Những sai lầm của cha mẹ biến con thành 'tiểu Sumo', giảm cân không nổi
Ở các thành phố lớn, số trẻ thừa cân béo phì cao hơn trẻ suy dinh dưỡng rất nhiều, trong khi đó, điều trị thừa cân béo phì cho trẻ là một bài toán khó.
Từ suy dinh dưỡng thành béo phì
Chị Mai Thuý Nga – trú tại Thanh Xuân, Hà Nội than thở, bé Mọt con trai chị học lớp 4 đã nặng 45kg, cao chưa được 1,3 mét. Nhìn con tròn hơn hẳn so với các bạn, không thể mặc vừa đồng phục của lớp trên, chị Nga đã đưa bé đi điều trị béo phì nhưng đều thất bại.
Chị Nga kể 3 năm đầu, bé Mọt suy dinh dưỡng, lúc nào cũng bé nhất hội. Nhìn con còi, chị Nga xót ruột nên cả nhà luôn chăm bé. Có thứ gì ngon, con gì béo cũng dành cho con. Chị Nga không tiếc tiền mua sữa bột nhập khẩu giá hàng triệu đồng về cho con. Đến năm 4 tuổi, bé bắt đầu tăng cân trong niềm vui của cả gia đình. Cứ theo đà tăng cân đó, 5 năm nay, từ cậu bé suy dinh dưỡng bé Mọt thành 'tiểu Sumo'.
Chị Nga bắt đầu đưa bé đi khám dinh dưỡng và cùng con giảm cân nhưng đều thất bại. Bé đói, mỗi lần cắt giảm khẩu phần ăn là cu cậu khóc, lục tung nhà tìm mọi đồ ăn. Đi học, các bạn ăn không hết là bé xin được ăn lại.
Nhìn con vật vã vì đói, cả nhà lại xót, cho bé ăn, cứ như vậy cậu bé ăn tăng lên rất nhiều. Chị Nga kể nếu chuẩn bị một đĩa đồ ăn cho gia đình, chỉ cần không để ý 1 chút thì cu cậu sẽ ra nhón một miếng, vào lại một miếng là hết ngay.
Trẻ thừa cân béo phì gia tăng. Ảnh minh họa |
Điều trị béo phì cho trẻ rất khó
TS Trương Hồng Sơn – Viện Y học ứng dụng Việt Nam chia sẻ tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì được ghi nhận những năm qua tăng hơn rất nhiều.
TS Sơn cho rằng nguyên nhân trẻ béo phì đó là câu chuyện cân bằng năng lượng. Thói quen trẻ được ăn nhiều xong lại ít vận động, xem ti vi nhiều là thủ phạm gây ra tình trạng này. Ngoài ra, trẻ ăn không đa dạng, đặc biệt là các bữa ăn ở trường rất tẻ nhạt nên cũng là nguyên nhân gây thừa cân béo phì ở trẻ. Cha mẹ cần chọn thực phẩm, ví dụ 1 số thực phẩm cha mẹ nghĩ là ngon nên cho ăn quá nhiều. Ngoài đồ ăn, đồ uống cũng đóng góp vào vấn đề thừa cân, béo phì.
Tỷ lệ ở các thành phố lớn tỷ lệ trẻ thừa cân nhiều hơn trẻ suy dinh dưỡng. Béo phì làm tăng nguy cơ trẻ mắc các bệnh lý về tim mạch, tiểu đường, hô hấp, tiêu hóa, cơ xương, dậy thì sớm…
Khi trẻ thừa cân béo phì thì việc từ chối cho trẻ ăn càng khó khăn hơn. Cha mẹ cần chọn các thực phẩm có tác dụng phát triển chiều cao nhưng không tạo calo quá lớn để trẻ tránh thừa cân béo phì.
Tuy nhiên, TS Sơn cho biết qua việc tư vấn, điều trị cho trẻ thừa cân béo phì thì có tới một nửa bố mẹ có con bị thừa cân béo phì mà không biết. Họ cho rằng con chưa tới mức bị thừa cân béo phì. Ai cũng muốn con béo chút, nếu ốm sụt đi là vừa. Nhưng, TS Sơn nhấn mạnh đây là quan niệm sai lầm. Vì trẻ thừa cân lớn lên sẽ béo phì.
Theo bác sĩ, việc chọn dinh dưỡng cho trẻ rất quan trọng, cần xây dựng chế độ ăn cho trẻ. Không nên mua quá nhiều đồ ăn để tủ lạnh vì khi có sẵn con sẽ ăn rất nhiều. Cha mẹ nên nói chuyện với trẻ, để trẻ tự giác ăn theo xu hướng lành mạnh. Nếu trẻ ăn không lành mạnh rất dễ dẫn tới tình trạng thừa cân béo phì.
Để con ăn đúng cách:
Đầu tiên, không bỏ bữa cho trẻ, nếu bỏ bữa sáng thì trưa trẻ sẽ ăn nhiều. Cần phân bổ các bữa ăn, thời gian, lượng ăn. Không nên ép trẻ ăn quá nhanh vì ăn nhanh, không nhai kỹ cũng là nguyên nhân dẫn tới thừa cân béo phì.
Thứ hai, cần giáo dục dinh dưỡng cho cả cha mẹ và trẻ để mọi người hiểu về kiến thức dinh dưỡng.
Thứ ba, thực phẩm cần cho sự phát triển nhưng một số thực phẩm có nguy cơ không tốt như thức ăn nhanh, nước ngọt vì vậy phụ huynh cần có kiến thức về thực phẩm, lựa chọn thực phẩm cho trẻ.
Trẻ thừa cân béo phì điều trị khó hơn người lớn. Nhưng nếu không điều trị, tình trạng thừa cân béo phì sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ trong tương lai, là nguyên nhân dẫn đến các bệnh không lây nhiễm. Nhưng điều trị cũng cần chú ý vì trẻ còn cần phát triển chiều cao. Vì vậy, bài toán điều trị cho trẻ thừa cân béo phì không hề đơn giản. TS Sơn cho biết phụ huynh có thể tham khảo, tư vấn của các bác sĩ dinh dưỡng để có chiến lược điều trị cho trẻ.
Khánh Chi