Phép màu đến với bệnh nhân ung thư xương
Bị ung thư xương, để tăng cơ hội sống, ông Toàn phải tháo bỏ toàn bộ xương chậu đối diện với việc tàn phế suốt đời. Nhưng phép màu đã xảy ra...
Lần đầu tiên tại Việt Nam, người ung thư xương vẫn có thể sống mà không bị tàn phế |
Vào ngày 11/1, sau 7 giờ đồng hồ, các bác sĩ của Trung tâm Phẫu thuật khớp và Y học thể thao, bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội đã thay thế thành công một bên cánh chậu cùng khớp háng cho 1 bệnh nhân ung thư xương.
Đây là lần đầu tiên phương pháp phẫu thuật này được thực hiện ở Việt Nam. Từ đó, mở ra thêm một cánh cửa hi vọng mới đối với bệnh nhân ung thư xương điều trị trong nước.
Bệnh nhân là ông Thân Đức Toàn 57 tuổi, ở Bắc Giang. Ông phát hiện bị ung thư xương được 7 tháng nay. Khối sưng, đau xuất hiện ở vùng hông trái và theo dõi cho thấy tăng nhanh về kích thước. Ông Toàn đã đến khám tại bệnh viện K3 và được sinh thiết, chẩn đoán bị ung thư (sarcom) xương cánh chậu trái, xâm lấn một nửa xương chậu và phần ổ cối của khớp háng.
Tại đây, ông đã được điều trị hóa chất 3 đợt và sau đó các bác sĩ khuyên ông nên phẫu thuật để lấy bỏ khối u, tăng cơ hội sống. Nhưng điều đó với phương pháp tại Việt Nam có nghĩa ông sẽ tàn phế suốt đời.
Ông Toàn nhớ lại: “Các bác sĩ có tính tới khả năng sẽ phải tháo bỏ toàn bộ xương chậu phía bên trái để ngăn chặn khối ung thư phát triển và bảo toàn tính mạng, nhưng như vậy thì tôi sẽ trở thành người tàn phế. Nhưng tôi vẫn hi vọng có một cơ may nào đó dành cho mình”
Mang theo nhiều nỗi lo lắng và cả hi vọng, ông Toàn tiếp tục tìm kiếm cơ hội cho căn bệnh của mình.
Những thực phẩm bình dân phòng chống ung thư hiệu quả
Thường xuyên ăn cà chua, cam, quýt, hay chỉ một tép tỏi, chút quế sẽ giúp bạn khỏe mạnh.
Tại trung tâm Phẫu thuật khớp và Y học thể thao, bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội ông Toàn đã được Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Trung Dũng trực tiếp thăm khám.
GS Dũng cho biết, đây là một trường hợp rất khó, bởi khối u của bệnh nhân có kích thước lớn, xâm lấn phá hủy nhiều tổ chức xung quanh, lại nằm ở vùng có cấu trúc giải phẫu phức tạp là xương chậu.
Ông Toàn có thể ngồi dậy được sau ca mổ. |
“Cánh chậu không chỉ có chức năng truyền tải trọng lực cơ thể thông qua khớp háng, mà còn tham gia bao bọc, bảo vệ rất nhiều cấu trúc nội tạng, thần kinh, mạch máu và gân cơ. Loại bỏ u tức là loại bỏ một phần khung chậu, do đó sẽ khiến chức năng nằm, ngồi, đi lại và sinh hoạt của bệnh nhân bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề”, GS Dũng nói.
Sau khi hội chẩn cùng với các chuyên khoa Ung bướu, Phẫu thuật mạch máu, Gây mê hồi sức; giáo sư Trần Trung Dũng cùng các bác sĩ của Trung tâm Phẫu thuật khớp và Y học thể thao đã quyết định sẽ vừa phẫu thuật lấy bỏ phần xương chậu có u, vừa thay thế cho bệnh nhân xương chậu và khớp háng nhân tạo mới.
Đây là một quyết định kép mang tới hi vọng sống không chỉ cho riêng ông Toàn mà nếu thành công, nó có ý nghĩa với rất nhiều bệnh nhân ung thư xương khác ở khắp Việt Nam.
