Dịch vụ y tế và 'tận thu' trong ngành y cần xoá bỏ ngay
Việc Bệnh viện Bạch Mai tuyên bố xoá giường dịch vụ nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia y tế, các giám đốc, người công tác trong ngành y cũng như dư luận.
Dịch vụ tận thu trong ngành y tế cần phải xóa bỏ ngay. (Ảnh minh họa) |
Nhiều người ủng hộ việc bệnh viện công cần xây dựng và vận hành theo đúng chức năng của nó đó là “nhà thương”.
TS Trương Việt Bình – nguyên Giám đốc Học viện Y học cổ truyền Việt Nam cho biết, hiện nay các bệnh viện công lập đang hoạt động công không ra công, tư không ra tư. Chỉ vì việc hoạt động công không ra công này nên hiện có nhiều bệnh nhân khổ thậm chí rất khổ.
TS Bình chia sẻ câu chuyện về một bệnh nhân bị u não. Bệnh viện tỉnh chuyển bệnh viện tuyến trung ương (TW) theo yêu cầu gia đình bệnh nhân.
Bệnh viện trung ương biết không chữa được, chuyển sang bệnh viện B, bệnh viện B giữ nằm dịch vụ 2 tuần để xét nghiệm, chụp chiếu xong không chữa gì, rồi giới thiệu sang Bệnh viện Đ mổ dịch vụ, mổ tách vỏ sọ giảm áp lực sọ não, không can thiệp khối u, mảnh sọ cho tủ lạnh nhưng nói gia đình là phải nuôi, rồi bội nhiễm sốt cao, chữa 2 tuần. Bệnh viện Đ lại chuyển sang bệnh viện B xạ trị tới khi chết. Chụp CT, chụp MRI tại tỉnh, rồi bệnh viện B lại chụp, 2 tuần sau bệnh viện Đ yêu cầu chụp tiếp mặc dù gia đình thắc mắc là mới chụp.
Tổng chi phí hơn 600 triệu đồng chỉ đi lòng vòng. Họ hàng đã phải thế chấp ngân hàng nhà cửa của 4 anh em ruột lấy tiền chữa và bệnh nhân cuối cùng vẫn tử vong. Khi đó, 4 hộ gia đình với gần 20 người từ bình thường thành hộ nghèo khốn khổ mấy năm liền.
Theo TS Bình, trong nghề y, còn nước còn tát. Nhưng tát gì thì tát, để làm giảm đau đớn người bệnh không thiếu gì cách mà lại chỉ định những dịch vụ mổ, dịch vụ chụp đi chụp lại một cách vô nghĩa, vô tích sự chỉ vì làm dịch vụ. Nghề y “mạt” không còn gì bằng nếu cứ tranh thủ “tận thu”.
TS Bình cho rằng tốt nhất bệnh viện công nên là “nhà thương” như thời trước. Bảo hiểm y tế và nhà nước trợ cấp bằng phúc lợi xã hội. Lương cán bộ y tế cho gấp 2 lần nghề khác là tốt rồi. Nếu bệnh viện đều là dịch vụ thì lương có thể cao hơn nghề khác ít nhất 10 lần vì có ai mặc cả sự sống chết bao giờ, bệnh viện thu bao nhiêu bệnh nhân đóng đủ. Còn bệnh viện tư muốn làm gì thì làm theo ý muốn của bệnh nhân.
TS Bình cho biết một bệnh viện công mà có tới 60% là dịch vụ theo yêu cầu thì thực sự đáng bàn bởi vì cơ sở vật chất của nhà nước. Nhân lực ăn lương nhà nước. Làm chỉ 40% thời gian cho bệnh nhân BHYT hoặc bình thường. Còn dịch vụ thì thường được ưu tiên hơn, quan tâm hơn.
Theo TS Bình, cần bỏ giường dịch vụ để tạo được sự công bằng trong thu nhập cán bộ trong các khoa, phòng khác nhau. Tạo được công bằng trong điều trị bệnh nhân.
Còn theo GS Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, không phải ai cũng mong muốn mở nhiều giường dịch vụ bởi để quản lý cũng “rất đau đầu”.
GS Hải cho biết, bản thân ông cũng không thích giường dịch vụ và để giải quyết điều này thì phải giải quyết vấn đề bệnh nhân nằm ghép. GS Hải cho rằng để xoá bỏ giường dịch vụ cũng phải từ từ từng bước một vì nếu “xoá bỏ” ngay có thể cũng gây “sốc” cho các bệnh viện và vấn đề cần giải quyết chính là chuyện nằm ghép hiện nay ở các cơ sở y tế tuyến trên.
Phương Thúy
'Xoá sổ' giường dịch vụ BV Bạch Mai: Còn bệnh viện nào dám mạnh tay nữa?
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết đơn vị này sẽ có bước phát triển mới và sắp tới sẽ dần tiến tới xoá sổ giường bệnh dịch vụ.