Không quân Mỹ chi hàng trăm triệu USD để bớt phụ thuộc vào Nga
Vào ngày 29/2, Không quân Mỹ tuyên bố họ sẽ đầu tư 738 triệu USD để chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ đối với động cơ tên lửa RD-180 do Nga chế tạo. Hiện tên lửa Atlas V, thuộc sự sở hữu của công ty vũ trụ không gian ULA của Mỹ, đang sử dụng loại động cơ này.
Mỹ muốn thay thế động cơ tên lửa do Nga sản xuất, một phần do căng thẳng chính trị với Moscow. |
Trong vòng 10 năm qua, tên lửa Atlas V đã giúp phóng những vệ tinh đắt đỏ của Không quân Mỹ lên không gian. Nhưng trong những năm gần đây, khi quan hệ giữa Nga và Mỹ trở nên căng thẳng, việc hãng ULA tiếp tục sử dụng động cơ RD-180 đã vấp phải sự chỉ trích từ nhiều phía.
Sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014, Quốc hội Mỹ kêu gọi Không quân Mỹ từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng động cơ tên lửa do Nga chế tạo bằng cách lập dự án chế tạo động cơ mới, cho phép Mỹ có động cơ được chế tạo trong nước vào cuối năm 2019.
Trong tuyên bố ngày 29/2, Không quân Mỹ cho biết họ sẽ đầu tư 202 triệu USD cho ULA, dự kiến sẽ được dùng để chế tạo tên lửa Vulcan mới của hãng này, theo kế hoạch sẽ được phóng lần đầu vào năm 2019. Vulcan sẽ được trang bị loại động cơ mới được thiết kế và chế tạo bởi công ty hàng không vũ trụ Blue Origin của Mỹ, một doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos.
Blue Origin không phải là công ty duy nhất tham gia chế tạo động cơ tên lửa mới. Một đối thủ khác là hãng Aerojet Rocketdyne, hiện được Không quân Mỹ rất tin tưởng. Phần còn lại của khoản ngân sách mà lực lượng này đầu tư vào việc phát triển động cơ, tức khoảng 536 triệu USD, được dành cho hãng Aerojet Rocketdyne.
Hãng Aerojet đang chế tạo động cơ tên lửa AR1, được cho là có thể được ứng dụng với Atlas V, Vulcan cùng các loại tên lửa khác. Trong khi đó, Blue Origin cũng đang phát triển động cơ BE-4 cho tên lửa Vulcan và hãng này đã có hợp đồng với ULA. Hạn chót của Aerojet và Blue Origin để thiết kế, chế tạo và thử nghiệm động cơ mới là ngày 31/12/2019.
“Mặc dù động cơ RD-180 đã thể hiện tính năng của nó với hơn 60 lần phóng tên lửa thành công, chúng tôi tin rằng đây là thời điểm phù hợp để Hoa Kỳ đầu tư phát triển một loại động cơ mới, được sản xuất trong nước”, ông Tory Bruno, chủ tịch và giám đốc điều hành của ULA cho biết.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…