Người đàn ông 'mắt nhắm mắt mở' để vợ 'ăn nem' chỉ vì lý do này
10 năm trời, bất kể ngày đêm, anh N.V.A (40 tuổi) cứ 30 phút đến 1h lại phải chạy ra nhà vệ sinh… Tình trạng này khiến anh trầm cảm, rối loạn cương dương trầm trọng.
Ảnh minh hoạ |
Vợ ra ngoài "ăn nem" cùng đành ngó lơ
Bệnh càng ngày càng nặng hơn khiến người đàn ông này hang mang, lo lắng. Anh tự ti đến mức không muốn giao tiếp với ai ở cơ quan, còn vợ thì gần như “trốn tiệt” không còn ham muốn.
“Tôi mất ngủ thường xuyên vì đêm cũng như ngày cứ 30 phút đến1h là lại mót tiểu. Lúc mới bị tôi cũng đã điều trị bằng thuốc tự mua nhưng không đỡ, sau đó đi khám ở các phòng khám tư nhân nhưng cũng không cải thiện tình hình. Thậm chí ở một phòng khám tư đã chỉ định tôi cắt cả bao quy đầu nhưng bệnh tình ngày càng trầm trọng”, anh V.A cho hay.
Người đàn ông này ngượng ngùng cho biết, do mắc bệnh “khó nói” thành ra cuộc sống vợ chồng cũng nguội lạnh theo thời gian. Stress nhiều nên không chỉ rối loạn tiểu tiện, anh rơi luôn vào tình cảnh “trên bảo, dưới không nghe” từ lâu.
“Cô ấy có ra ngoài với ai để thoả mãn thì cũng đành làm ngơ. Thậm chí có bảo ly hôn cũng là để giải phóng cho nhau cũng đành chịu. Tôi không trách cứ gì cô ấy cả dù trong lòng buồn lắm chứ", người đàn ông này ngậm ngùi.
TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân này cho biết, sau khi thăm khám làm các xét nghiệm bệnh nhân V. A được chẩn đoán mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt/Rối loạn lo âu.
“Bệnh nhân được kết hợp khám, tư vấn, hướng dẫn đi tiểu, liệu pháp tâm lý cho nên sau 1 tuần thì tần suất đi tiểu đã giảm đáng kể. Nếu trước đây chỉ 30phút đến 1h bệnh nhân đã đi rồi thì giờ sau 2-3h mới đi một lần. Đặc biệt tình trạng tiểu đêm đã được cải thiện rõ rệt chỉ 1 lần/đêm. Đáng mừng hơn, tình trạng rối loạn cương dương cũng được cải thiện”, TS. BS Nguyễn Đình Liên thông tin.
Bàng quang tăng hoạt là tình trạng bàng quang co bóp không đúng thời điểm, thường gây ra cảm giác mắc tiểu đột ngột, cần phải đi tiểu ngay, nếu nhịn tiểu có thể bị són tiểu.
Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tình trạng tiểu gấp, có hoặc không kèm theo són tiểu gấp, thường kèm theo tiểu nhiều lần và tiểu đêm… mà không có nhiễm trùng tiểu hoặc các bệnh lý rõ ràng khác.
TS. BS Nguyễn Đình Liên cho biết, hội chứng bàng quang tăng hoạt tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho bệnh nhân, gây trở ngại trong sinh hoạt, học tập và công tác hàng ngày. Đồng thời, bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng tới tâm lý, đặc biệt là những bệnh nhân trẻ.
Đừng ngại ngần đến gặp bác sĩ chuyên khoa
Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh bàng quang tăng hoạt như: rối loạn thần kinh trong bệnh Parkinson, đột quỵ, bệnh xơ hóa tủy, tổn thương tủy sống do chấn thương, bệnh đái tháo đường, … Người có bất thường trong bàng quang như các khối u hoặc sỏi bàng quang. Hoặc người mắc bệnh u xơ tuyến tiền liệt người uống cà phê hoặc rượu quá mức… trong đó có một số trường hợp không xác định được nguyên nhân.
Mặc dù hội chứng bàng quang tăng hoạt không còn là hiếm gặp hiện nay, tuy nhiên, TS. BS Nguyễn Đình Liên e ngại là có tới hơn 50% người bệnh phải âm thầm chịu đựng trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Nguyên nhân là do tâm lý xấu hổ, e ngại không muốn đến bệnh viện để điều trị.
“Người bệnh chỉ đến khám chuyên khoa tại bệnh viện khi đã “tự chữa” khắp nơi mà không khỏi. Khi đến gặp chúng tôi người bệnh thường than phiền về tình trạng tiểu gấp, thường có cảm giác bất chợt muốn đi tiểu, không nhịn tiểu được và cần phải đi tiểu ngay, thậm chí có trường hợp chỉ cần có cảm giác buồn tiểu là đã són ngay… Hay có trường hợp như bệnh nhân V.A trên thì rơi vào tình cảnh đi tiểu nhiều lần (trên 8 lần) trong ngày”, TS. BS Liên cho biết.
Để phòng bệnh, TS Nguyễn Đình Liên khuyến cáo, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống sẽ phần nào giúp kiểm soát được các triệu chứng bệnh và hạn chế tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.
Ngoài ra, người bệnh cần điều chỉnh lối sống phù hợp. Việc thay đổi hành vi được xem là bước điều trị đầu tiên cho bàng quang tăng hoạt. Người bệnh có thể tự thực hiện, không tốn kém và rất hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp này yêu cầu bệnh nhân phải hợp tác, tập luyện kiên trì thì mới đem lại kết quả tốt nhất.
Đầu tiên người bệnh cần tập đi tiểu theo giờ, khoảng thời gian thích hợp giữa 2 lần đi tiểu là 3 - 4 giờ và không nhất thiết cứ phải đi tiểu mỗi khi có cảm giác khác lạ trong bàng quang. Theo đó, người bệnh nên tập kìm nén và kiểm soát tiểu gấp, tập luyện bàng quang, tập co thắt cơ sàn chậu (phương pháp Kegel nhằm hỗ trợ việc kìm nén đi tiểu để điều trị tình trạng tiểu gấp hay tiểu gấp không kiểm soát).
Đối với chế độ ăn uống, người bệnh cần hạn chế một số thức ăn và thức uống có tính lợi tiểu hoặc gây kích thích bàng quang như caffeine, bia rượu, thức uống có đường. Đặc biệt cần điều chỉnh lượng nước uống vào của người bệnh theo điều kiện làm việc và sinh hoạt, uống trung bình khoảng 1500ml/ngày, hạn chế uống nước sau 18 giờ hoặc trong vòng 3-4 giờ trước khi ngủ.
Hải Phong