chúc không còn dành riêng cho người cao tuổi, mà giờ áp dụng cho bất cứ ai có tài sản riêng”, ông Huang Haibo, Giám đốc Trung tâm Đăng ký Di chúc Trung Quốc tại chi nhánh ở thành phố Thượng Hải chia sẻ với tờ Thời bào Hoàn Cầu.
Cô Wei Qiu thuộc thế hệ 8X cho hay, cô tìm tới Trung tâm Đăng ký Di chúc Trung Quốc sau khi chứng kiến một số người bạn của mình qua đời khi mới ngoài 40 tuổi. Do đó, cô Wei cho rằng việc viết sẵn di chúc không nên chỉ áp dụng với người lớn tuổi mà mọi công dân đều có thể làm.
Trong di chúc, cô Wei muốn để lại căn hộ đang sinh sống cho đứa con duy nhất của cô này. Bởi căn hộ này được mua bằng tiền của cô Wei và bố mẹ đẻ, chứ không phải là tài sản chung của cô Wei và chồng sau khi kết hôn. Cô Wei làm di chúc mà không thông báo cho chồng.
“Hôn nhân không bền chặt ngày càng trở thành chuyện phổ biến trong xã hội hiện đại khiến giới trẻ sớm cân nhắc để lại cho ai cũng như phân chia tài sản ra sao khi không may qua đời sớm”, ông Huang nói.
Theo sách trắng được Trung tâm Đăng ký Di chúc Trung Quốc công bố, lý do chính khiến những công dân sinh trong thập niên 80 làm sẵn di chúc là “để tránh tài sản bị lãng quên và để chăm sóc cho các thành viên trong gia đình”.
Với vị trí là trụ cột trong xã hội, những người sinh sau năm 1980 chịu gánh nặng rất lớn từ gia đình và xã hội. Điều này khiến họ nghĩ tới chuyện làm di chúc sớm hơn.
Cũng theo sách trắng của Trung tâm Đăng ký Di chúc Trung Quốc, những khách hàng sinh sau năm 1990 và thậm chí là sau năm 2000 cũng đã tìm tới trung tâm để làm di chúc. Trong đó, khách hàng trẻ nhất làm sẵn di chúc khi mới 17 tuổi.
Cô Li Ya thuộc thế hệ 9X cho biết, cô làm di chúc cho căn hộ mà cô đang sở hữu. Cô Li muốn căn hộ được chuyển giao cho bố mẹ đẻ thay vì cho người chồng tương lai. Việc làm sẵn di chúc cũng để tránh xảy ra tranh chấp nếu không may cô qua đời sớm.
“Tôi thường đọc được những tin tức về các vụ tranh chấp trong gia đình về quyền thừa kế và phân chia tài sản. Do đó, tôi chọn cách đi làm di chúc từ sớm”, cô Li chia sẻ.
Theo ông Huang, so với việc phải trải qua quá trình tranh tụng phức tạp và chi phí đắt đỏ, cũng như kéo dài nhiều năm, bản di chúc sẽ là biện pháp ngăn chặn những tranh chấp không đáng có đối với các thành viên trong gia đình.
Điều đặc biệt là trong xã hội hiện đại, tài sản trong các bản di chúc không chỉ bó hẹp ở tài khoản ngân hàng hay nhà đất, mà còn gồm tài sản trong thế giới ảo như tài khoản trên Alipay, WeChat, Tencent QQ hay tài khoản game.
Thành phố ở Trung Quốc cấm phong tục trêu ghẹo cô dâu trong đám cưới
Sau những hành động quá trớn gây bức xúc dư luận, chính quyền một thành phố ở Trung Quốc đã cấm phong tục náo hôn trong đám cưới.
Minh Thu (lược dịch)