Trong thời gian 2 tuần sau quyết định quan trọng, ông Toàn được điều trị hóa chất đợt thứ 4. Cũng trong thời gian đó, các chuyên gia đã ngày đêm nghiên cứu, sản xuất, tìm ra phương án thay thế phần xương chậu bị lấy bỏ của bệnh nhân.
Để thực hiện phẫu thuật này, đầu tiên các bác sĩ quét lại mô hình 3 chiều vùng khung chậu của bệnh nhân. Từ đó, lên kế hoạch cho cuộc phẫu thuật như diện cắt u làm sao cho đủ triệt căn mà vẫn bảo tồn các điểm bám gân, cơ; cũng như kế hoạch thay thế phần xương khuyết hổng.
Sau khi đã có dữ liệu số hóa 3 chiều, các bác sĩ phối hợp cùng với các kỹ sư thiết kế tạo và in ra xương chậu nhân tạo thay thế được làm bằng hợp kim titan với hình dáng, chức năng gần như tương tự xương của bệnh nhân.
Ưu điểm của phương pháp này là tạo ra phần thay thế xương chậu giống với xương chậu của bệnh nhân về mặt hình thể, đồng thời sử dụng chất liệu hợp kim titan có khả năng chịu lực, đàn hồi tốt, và phục hồi lại được nguyên vẹn điểm bám các khối cơ xung quanh xương chậu.
GS Trần Trung Dũng cho biết: “Chúng tôi tự tin thực hiện ca phẫu thuật này vì có đủ điều kiện về máy móc, nhân lực làm chủ kỹ thuật cao với hệ thống phòng mổ hybrid OR1 hiện đại hàng đầu thế giới. Ca phẫu thuật thành công không chỉ nhờ công sức của các bác sĩ trực tiếp phẫu thuật mà còn là sự góp sức của nhiều ekip khác như ekip điều trị hóa chất, phục hồi chức năng…
Với sự chuẩn bị kỹ càng, ca phẫu thuật với sự góp mặt của ekip 15 bác sĩ và các chuyên gia đã diễn ra an toàn và thuận lợi. Các bác sĩ đã lấy bỏ thành công khối u xương và ghép hoàn thiện phần xương chậu cùng khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân.
Theo Giáo sư Trần Trung Dũng, điều đáng để nói ở ca phẫu thuật này là trong toàn bộ quá trình mổ, các bác sĩ đã bảo toàn nguyên vẹn được tất cả các cấu trúc mạch máu, thần kinh cùng điểm bám gân cơ đi qua vùng khung chậu. Toàn bộ ca mổ bệnh nhân chỉ mất tổng cộng gần 900ml máu, trong khi các phẫu thuật tương tự thế này trên thế giới lượng máu mất trung bình là từ 1200-1500ml.
Với sự hỗ trợ từ các chuyên gia gây mê hồi sức, ngay sau mổ 12 tiếng ông Toàn đã có thể tự ngồi dậy và tập vận động chân tại chỗ mà không hề có sự đau đớn, khó chịu nào.
Ông Toàn xúc động nói “đây quả là một phép màu”.
Dự kiến với mức độ tập như hiện nay, chỉ trong vòng vài ngày tới ông Toàn đã có thể tập đứng và đi lại với các dụng cụ hỗ trợ. Ông Toàn rất vui mừng và mong muốn các bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư xương như ông nói riêng đừng bao giờ ngừng hi vọng.
Việc ứng dụng những công nghệ tiến bộ và triển khai những phương pháp mới đầy hiệu quả như phẫu thuật này tại Việt Nam sẽ mở ra thêm nhiều hi vọng mới đối với bệnh nhân mắc các bệnh lý ung thư xương trong nước. Thay vì phải lựa chọn các giải pháp có tính tàn phá như cắt cụt, tháo bỏ khớp háng,.. khiến bệnh nhân chịu cảnh tàn phế vĩnh viễn trước đây, hiện nay các bác sĩ ở Việt Nam đã hoàn toàn có thể đưa ra nhiều giải pháp thay thế với tính hiệu quả cao cùng giá thành hợp lý.
N. Huyền
6 giây có 1 người tử vong, đây mới là căn bệnh đáng sợ hơn ung thư
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng cho biết khi có các dấu hiệu “Méo miệng, ngọng nói hãy gọi ngay cấp cứu luôn đừng chờ” – đó là những dấu hiệu đầu tiên của đột quỵ.