Đo SpO2 bạn nhất định phải lưu ý những điều này
Bạn phải đặt đầu ngón tay chạm vào điểm tận cùng của máy, không được sơn móng tay, sử dụng móng tay giả, móng tay không quá dài hoặc mỹ phẩm trên ngón tay được đo.
Chị Nguyễn Thanh Nga hỏi: Tôi mới mua máy đo Spo2 nhưng chưa biết sử dụng. Xin bác sĩ hướng dẫn cách đo. Có cần tắt máy không hay để nó tự tắt?
Sơn móng tay, móng tay quá dài có đo được chỉ số Sp02? |
Trả lời câu hỏi này, BS Lê Đăng Tuấn, Học viện Quân y, từng có thời gian hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch cho biết, theo hình ảnh chị mô tả cách đo thì như vậy là đã đúng. Khi sử dụng xong ấn nút nguồn là tắt.
Việc sử dụng thiết bị đo SpO2 khá đơn giản nhưng cũng cần lưu ý vì có thể xảy ra sai số trong quá trình thực hiện.
Máy đo SpO2 là thiết bị đo độ bão hòa ôxy trong máu, kết hợp đo nhịp tim thông qua đầu ngón tay. Thiết bị nhỏ gọn này hỗ trợ theo dõi và kiểm tra các chỉ số sức khỏe, giúp bệnh nhân Covid-19 nhanh chóng phát hiện tình trạng thiếu ôxy trong máu ngay cả khi cơ thể đang bình thường.
Theo hướng dẫn sử dụng máy đo SPO2 của Sở Y tế Hà Nội gồm những bước cụ thể sau:
Kiểm tra xem máy còn pin hay không, nếu hết pin thì cần thay pin mới hoặc sạc pin (tuỳ loại máy).
Mở kẹp, đặt ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu ngón tay chạm vào điểm tận cùng của máy. Lưu ý không được sơn móng tay, sử dụng móng tay giả hoặc mỹ phẩm trên ngón tay được đo. Đảm bảo móng tay không quá dài để đầu ngón tay có thể che kín bộ phận cảm biến trong khe kẹp.
Nhấn nút nguồn để khởi động máy. Không cử động tay trong khi đo. Kết quả đo sẽ hiển thị trên màn hình sau vài giây.
Khi kết thúc đo, rút ngón tay ra, sau vài giây máy sẽ tự tắt.
SpO2 sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí ghi chữ SpO2. Đơn vị đo tỷ lệ phần trăm (%). Phạm vi đo: 0-100%. Giá trị bình thường 96-100%.
Nhịp mạch sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí hình trái tim hoặc vị trí ghi chữ PR. Đơn vị đo: lần/phút. Phạm vi đo: 0- 254 lần/phút. Giá trị bình thường: 60-100 lần/phút (đối với người lớn, lúc nghỉ ngơi).
Yếu tố ảnh hưởng tới độ chính xác của máy đo SpO2:
Người bệnh bị lạnh, huyết áp thấp
Người bệnh cử động nhiều.
Đo ở môi trường có ánh sáng chiếu trực tiếp
Cũng trong hướng dẫn của Sở Y tế, những dấu hiệu cảnh báo bất thường ở F0 cần báo nhân viên y tế gồm: SpO2 < 96% (nếu đo được); Sốt cao trên 38, 5 độ C; Tức ngực; Đau rát họng, ho; Cảm giác khó thở; Tiêu chảy. Với trẻ em thì biểu hiện gồm: mệt, không chịu chơi; ăn/bú kém.
Ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tăng liên tục: Không chủ quan khi đã tiêm vắc xin và âm tính
Số ca mắc ở Hà Nội liên tục tăng, tiệm cận gần 1.900 ca/ngày, chuyên gia cảnh báo phải đề phòng trường hợp người bên cạnh, thậm chí bản thân mình đang là F0.
N. Huyền