Đột quỵ trong mùa nóng và những điều tuyệt đối tránh
Đột quỵ thường được nhắc đến là căn bệnh nguy hiểm hay gặp ở mùa đông nhưng nó cũng có thể gây nguy hiểm tính mạng người bệnh ngay trong những ngày nắng như đổ lửa hiện nay.
Đột quỵ trong mùa nóng và những điều tuyệt đối tránh (ảnh minh hoạ) |
Người đàn ông 43 tuổi bất tỉnh, liệt nửa người trong nhà tắm do thói quen nhiều người mắc trong mùa hè
Vốn khoẻ mạnh, nhưng 0h ngày 27/5, người đàn ông 43 tuổi đi tắm, trong lúc tắm xuất hiện đau đầu, liệt nửa người và bất tỉnh. Ông được đưa đến viện nhưng tình trạng quá nặng, gia đình đã xin về.
Những ngày này nắng nóng bao trùm trên toàn bộ khu vực Bắc Bộ, trong đó khu vực Hà Nội nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ lên tới trên 40 độ C. Điều hoà trở thành vật dụng không thể thiếu trong mỗi hộ gia đình, tại các toà nhà, văn phòng. Nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới 40 - 50 độ C, trong khi nhiệt độ trong nhà thấp hơn vì có sử dụng điều hòa để làm mát, gây nên sự chênh lệch nhiệt độ cao giữa trong nhà và ngoài trời.
Các bác sĩ cảnh báo, tình trạng chênh lệch nhiệt độ quá lớn có thể khiến cơ thể khó thích nghi dẫn đến tình trạng sốc nhiệt. Lúc này người bị sốc nhiệt đối diện với nguy cơ mắc bệnh hô hấp, tim mạch đặc biệt là đột quỵ rất cao.
Sốc nhiệt là tình trạng nhiệt độ cơ thể thay đổi quá nhanh, từ nóng sang lạnh và từ lạnh sang nóng khiến thân nhiệt bên trong chưa kịp thích nghi. Gây ra tình trạng da nóng, khô nhanh, đỏ mặt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, hoa mắt, tức ngực, …nghiêm trọng hơn là dẫn đến tử vong.
Hiện tượng sốc nhiệt dễ xảy ra khi bạn từ bên ngoài trời nắng nóng đột ngột vào phòng lạnh hoặc từ trong nhà bước ra ngoài, tắm xong đã vội vàng bước vào phòng lạnh,… hoặc việc bạn bước lên xuống xe ô tô khi nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến 39 độ C.
Người bị nhẹ thì choáng váng, đâu đầu, buồn nôn, cảm lạnh, nghẹt mũi, viêm họng; nặng hơn thì xuất hiện ảo giác, sốt cao, tim đập nhanh, huyết áp hạ, …. Nghiêm trọng nhất là người bị sốc nhiệt có thể bị ngột thở, đột quỵ gây nguy hiểm đến tính mạng.
BS. Trần Huyền Trang, BV ĐH Y Hà Nội cho biết, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, sự giảm nhiệt độ môi trường làm tăng nguy cơ đột quỵ. Cơ chế gây ra hiện tượng này còn chưa rõ ràng, tuy nhiên, một số giả thiết cho rằng sự thay đổi nhiệt độ đột ngột làm tăng nguy cơ gây ra rung nhĩ, là tình trạng khi quả tim đập loạn nhịp và rung lên với tần số cao, khiến dòng máu quẩn trong tâm nhĩ và hình thành huyết khối. Huyết khối di chuyển trong lòng mạch, khi di chuyển lên mạch não sẽ làm tắc mạch và gây nên tình trạng đột quỵ.
Một nghiên cứu trên 1700 bệnh nhân chỉ ra rằng, mỗi thay đổi nhiệt độ giảm đột ngột 2,9 độ C làm tăng 11% nguy cơ đột quỵ. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nguy cơ đột quỵ có thể tăng lên đến 30%. Các yếu tố nguy cơ khác đi kèm bao gồm thay đổi đột ngột về độ ẩm và áp suất khí quyển.
Theo BS Trang, các nhóm đối tượng có nguy cơ bị đột quỵ do nhiệt độ thay đổi bao gồm: người cao tuổi, có bệnh lý tim mạch kèm theo như tăng huyết áp, rung nhĩ, suy tim… Đột quỵ não nếu không được xử trí, cấp cứu kịp thời có thể gây nên các biến chứng nghiêm trọng, làm giảm chất lượng cuộc sống. Hậu quả nặng nề nhất là tử vong.
Theo đó, các chuyên gia đưa ra một số biện pháp đơn giản nhất để tránh hiện tượng sốc nhiệt do tình trạng chênh lệch nhiệt độ đột ngột.
Đầu tiên, theo BS. Trần Huyền Trang là chúng ta không trực tiếp từ ngoài trời nắng 40 độ C lao thẳng vào phòng có điều hoà, mà phải đi vào phòng đệm trước đó.
Đặc biệt không để nhiệt độ phòng quá chênh lệch với bên ngoài, khi nhiệt độ quá thấp độ quá thấp so với bên ngoài bạn sẽ dễ bị sốc nhiết, cảm lạnh. Bạn nên để nhiệt trong phòng chênh lệch với bên ngoài là khoảng 7 độ C. Ví dụ, nhiệt độ ngoài trời là 34 độ C thì bạn nên để nhiệt độ máy lạnh là 27 độ C.
Trong trường hợp bạn đang trong phòng lạnh muốn ra ngoài thì phải tắt máy lạnh trước 30 phút, mở của để cơ thể thích nghi với nhiệt độ bên ngoài. Còn khi bạn từ bên ngoài trời nắng nóng vào thì bạn nên ngồi chờ mồ hôi khô, rồi vào đứng ở giữa cửa bắt máy lạnh ở nhiệt độ cao rồi hạ dần xuống nhiệt độ thấp.
“Ngoài ra các biện pháp như: che chắn cơ thể khi đi ra ngoài đường để tránh bị tăng thân nhiệt, không tắm nước lạnh ngay khi vừa đi ngoài trời nắng vào…”, BS Trang chia sẻ.
Không chỉ xảy ra vào mùa đông, tình trạng đột quỵ có thể xảy ra trong mùa hè, trong mọi hoàn cảnh, do vậy các chuyên gia cảnh báo ngoài việc phòng ngừa thay đổi đột ngột về nhiệt độ khi thời tiết nắng nóng, người dân cần duy trì một lối sống lành mạnh, cân nặng lý tưởng, không ăn mặn, hạn chế chất béo, uống đủ nước, tăng cường ăn rau củ quả và dành thời gian tập thể dục đều đặn mỗi ngày khoảng 30 - 45 phút.
N. Huyền
Hà Nội nắng cực đỉnh, bác sĩ cấp cứu BV Bạch Mai chỉ cách chống sốc nhiệt
Khi nhiệt độ tăng lên trên 40 độ C kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến não, tim, phổi, thận, đặc biệt khi nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn nghiêm trọng, dẫn đến hôn mê, co giật...