Bác sĩ chật vật dùng lazer 'phá' khối bã rắn chắc trong bụng bệnh nhân
Ngày 27/9, Ths. BS Nguyễn Anh Quân, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện E Trung ương cho biết, khoa vừa tiếp nhận và phẫu thuật lấy khối bã thức ăn thành công cho một nữ bệnh nhân 57 tuổi, ở Hà Nội.
Được biết, khối bã thức ăn có kích thước “khủng” và vô cùng rắn chắc, thậm chí dùng laser để xuyên phá cũng gặp khó khăn.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, do đang bắt đầu vào mùa thu nên gia đình có mua quả hồng về đi biếu và có dư ra một ít nên để lại để sử dụng trong gia đình.
Trước đó, bệnh nhân rất ít ăn hồng cũng như những đồ khó tiêu nhưng đợt này bà lại ăn 5-6 quả. Lúc ăn không vấn đề gì nhưng sau đó vài ngày thì xuất hiện tình trạng đau âm ỉ nên bệnh nhân đến viện khám.
Bác sĩ Quân cho biết, bệnh nhân vào viện ngày 26/7 vì ăn uống kém, đau âm ỉ vùng thượng vị sau khi ăn quả hồng. Trước đó, bệnh nhân từng có tiền sử viêm loét dạ dày, viêm da cơ địa, từng cắt u xơ tử cung.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã nội soi dạ dày cho bệnh nhân phát hiện hang vị bờ cong nhỏ có nhiều ổ loét (kích thước 1,5x3cm), đặc biệt trong dạ dày có hai khối bã thức ăn lớn với kích thước lần lượt là 6x7cm và 2x3cm, rất cứng chắc.
Ngay sau đó, các bác sĩ đã được nội soi dạ dày để gắp thức ăn ra ngay tại phòng nội soi nhưng không thành công. Bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên phòng mổ, tiến hành nội soi dạ dày, dùng máy laser để phá nhỏ bã thức ăn nhưng cũng không thể xuyên phá được do khối bã thức ăn quá rắn chắc.
“Với trường hợp này, do không thể xuyên phá khối bã thức ăn bằng tia laser khi nội soi nên chúng tôi buộc phải phẫu thuật mổ mở mặt trước dạ dày để lấy bã thức ăn. Qúa trình mổ, ngoài kiểm tra bã thức ăn ở dạ dày, chúng tôi phải kiểm tra kỹ lưỡng các quai ruột để xem có bã thức ăn hay không, bởi nếu để sót thì nguy cơ sẽ bị tắc tiếp. Kết quả, bệnh nhân chỉ có khối bã thức ăn trong dạ dày. Hiện sau mổ 1 ngày, nữ bệnh nhân đã ổn định”, bác sĩ Quân chia sẻ.
Được biết, trong quả hồng, nhất là quả hồng ngâm có chất tamin gây vị chát và có chất pectin, hai chất này làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột. Do vậy, nếu ăn nhiều hoặc ăn vào lúc đó, các chất này cùng với hàm lượng chất xơ có trong quả hồng dưới tác dụng của axit dạ dày sẽ vón lại thành từng khối, nếu các khối bã thức ăn này không được đẩy ra ngoài theo đường bài tiết tự nhiên, chúng sẽ gây tắc nghẽn đường tiêu hóa.
Bác sĩ Quân khuyến cáo, với những trường hợp có tiền sử mắc bệnh lý dạ dày, răng kém thì không nên ăn những đồ ăn khó tiêu như quả hồng, các loại măng. Bởi khi răng kém thì chắc năng nhai kém, việc nghiền nát thức ăn cũng không được kỹ càng. Còn với dạ dày khi bị các bệnh lý thì chắc năng co bóp, tiết dịch tiêu hóa dạ dày kém, từ đó dẫn tới nguy cơ bị bã thức ăn sẽ cao hơn.
Đặc biệt với trẻ nhỏ ăn quả hồng cũng dễ bị táo bón, tắc ruột, nếu không được cấp cứu kịp thời, để lâu có thể gây thủng ruột. Những người bình thường nếu ăn quả hồng nên thận trọng: không ăn quá nhiều, nhai kỹ và không nên ăn quả hồng lúc đói.
Từ trường hợp bệnh nhân trên, bác sĩ Quân nhấn mạnh người dân bị khối bã thức ăn đóng trong dạ dày, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe người bệnh.
“Đặc biệt, nếu bã thức ăn rơi xuống ruột sẽ gây tắc ruột, khi tắc ruột sẽ phải mổ cấp cứu, thậm chí gây vỡ ruột”, bác sĩ Quân cảnh báo.
N. Huyền