Teen hoa mắt, chóng mặt suốt ngày buồn nôn sau khi uống thuốc tránh thai chữa mụn
Nghe bạn bè mách uống thuốc tránh thai hàng ngày sẽ hết mụn, sau hai tháng sử dụng, mặt Ngân An mụn vẫn nổi loạn. Khốn khổ hơn cô bé còn bị rối loạn kinh nguyệt, rất hay buồn nôn, chóng mặt...
Không giống bạn bè cùng lứa, Ngân An (Tây Hồ, Hà Nội) đến lớp 9 mới dậy thì. Trước đó, mặt cô bé mọc đầy mụn. Ngặt nỗi nhìn đám mụn cả đầu đen lẫn mụn bọc thi nhau “nổi loạn” trên trán, hai má…cô bé ngứa mắt nên thường xuyên nặn mụn.
“Hàng loạt các cục sưng tấy đỏ trên má do bị nhiễm trùng trên mặt nhìn phát sợ. Mà bảo con đừng nặn, rửa mặt bằng sữa rửa mặt, bôi thuốc các kiểu mà vẫn không đỡ”, chị Hoa mẹ Ngân An kể lại.
Nghe bạn bè mách uống thuốc tránh thai hàng ngày sẽ hết mụn, cô bé liền áp dụng theo. Sau hai tháng sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày, tình trạng mụn của Ngân An không những không thuyên giảm mà còn rối loạn kinh nguyệt, thường xuyên buồn nôn, chóng mặt...
Ảnh minh hoạ |
Ngân An cho biết, không riêng gì cô “chữa mụn” theo cách này mà trong các nhóm kín dành cho bạn gái trẻ mới lớn, nhiều bạn gái cũng áp dụng. Thế nhưng mọi người đều đỡ còn con thì không. Cực chẳng đành, cô lại phải tìm đến bác sĩ. Cô bé hy vọng, lần này đổi bác sĩ khác tình trạng mụn trứng cá nổi loạn của cô cũng được kiểm soát.
Thực tế, nhiều người vẫn chọn uống thuốc tránh thai hằng ngày để trị mụn và xem chúng là "bí quyết", "vị cứu tinh", đặc biệt là mụn trứng cá kháng trị. Dẫu được các bác sĩ chỉ định có thể được dùng trong điều trị mụn nhưng không phải ai cũng dùng, và dùng tuỳ tiện vì có rất nhiều tác dụng phụ.
Mới đây nhất, Bệnh viện Trung ương Quân đội cũng từng phải cấp cứu cho một phụ nữ 34 tuổi thường xuyên dùng thuốc tránh thai trong 10 năm qua, mỗi tháng trung bình 12 - 15 viên. Việc lạm dụng thuốc khiến bệnh nhân bị tắc động mạch phổi.
Chia sẻ với phóng viên, Ths. BS Phan Chí Thành, chánh văn phòng Trung tâm đào tạo, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) phân tích, thuốc tránh thai là loại thuốc dùng với mục đích tránh thai và không thể dùng tùy tiện khi chưa có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt trong trường hợp dùng với mục đích trị mụn.
Theo bác sĩ, trên thực tế thuốc tránh thai vẫn được các bác sĩ kê đơn để điều trị mụn trứng cá. Nguyên nhân là do căn cứ vào sự ức chế nồng độ testosterone (là một loại nội tiết androgen) trong cơ thể, dẫn đến lượng dầu sản xuất bởi tuyến bã giảm xuống, hạn chế nguy cơ gây ra mụn.
Tuy nhiên, BS Thành nhấn mạnh không phải ai cũng sử dụng biện pháp này được. Chẳng hạn như người da nhờn, mụn nếu tự ý dùng thuốc tránh thai thì vô tình da cũng bớt mụn, bớt nhờn hơn và đẹp lên. Ngược lại, nếu người có da khô mà dùng thuốc thì không những da không đẹp mà còn có thể bị nám.
Hơn thế nữa, một trong những tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc tránh thai trị mụn là bị rối loạn kinh nguyệt.
"Do mục đích sử dụng không phải là tránh thai nên có thể uống thuốc không đúng giờ, quên uống hay uống không đúng chỉ dẫn... Trong khi đó thuốc tránh thai là thuốc nội tiết nên đã dùng thì phải đúng phác đồ như người có nhu cầu tránh thai, nếu không sẽ gây rối loạn nội tiết, từ đó rối loạn kinh nguyệt, tác động tiềm tàng đến sức khỏe", bác sĩ Thành phân tích.
Ngoài rối loạn kinh nguyệt, đau đầu, rối loạn cảm xúc, buồn nôn, rám má, nguy cơ tim mắc, tắc huyết khối… cũng là những tác dụng phụ của thuốc tránh thai có thể gặp. Đặc biệt với những bạn gái/chị em thừa cân, béo phì thì cần lưu ý khi sử dụng vì có nguy cơ tăng đông máu cao.
Các bác sĩ khuyến cáo, các trường hợp mụn trứng cá kháng trị, hoặc nghi ngờ có liên quan nội tiết tố, bạn gái cần đến bệnh viện khám để tầm soát các xét nghiệm cần thiết trước khi điều trị cụ thể.
Theo đó, để hạn chế tình trạng mụn nổi loạn tuổi dậy thì, các chuyên gia khuyến cáo teen luôn chú ý vệ sinh mặt sạch sẽ, ăn uống lành mạnh.
Ăn uống là một trong những yếu tố làm thay đổi nội tiết tố, là nguyên nhân gây mụn trứng cá, mụn nang, mụn bọc. Muốn ngăn ngừa mụn ở tuổi dậy thì hiệu quả teen nên lưu ý:
Hạn chế những thực phẩm chứa nhiều đường, dầu mỡ, đặc biệt là dầu chiên qua nhiều lần. Bời vì chúng có khả năng kích thích phản ứng viêm, tăng tiết bã nhờn khiến da nổi mụn nhiều hơn.
Giảm bớt những thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn, vì chúng thường chứa chất bảo quản, gia vị và những chất tổng hợp. Những chất này cũng làm da tiết bã nhờn nhiều hơn, kích thích da nổi mụn.
Tránh dùng nước ngọt có gas, rượu bia và cà phê, vì ngoài vấn đề kích thích da đổ dầu, thì chúng còn để lại vết thâm mụn rõ hơn.
Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây vào chế độ ăn hàng ngày giúp cung cấp lượng vitamin và khoáng chất giúp kiểm soát bã nhờn, chống viêm cho da, cải thiện sức khỏe sinh lý.
Tăng cường những thực phẩm giàu sắt, kẽm như nghêu, cua, tôm, thịt đỏ… Vì chúng giúp sản sinh máu giúp da luôn hồng hào, kẽm điều tiết bã nhờn, kháng viêm và điều trị mụn.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý không những ngăn ngừa mụn ở tuổi dậy thì hiệu quả mà còn giúp cơ thể phát triển về chiều cao, bổ sung trí lực giúp bạn tập trung học tập và tăng cường sức đề kháng.
N. Huyền
Nhật ký của con gái 10 tuổi 'có phải là yêu không' khiến mẹ chao đảo
“Mình thích bạn N.L. mỗi lần nhìn thấy bạn ấy là mình rất vui, không biết đó có phải là yêu không nhỉ?”… đó là dòng nhật ký mà cô con gái chớm tuổi dậy thì của chị Hạnh viết.