Học sinh không ăn bán trú có giảm lây nhiễm?
Khi học sinh bắt đầu quay trở lại trường học với phương châm “không bán trú” khiến phụ huynh sấp ngửa đưa đón con.
Ảnh minh hoạ. |
Chị Nguyễn Thị Linh – Long Biên, Hà Nội cho biết con gái chị học lớp 5, nhà cách trường 2,5 km. Cách đây vài hôm nhà trường lấy ý kiến phụ huynh về việc cho con đi học trực tiếp nhưng không học (ăn) bán trú. Chị Linh đã nêu ý kiến không đồng ý bởi vì hai vợ chồng chị vẫn đi làm. Công ty của chồng chị thì buổi trưa chỉ nghỉ từ 12h tới 13h còn công ty của chị được nghỉ từ 12 tới 13h30 nhưng cách nhà 13km.
Chị Linh không thể về đón con, lo cơm nước cho con. Nếu cháu ở nhà học online thì buổi sáng chị Linh sẽ chuẩn bị cơm cho con và dặn con tự học, mọi trao đổi với con qua camera. Hơn nữa, chị vẫn nhờ được nhà hàng xóm có thể thi thoáng ngó qua con. Nhưng đi học thì không ai đưa đón được, cũng không thể để con tự đi về.
Con đi học được 1 tuần, niềm vui chưa thấy đâu nhưng hai vợ chồng chị Đào Ngọc Minh, Ba Vì, Hà Nội đều vội vàng sấp ngửa tranh thủ giờ nghỉ trưa về đón con về nhà ăn cơm.
Sáng chị Minh phải dậy sớm để chuẩn bị sẵn cho bữa ăn trưa để khi đón con về chỉ việc hâm nóng đồ ăn. Mỗi ngày hai vợ chồng chị Minh đều chia nhau ra đi đón. Chị Minh làm công nhân đến 12h mới nghỉ trưa nên nhiều lúc đến đón con đều muộn, bé phải đứng chờ mẹ. Nhìn con đi học, bố mẹ vất vả hơn, con cũng vất vả khiến chị Minh lại muốn quay về học online.
Theo PGS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế việc trẻ đi học không ăn bán trú cũng không thể làm giảm nguy cơ mắc Covid-19 ở trẻ.
PGS Phu cho biết về lý thuyết thời gian tiếp xúc càng ít thì nguy cơ lây nhiễm càng ít hơn. Nhưng hiện nay khi nguồn lây đã có sẵn trong cộng đồng thì ở nhà hay ở trường trẻ đều có nguy cơ nhiễm Covid-19 như nhau.
PGS Phu cho rằng các địa phương có thể tiếp tục cho học sinh học bán trú và cố gắng công tác phòng dịch tốt nhất có thể. Khi cho trẻ học bán trú nên cố gắng giữ khoảng cách cho trẻ, tuyên truyền hướng dẫn trẻ thực hiện 5K tốt nhất có thể. Chúng ta cố gắng làm tốt nhất có thể chứ không thể nào ngăn ngừa không Covid-19 ở trường học như trước.
Việc đi học trở lại không học bán trú gây bất tiện cho phụ huynh thì các địa phương cũng nên xem xét lại tổ chức bán trú một cách khoa học nhất – PGS Phu nói.
PGS Phu cũng nhận được nhiều ý kiến cho rằng tại sao Hà Nội đang gần 4.000 ca nhiễm/ngày mà lại cho trẻ đi học lúc này, nguy cơ lây nhiễm ở trường hay ở nhà hiện tại đều như nhau.
PGS Phu cho biết trẻ nhiễm Covid-19 đa phần đều rất nhẹ, một số trẻ có thể bị ho, sốt như viêm hô hấp thông thường. Các di chứng viêm đa hệ thống như MIS-C ở trẻ hiếm gặp và đều có triệu chứng nếu theo dõi tốt đều giảm nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ.
So với hậu quả lâu dài ở nhà không đến trường như trẻ trầm cảm, nghiện game, không phát triển về ngôn ngữ giao tiếp thì đến lúc này đi học là cần thiết – PGS Phu nói.
Cùng quan điểm, BS Trương Hữu Khanh – chuyên gia truyền nhiễm Nhi, BV Nhi đồng 1 cũng cho rằng việc học bán trú hay không bán trú không làm giảm nguy cơ trở thành F0 cho học sinh. BS Khanh cho rằng các trường nên tổ chức học bán trú để việc đến trường không gây bức xúc, bất tiện cho phụ huynh.
Khi trẻ đi học, nên tuyên truyền hướng dẫn con thật kỹ việc thực hiện 5K, phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có từ trước.
Các lớp nên tổ chức chia thành nhóm nhỏ cho các em ngồi gần chơi cùng nhau, ăn cùng nhau. Hướng dẫn các học sinh chơi trong nhóm nhỏ để thu gọn nguồn lây. Một nhóm ngồi gần cùng nhau sẽ ăn cùng nhau, ngủ cùng nhau là cách hạn chế nguồn lây phát tán – BS Khanh cho biết.
Ngoài ra, trẻ đi học gia đình cũng cần trang bị cho con về cách phòng dịch, liên hệ thường xuyên với nhà trường, trong nhóm bạn con chơi để có thông tin dịch bệnh sớm nhất.
Khánh Chi