Người mắc Covid-19 giao hơn 100 đơn hàng ở chung cư, hiểm họa chợ online tự phát
“Việc các chợ online hoạt động tự phát tại các chung cư rất nguy hiểm. Một hộ bán hàng tại chung cư mắc Covid-19 mà phải phong toả cả khu chung cư thì ảnh hưởng rất lớn”-chuyên gia Trần Đắc Phu nhận định.
Liên quan đến ca mắc Covid-19 tại chung cư Rivera Park, 69 Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân), người dân trong chung cư cho biết từ tối 9/9, toà nhà đã bị cách ly tạm thời để rà soát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan.
Người dân sinh sống tại chung cư này cho biết, theo thông báo từ Ban quản lý toà nhà, trường hợp dương tính SARS-CoV-2 có tham gia buôn bán trên chợ online của toà nhà.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, đến chiều 10/9, đã có 3 người là F1 của người bán hàng online chung cư này dương tính với SARS- CoV- 2.
Qua công tác truy vết, trường hợp F0 này đã giao hơn 100 đơn hàng cho cả hai toà A, B của chung cư.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên người bán hàng online được phát hiện dương tính ở Hà Nội.
Trước đó, ngày 3/9 Hà Nội cũng ghi nhận một ca dương tính sinh năm 1990 ở An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ. Bệnh nhân bán bún ốc online, ngày 28/8 xuất hiện sốt, ho, đau họng. Ngày 1/9, khai báo với trung tâm y tế được lấy mẫu ho sốt cộng đồng và có kết quả dương tính SARS-CoV-2 vào ngày 2/9. Nhiều ca dương tính sau đó phát hiện từ ca chỉ điểm này.
Hiện nay, tại các chung cư thường có các chợ online phục vụ cư dân tại toà nhà. Đây là hình thức mà nhiều cư dân cho rằng an toàn, tiện lợi hạn chế việc ra ngoài.
Chợ online giữa người bán và người mua cùng chung cư nở rộ trong mùa dịch |
Trao đổi với phóng viên Infonet, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cảnh báo “việc buôn bán online tự phát rất nguy hiểm”.
PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng đây là lây trong chuỗi cung ứng. Vừa qua Hà Nội cũng đã phát hiện các trường hợp tương tự.
Ví dụ như trường hợp ở Hà Đông có người bán hàng online cả nhà 5 người mắc mà không tìm được nguồn lây hay trường hợp đưa bún ở Ba Đình cũng là dạng bán hàng online, hay trường hợp bán trang thiết bị y tế tại một chung cư trên phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân) … đều là những người bán hàng online hoặc liên quan tới chuỗi cung ứng.
“Có chỗ kiểm soát được, nhưng có chỗ không kiểm soát được. Nhóm người này có sự đi lại giao lưu nhiều, sự tiếp xúc với F0 là có thể xảy ra sau đó lại tiếp xúc với khách hàng sẽ làm lây lan dịch”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Theo đánh giá của ông Phu, việc bán hàng onilne hiện ở Hà Nội đang xảy ra ở nhiều nơi “thậm chí một người bán hàng ở chung cư này còn bán cho nhiều chung cư khác chứ không phải một chung cư”.
"Việc này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh", ông Phu nói và giải thích thêm, vì người bán hàng trong quá trình lấy hàng có thể tiếp xúc với những người đi từ vùng dịch về (ví dụ như lái xe đường dài). Quá trình này rất có thể gặp phải những F0 sau đó bị nhiễm bệnh. Rồi lại tiếp tục bán hàng cho nhiều người thì sẽ làm lây lan dịch bệnh - có thể lây theo hình thức tiếp xúc gần với khách hàng hoặc lây qua tiếp xúc với hàng hoá.
Do đó, theo ông Phu các chung cư hình thành chợ online cần phải được nằm trong hệ thống chuỗi cung ứng được quản lý bởi chính quyền (cho phép) đặc biệt kiểm soát được đầu vào (đơn vị cung ứng – ai được vận chuyển) chứ không phải tự phát.
“Việc các chợ onlie tự phát rất nguy hiểm. Những người khác không được phép cũng cần nghỉ bán hàng không nên vì lợi nhuận từ việc bán hàng mà ảnh hưởng đến người khác.
Một hộ bán hàng online tại chung cư mắc Covid-19 mà phải phong toả cả khu chung cư thì ảnh hưởng rất lớn”, ông Phu nhận định.
Đối với người dân, PGS. TS Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo trong lúc này những mặt hàng chưa cần thiết thì không nên mua. Người dân chấp hành chủ chương đi chợ có tổ chức, theo quy định (được quy định tại phiếu mua hàng đã được chính quyền phát tới từng hộ dân).
“Nếu người dân đặt mua hàng online nên chọn đơn vị mà người giao hàng là đội ngũ shipper được phép hoạt động. Tránh không nên mua hàng ở những cơ sở tự phát, không kiểm soát được nguồn lây”, ông Phu nhấn mạnh.
Do đó,PGS TS Nguyễn Việt Hùng đặt ra một loạt câu hỏi:
Bảo vệ toà nhà biết nhưng có hướng dẫn giám sát quy trình khi nhận giao hàng hay không? Toà nhà có quy trình giao nhận an toàn không?
Liệu có việc người bán hàng này đi giao hàng tới từng nhà (trong và ngoài khu chung cư hay không? Có cấm việc đi không? Hoặc có kiểm soát việc đó hay không?
Đánh giá tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn từ việc này, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội khuyến cáo:
Nghiêm cấm việc nhận hộ hàng hoặc giao hàng tới các hộ trong và ngoài chung cư.
Việc giao hàng, nhận hàng phải theo đúng quy định giãn cách, đảm bảo không tiếp xúc.
Theo đó, quy trình giao hàng tại khu chung cư là: (1) người giao hàng mang khẩu trang đúng cách, đặt gói hàng lên mặt bàn; (2) người giao hàng hoặc bảo vệ phun dung dịch cồn 70% lên toàn bộ mặt ngoài của gói hàng; (3) nếu thanh toán bằng tiền mặt, người nhận hàng đặt tiền lên mặt bàn và nhận hàng, đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét với người giao hàng. Nên thanh toán qua chuyển khoản.Toàn bộ quá trình giao nhận hàng phải được bảo vệ toà nhà giám sát
Đối với việc các cư dân thực hiện mua bán tại các hộ trong toà nhà, theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng là “vi phạm quy định giãn cách, các cư dân trong toà nhà không được giao tiếp với nhau trong thời gian giãn cách”.
“Việc để xảy ra như vậy cần xem xét trách nhiệm của ban quản lý toà nhà, BQL chung cư hoàn toàn có thể giám sát việc này thông qua hệ thống camera có sẵn”, PGS. TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
N. Huyền
Hà Nội: Người phải tiêm vắc xin ở bệnh viện đăng ký như thế nào?
Nhiều người sau khi đi tiêm vắc xin Covid-19 tại phường được thông báo không đủ điều kiện, phải lên bệnh viện tiêm vắc xin nhưng không được hướng dẫn tiêm ở bệnh viện nào, đăng ký như thế nào?