Chóng mặt, mệt mỏi vì uống nhiều thuốc bổ, vitamin phòng Covid-19
Uống quá nhiều thực phẩm chức năng dẫn tới táo bón, chóng mặt, mệt mỏi trong khi đó các vitamin hoàn toàn không phải để chữa Covid-19.
Trong đại dịch Covid-19 từ khoá “tăng cường miễn dịch” được nhiều người tìm kiếm rất nhiều. Nhiều người tin rằng mua thực phẩm chức năng uống, uống thật nhiều vitamin để tăng cường miễn dịch sẽ giúp họ phòng bệnh Covid-19 cũng như không may nhiễm bệnh sẽ khỏi bệnh.
Từ ngày tháng 8, khi dịch Covid-19 ở Hà Nội bắt đầu “nóng” lên chị Hà (Hạ Đình, Hà Nội) đã vội vàng chi tới 20 triệu đồng để mua đủ các loại thuốc bổ cho gia đình tăng cường miễn dịch cho gia đình. Gần đây, hai con của chị Hà thường xuyên mệt mỏi, ăn uống kém, táo bón. Bản thân chị Hà thấy hay chóng mặt, đau nhức xương khớp, khô miệng.
Cả nhà chị Hà đến bệnh viện kiểm tra tá hoả mọi người đều có dấu hiệu tăng canxi huyết và thủ phạm là do thừa vitamin D. Chị Hà giật mình trong thời gian qua cả nhà chị ngày nào mỗi thành viên cũng uống 1 viên vitamin D, vitamin C liều cao để phòng Covid-19.
BS Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng, cho biết trong thời gian qua có nhiều bà mẹ khi gửi hình ảnh các loại thuốc đang dùng cho con để xin bác sĩ tư vấn, có tới 3-4 loại có vitamin C, hoặc 3-4 loại đều có kẽm.
BS Hoàng cho rằng mỗi ngày chỉ cần một viên vitamin tổng hợp là đủ. Quan trọng nhất là ăn uống đủ chất, không bị mất nước, điện giải và có giấc ngủ tốt.
Các thuốc tăng cường miễn dịch về cơ bản đều tốt, nhưng cũng không nên dùng quá nhiều một lúc. Tăng cường miễn dịch là câu chuyện dài hạn, người dùng có thể chọn thuốc hay thực phẩm chức năng phù hợp, dùng với liều vừa phải và nên dùng lâu dài thì mới có hiệu quả.
Ngay cả việc sử dụng vitamin C, vitamin D để chữa Covid-19 cũng chỉ là thông tin ít ỏi. Nếu sử dụng các vitamin điều trị được Covid-19 thì đã không phải đau đầu tìm các bài thuốc chữa bệnh, các loại thuốc kháng virus.
Ảnh minh hoạ. |
BS. CKI. Lâm Nguyễn Thùy An – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng cho rằng không nhất thiết phải sử dụng các loại thực phẩm chức năng đắt tiền, các vitamin liều cao. Để có hệ miễn dịch tốt, bạn chỉ cần thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và xây dựng lối sống lành mạnh còn cần có chế độ duy trì tập luyện thích hợp hàng ngày vừa giúp cơ thể khỏe mạnh, phòng chống bệnh tật và đẩy lùi dịch bệnh.
Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc điều hòa hệ miễn dịch của cơ thể. Dinh dưỡng cung cấp các nguyên liệu cho cơ thể con người, tạo ra hệ miễn dịch, do đó chúng ta cần thường xuyên thực hiện chế độ ăn uống khoa học, hợp lý và lối sống lành mạnh, trong đó có tập luyện thể lực đều đặn. Không có loại thực phẩm nào có thể ngay lập tức nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.
Ăn đủ số lượng thực phẩm theo khuyến nghị Tháp dinh dưỡng hợp lý cho các lứa tuổi cho người Việt Nam. Không nên sử dụng quá mức bất cứ một loại thực phẩm nào, vì có thể gây hại cho cơ thể.
Hằng ngày, chúng ta cần ăn uống đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể, sử dụng các thực phẩm bắt buộc bổ sung vi chất: Muối bổ sung iốt; Bột mì bổ sung sắt và kẽm; Dầu ăn bổ sung vitamin A.
Đối với người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính - đối tượng nguy cơ cao nhất trong mùa dịch, cần được cung cấp đủ thực phẩm: Chế độ ăn đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng, tránh sụt cân, suy dinh dưỡng và tuân thủ chế độ dinh dưỡng đã được chỉ định phù hợp tình trạng bệnh lý.
Ngoài thực hiện dinh dưỡng đúng và đủ. Việc uống nước đủ cũng góp phần nâng cao sức khoẻ, tăng cường miễn dịch. Khi ăn uống, gia đình bạn phải thực hiện các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống nước đun sôi. Tập thể dục đều đặn, ngay cả khi ở trong nhà.
Duy trì nếp sinh hoạt lành mạnh: ngủ đủ giấc, không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc lá, giữ tinh thần lạc quan. Trong gia đình, người làm nội trợ cần linh hoạt, khéo léo tổ chức bữa ăn gia đình để bảo đảm đủ chất dinh dưỡng, ngon miệng, vệ sinh, kết hợp với luyện tập thể lực hàng ngày tại nhà để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng để chung sống với đại dịch an toàn.
Khánh Chi