Nữ bệnh nhân 21 tuổi mù mắt chỉ vì thói quen nhiều người hay làm
Bị đau nhức, kèm theo nhìn mờ 3 tháng trước nhưng nữ bệnh nhân không đi khám ngay mà ở nhà tự uống thuốc. Chỉ đến khi tình trạng không được cải thiện mới đến viện thì đã mất toàn bộ thị lực.
Ảnh minh hoạ |
Ngày 4/10/2021, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhân nữ, 21 tuổi, trú tại huyện Hà Quảng, đến viện khám trong tình trạng hai mắt đau nhức, kèm theo nhìn mờ đã 3 tháng nay.
Bệnh nhân cho biết đã ở nhà tự uống thuốc nhưng không đỡ mới vào Trung tâm Y tế Hà Quảng khám và được chuyển tuyến đến Bệnh viện tỉnh Cao Bằng.
Tại đây, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng được các bác sĩ chẩn đoán: Viêm loét giác mạc, do đến khám và điều trị muộn đã để lại di chứng mất toàn bộ thị lực.
Chia sẻ thêm về căn bệnh nguy hiểm này, TS. BS Hoàng Cương, BV Mắt Trung ương cho biết, viêm giác mạc là tình trạng mà giác mạc, có dạng vòm tròn, trong suốt, che mống mắt và đồng tử trở nên sưng phù hoặc viêm, làm cho mắt đỏ, đau và ảnh hưởng đến thị lực. Viêm giác mạc có khi đi kèm với loét giác mạc còn được gọi là viêm loét giác mạc.
Một số dạng viêm giác mạc có thể liên quan đến nhiễm trùng bao gồm viêm giác mạc do vi khuẩn, viêm giác mạc do virus, viêm giác mạc do nấm và viêm giác mạc do ký sinh trùng. Người đeo kính tiếp xúc cần nhớ rằng viêm giác mạc nhiễm trùng có thể xảy ra với họ do không chăm sóc kính tiếp xúc đúng cách. Viêm giác mạc không nhiễm trùng có khi xảy ra chỉ bởi một vết xước móng tay đơn giản hoặc từ việc đeo kính áp tròng quá lâu.
Theo TS. BS Hoàng Cương, viêm giác mạc hoặc viêm loét giác mạc thường có những dấu hiệu và triệu chứng như: đỏ mắt, đau mắt, chảy nước mắt, đau hoặc khó chịu làm cho việc mở mắt khó khăn. Mắt lúc này có cảm giác rát, có sạn hoặc ngứa trong mắt của bạn. Đôi khi người bệnh có cảm giác có dị vật trong mắt kèm theo giảm thị lực và nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng).
Các bác sĩ chuyên khoa mắt cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây ra loét giác mạc: do vi khuẩn; do nấm; do virut hoặc do ký sinh trùng. Khi giác mạc còn nguyên vẹn thì hầu hết các yếu tố gây bệnh không xâm nhập được vào giác mạc. Loét giác mạc thường xuất hiện sau một chấn thương gây tổn hại lớp tế bào biểu mô (lớp tế bào bề mặt của giác mạc).
Chấn thương giác mạc có thể từ bên ngoài: chấn thương trong sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp, đặc biệt là chấn thương trong nông nghiệp (do hạt thóc bắn vào mắt hoặc lá quệt vào mắt). Do vậy, trong các mùa gặt số lượng bệnh nhân bị loét giác mạc thường tăng lên. Tổn thương giác mạc cũng có thể do bệnh tại mắt (do lông quặm, lông xiêu cọ vào mắt) hoặc do những phương pháp điều trị phản khoa học: đánh mộng mắt bằng búp tre, đắp nhái vào mắt để điều trị...
TS. BS Hoàng Cương nhấn mạnh, dù bất cứ hình thức viêm giác mạc, viêm loét giác mạc nào điều quan trọng là bạn gặp bác sĩ mắt ngay lập tức. Chần chừ chẩn đoán và điều trị viêm giác mạc có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.
Bởi loét giác mạc là một bệnh nặng, khó điều trị và gây ra nhiều biến chứng. Khi điều trị khỏi bệnh sẽ để lại sẹo trên giác mạc gây giảm thị lực. Trường hợp bệnh nặng, điều trị không hiệu quả có thể phải bỏ nhãn cầu.
Đáng lưu ý, hiện nay, tại các hiệu thuốc có rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa corticosteroid được bán tràn lan. Nếu bệnh nhân bị loét giác mạc mà dùng những thuốc này sẽ làm bệnh trở nên trầm trọng và gây ra những biến chứng rất nguy hiểm.
Các bác sĩ bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng khuyến cáo, khi bị các chấn thương mắt dù nhẹ bệnh nhân cũng nên đến các cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị, tránh để muộn có thể gây ra biến chứng loét giác mạc.
Đặc biệt, khi bị bụi bay vào mắt, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để lấy, không nên tự ý lấy hoặc nhờ người khác lấy ra có thể gây biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân cũng không nên dụi mắt vì sẽ làm tổn thương nặng thêm.
N. Huyền