Mẹ nhiễm Covid-19 có cho con bú được không?
Khi số ca nhiễm Covid-19 càng cao thì tỷ lệ bà mẹ cho con bú, thai phụ nhiễm bệnh cũng sẽ tăng, câu hỏi đặt ra là bà mẹ nhiễm Covid-19 cho con bú sữa mẹ có ảnh hưởng gì không?
PGS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bv Phụ Sản Hà Nội cho biết hiện tại cơ sở 2 của Bệnh viện là nơi điều trị cho các thai phụ nhiễm Covid-19. Hiện có khoảng hơn 60 thai phụ đang được theo dõi tại đây. Số thai phụ này hầu như đều chưa tiêm vắc xin Covid-19.
Phụ nữ mang thai thường sẽ đi kèm theo một số bệnh lý phát sinh như tiểu đường thai kỳ, thiếu máu, thừa cân; chưa kể một số còn mắc thêm bệnh lý nền như tiểu đường, cao huyết áp... Khi nhiễm thêm Covid-19 khiến họ phải chịu cùng lúc rất nhiều gánh nặng, do đó rất nguy hiểm. Nhiều trường hợp sản phụ thở máy buộc phải chấm dứt thai kỳ.
PGS Ánh cho biết nếu chưa tiêm vắc xin nguy cơ trở nặng của thai phụ càng lớn. Bệnh viện đã tiến hành nhiều ca mổ cấp cứu, đỡ đẻ cho các thai phụ nhiễm Covid-19. Sau sinh, sức khoẻ của mẹ ổn định có thể cho con bú bình thường.
Bé sơ sinh được mổ cấp cứu từ người mẹ nhiễm Covid-19 tại BV Phụ sản Hà Nội. |
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Châu Tố Uyên – Bệnh viện Nhi đồng 1, bà mẹ nhiễm Covid-19 vẫn có thể cho con bú. WHO khuyến nghị rằng cần khuyến khích các bà mẹ bị nghi ngờ hoặc xác định nhiễm Covid-19 nên bắt đầu hoặc tiếp tục cho con bú.
BS Uyên cho biết mẹ và trẻ sơ sinh phải được tạo điều kiện để ở cạnh nhau suốt cả ngày lẫn đêm và thực hành tiếp xúc da kề da, gồm phương pháp kangaroo, đặc biệt là ngay sau khi sinh và trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ cho dù mẹ hoặc trẻ sơ sinh có nghi ngờ hoặc xác nhận nhiễm Covid-19. Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ về cơ bản lớn hơn các nguy cơ lây truyền có thể xảy ra.
Khi cho con bú, bà mẹ cần lưu ý:
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây trước khi bế ẵm hoặc chăm sóc bé sơ sinh. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng dung dịch sát trùng tay có nồng độ cồn tối thiểu 60%.
Đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc với em bé, kể cả khi đang cho con bú; Đeo khẩu trang bất cứ khi nào ở trong phạm vi 6 feet (khoảng 2m) so với trẻ sơ sinh.
Hắt hơi hoặc ho vào khăn giấy, sau đó vứt bỏ ngay lập tức và rửa tay lại;
Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt mà mẹ đã chạm vào.
Điều quan trọng là phải thay khẩu trang y tế ngay khi bị ẩm và vứt bỏ ngay lập tức. Không nên sử dụng lại hoặc chạm vào mặt trước.
BS Uyên dẫn chứng một nghiên cứu được tiến hành trên 46 cặp bà mẹ - trẻ sơ sinh có mẫu sữa mẹ được xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR, trong đó tất cả các bà mẹ đều nhiễm Covid-19, trong khi 13 trẻ sơ sinh xét nghiệm Covid-19 dương tính. Kết quả nghiên cứu như sau:
43 bà mẹ có mẫu sữa âm tính với vi rút Covid-19 và 3 bà mẹ có mẫu dương tính với các phần tử RNA của virus, không phải là virus sống.
Trong số 3 trẻ sơ sinh có sữa mẹ được xét nghiệm dương tính với các phần tử RNA của virus: Một trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 nhưng thực hành nuôi dưỡng trẻ sơ sinh không được báo cáo, không rõ trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh qua con đường hoặc nguồn nào, tức là qua sữa mẹ hoặc giọt bắn dịch tiết từ tiếp xúc gần gũi với người mẹ bị nhiễm bệnh.
Hai trẻ khác được xét nghiệm âm tính với Covid-19, trong đó một đứa trẻ được bú sữa mẹ, và trẻ sơ sinh còn lại được bú sữa mẹ sau khi không còn phát hiện thấy các hạt RNA của virus.
Hiện tại, dữ liệu không đủ để kết luận sự lây truyền dọc của Covid-19 qua việc cho con bú.
Ở trẻ sơ sinh, nguy cơ nhiễm Covid-19 thấp và nếu có nhiễm Covid-19 thì thường là nhẹ hoặc không có triệu chứng; trong khi hậu quả của việc không cho con bú và tách mẹ và con có thể đáng kể.
K.Chi