Thầy giáo vừa chữa bệnh ung thư vừa bảo vệ luận án tiến sĩ
Thầy Vũ Dương Dũng chia sẻ về câu chuyện của mình. |
Câu chuyện cảm động của thầy giáo mắc bệnh ung thư
Tại buổi họp báo Chủ nhật Đỏ tổ chức ở Hà Nội, thầy giáo Vũ Dương Dũng tới tham dự với tư cách là một bệnh nhân đã được truyền những giọt máu quý giá trong quá trình điều trị bệnh.
Nước mắt người đàn ông 57 tuổi này liên tục rơi xuống khi nghĩ về những ngày tháng điều trị hóa chất, khi mọi chỉ số đều về cận 0 mà nếu không có máu truyền tức khắc, thầy đã không khỏe lại được nữa.
Bao nhiêu năm biết về hiến máu và đã từng hiến máu nhưng chỉ đến khi nằm trên giường bệnh, nhận những giọt máu đào từ người vô danh, thầy Dũng mới cảm nhận hết được ý nghĩ tuyệt vời của hiến máu cứu người.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy Dũng tâm sự: "Tháng 9/2016 tôi phát hiện ra bệnh. Không có triệu chứng đau ốm nào, tôi vẫn đi làm, vẫn khỏe mạnh bình thường, bỗng nhiên sờ thấy hạch ở cổ, hạch lại không đau. Tôi vào Bệnh viện E kiểm tra, bác sĩ nghi ngờ ung thư hạch lympho. Giống như bao bệnh nhân ung thư khác, khi nghe bác sĩ chẩn đoán bệnh, tôi đã rất sốc, cảm giác hụt hẫng, trời đất như đổ sụp xuống chân".
Về nhà, thầy Dũng bắt đầu tìm hiểu về bệnh ung thư cũng như những nơi điều trị bệnh. Không ít người khuyên thầy nên ra nước ngoài điều trị, tìm mọi biện pháp tốt nhất.
Tuy nhiên, thầy Dũng cân nhắc, tham khảo thêm bạn bè làm bác sĩ ở Việt Nam và quyết định điều trị trong nước. Thầy chọn Viện Huyết học và Truyền máu trung ương. “Tôi nghĩ phải vào bệnh viện chuyên khoa về máu vì bệnh liên quan đến máu, là ung thư hạch bạch huyết” – thầy giáo nói.
Sau khi vào viện, thầy được các bác sĩ tư vấn rất kỹ về các phương pháp điều trị cũng như tình hình bệnh. Thầy Dũng kể: "Khi được bác sĩ tư vấn, mình mới tin tưởng tuyệt đối vào bác sĩ. Sứ mệnh của bệnh nhân lúc này là vui vẻ, lạc quan bởi tinh thần chiếm 50% cơ hội điều trị bệnh".
Vừa bảo vệ luận án, vừa truyền hóa chất
Kể từ khi biết mình bị bệnh, điều mà thầy giáo Dũng đau đáu nhất, đó là luận án tiến sĩ đã và đang thực hiện 3 năm qua, sắp đến ngày hoàn thành. Theo dự kiến chỉ còn vài tháng nữa là thầy bảo vệ luận án.
Còn thầy Dũng, vì rất tâm huyết với luận án này nên ông không cho phép mình bỏ cuộc. Thầy luôn tâm niệm, phải có sức khỏe mới làm tốt được. Hết đợt điều trị thứ nhất, sau 2 tuần bác sĩ cho về nhà nghỉ ngơi, ông lại hoàn thành chặng đường cuối của luận án.
Sang đến đợt điều trị hóa chất thứ hai, vì phác đồ mạnh hơn nên hóa chất “quật ngã” người thầy giáo giàu nghị lực.
“Lúc đó sức khỏe yếu lắm, cả tuần tôi sốt trên 38.5 độ C không hạ được, nhiễm khuẩn huyết cộng với đủ loại biến chứng do tác dụng của hóa chất, tiểu cầu giảm, các chỉ số của máu đều trở về cận 0. Lúc đó, ai cũng bảo thôi không bảo vệ luận án nữa, nhưng trong tâm trí của tôi là sự quyết tâm đến cùng.
Các bác sĩ phải truyền 10 đơn vị máu cùng với các thuốc trợ sức khác, những tháng ngày điều trị hóa chất của đợt này cũng qua nhanh, tôi được ra viện và tiếp tục làm nốt phần cuối của luận án tiến sĩ” – thầy Dũng nói.
Kế hoạch bảo vệ luận án đã được lên lịch là 22/12, cũng là ngày thầy Dũng phải vào bệnh viện tiếp tục truyền hóa chất đợt 3. Để thuận lợi cho việc điều trị, không ảnh hưởng tới kế hoạch bảo vệ luận án, thầy Dũng xin vào viện điều trị sớm và sau đó từ bệnh viện tới thẳng địa điểm bảo vệ tiến sĩ.
Buổi bảo vệ thành công, mọi người đều vỡ òa cảm xúc, chúc mừng vị tân tiến sĩ và là bệnh nhân giàu nghị lực. Ngay cả thầy hướng dẫn, có lúc đã khuyên học viên đang mang trong mình bệnh ung thư, nên hủy bảo vệ luận án, cũng mừng rỡ với thành quả của học trò.
Ung thư bạch huyết là một loại ung thư xuất phát từ các tế bào của hệ miễn dịch được gọi là các tế bào bạch huyết (tế bào lympho). Giống như các loại ung thư khác, ung thư bạch huyết xảy ra khi các tế bào bạch huyết rơi vào tình trạng phát triển và sinh sản mất kiểm soát.
Các tế bào lympho là các bạch cầu di chuyển khắp nơi trong cơ thể bên trong một loại dịch được gọi là dịch bạch huyết. Chúng được vận chuyển bởi một mạng lưới các mạch tạo thành hệ bạch huyết, là một phần của hệ miễn dịch.
Hệ bạch huyết, có nhiệm vụ chống lại nhiễm trùng hoặc bất cứ tác nhân nào đe dọa cơ thể, còn bao gồm các hạch bạch huyết nằm khắp nơi trong cơ thể để lọc dịch bạch huyết chảy qua chúng. Các hạch bạch huyết sẽ sưng nề và đau khi có một lượng lớn các vi sinh vật tập trung bên trong, và đó là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng cục bộ.