Chuyên gia lưu ý Hải Dương sau khi kết thúc cách ly xã hội
"Hải Dương cần đẩy mạnh việc xét nghiệm các điểm có nguy cơ để tiếp tục phát hiện được các ổ dịch mới có thể còn lẩn khuất", PGS. TS Trần Đắc Phu nói.
Hải Dương cần đẩy mạnh việc xét nghiệm các điểm có nguy cơ để tiếp tục phát hiện được các ổ dịch mới có thể còn "lẩn khuất"... |
Sáng 1/3, tại cuộc họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đã thống nhất từ 0h ngày 3/3, Hải Dương kết thúc 15 ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng.
Tỉnh cũng gỡ phong tỏa đối với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng, đồng thời địa phương chuyển sang một trạng thái mới là vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.
Từ ngày 3/3, 4 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Kim Thành, Cẩm Giàng, TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn cơ bản thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng.
Các địa phương còn lại gồm: Bình Giang, Gia Lộc, Nam Sách, Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Tứ Kỳ và TP Chí Linh cơ bản thực hiện theo Chỉ thị 19.
Trao đổi với báo chí về tình hình dịch của Hải Dương trước thời khắc hết cách ly xã hội, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế, cho rằng tình hình dịch tại Hải Dương đã đỡ căng thẳng nhưng sẽ vẫn xuất hiện rải rác các ca bệnh.
Trên thực tế, số ca mắc mới tại Hải Dương có xu hướng giảm. Nhưng có những trường hợp cách ly tập trung từ đầu tháng 2 nhưng đến cuối tháng xét nghiệm vẫn dương tính. Thậm chí có trường hợp sau 14 ngày cách ly tập trung, 2 lần xét nghiệm âm tính sau đó về cách ly tại nhà, chăm bệnh nhân Covid-19 lại bị lây bệnh. Trong khu vực phong tỏa, ngoài cộng đồng vẫn thỉnh thoảng phát hiện ca dương tính.
Do đó, ông Phu khuyến cáo Hải Dương cần đánh giá nguy cơ từng địa bàn theo huyện, thành phố, thị xã và có thể tới tận xã để có quyết định giãn cách xã hội như thế nào cho hợp lý.
"Chỗ nào có nguy cơ thì tiếp tục giãn cách, chỗ nào không có nguy cơ thì phải bỏ giãn cách để vừa đảm bảo mục tiêu phòng chống dịch nhưng cũng để người dân làm kinh tế hoặc một số địa bàn có thể thay đổi hình thức giãn cách, không nhất thiết phải thực hiện đầy đủ theo như trước đây.
Ví dụ vẫn không cho phép người dân thực hiện những hoạt động gì, nới lỏng cho thực hiện hoạt động gì để vừa chống dịch được vừa thực hiện làm kinh tế được.
Và đặc biệt rất quan trọng là quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế", PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phu, tỉnh Hải Dương cũng cần đẩy mạnh việc xét nghiệm các điểm có nguy cơ để tiếp tục phát hiện được các ổ dịch mới có thể còn "lẩn khuất", mà phát hiện được các trường hợp đầu tiên càng tốt trong cộng đồng để cách ly, khoanh vùng, dập dịch ngay để tránh lây lan.
Ngoài ra, địa phương này cũng cần kiểm tra tất cả nhà máy, công ty kể cả ngoài khu công nghiệp; yêu cầu có cam kết thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh quốc gia; đánh giá độ an toàn, nếu vi phạm xử lý theo quy định.
Bởi vì, ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở địa phương này là một doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Trong khi đó, các chuyên gia dịch tễ cũng nhận định, dịch Covid-19 tại Hải Dương có 4 đặc điểm vô cùng khác biệt.
Thứ nhất, đây là chủng virus mới, tốc độ lây lan nhanh.
Thứ hai, virus đánh vào môi trường doanh nghiệp với hơn 2.000 công nhân khiến công việc dập dịch càng khó khăn hơn.
Thứ ba, đây là ổ dịch đã nằm lâu nhưng bây giờ mới được phát hiện.
Thứ tư, dịch bùng phát vào thời điểm Tết Nguyên đán nên việc kiểm soát gặp nhiều vấn đề hơn.
Đặc biệt có đến hơn 80% các trường hợp mắc bệnh nhưng không có triệu chứng lâm sàng, chỉ được phát hiện qua xét nghiệm. Trong khi ở các vụ dịch trước chỉ khoảng 35-40%.
Do đó, Bộ Y tế nhận định dịch ở Hải Dương phức tạp, nghiêm trọng hơn hẳn các đợt dịch trước.
Tuy nhiên, với những quyết tâm của Chính phủ, các Bộ ngành đặc biệt là Bộ Y tế và tỉnh Hải Dương, cho đến nay, dịch đã cơ bản được kiểm soát.
N. Huyền