Cần làm gì để không trở thành F0 khi đi máy bay?
Hiện nay các tỉnh đã có phương án đón người dân của mình từ các tỉnh phía nam về. Ngoài ra, khi hàng không nội địa mở cửa sẽ có nhiều người có nhu cầu đi lại bằng phương tiện này.
Theo PGS Nguyễn Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, tình hình dịch Covid-19 trong nước vẫn diễn biến khó lường. Nguy cơ dịch bệnh gia tăng và tái bùng phát có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là thời gian qua đã có số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội.
PGS Dũng cho biết, người về quê đợt này chủ yếu là từ các vùng có tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng cao, trong số họ có thể có những F0. Thậm chí, những người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin phòng Covid-19 vẫn có thể bị nhiễm bệnh và lây cho người khác.
Với những người thuộc vùng đỏ phải cách ly tại nhà, chính quyền địa phương cần cho người dân ký cam kết đảm bảo tuân thủ cách ly. PGS Dũng cho rằng người dân đã có thời gian quá dài sống trong dịch bệnh nếu không tuân thủ phòng bệnh cá nhân thì nguy cơ các ổ dịch như đốm lửa không bao giờ dập tắt được. Các tỉnh khác tỷ lệ tiêm vắc xin cũng chưa cao nên mọi hoạt động cần phải cân đo, đong đếm cho phù hợp – PGS Dũng khuyến cáo.
Cũng theo PGS Dũng nếu việc đi lại từ các vùng dịch đã “ngấm sâu” trong cộng đồng như ở TP.HCM và Bình Dương thì nguy cơ F0 đi máy bay sẽ rất lớn. Vì vậy khi hành khách đi máy bay cần lưu ý các biện pháp phòng chống Covid-19.
Ảnh minh hoạ. |
Theo BS Trương Hữu Khanh – Bệnh Viện Nhi đồng 1, trong khoang máy bay là môi trường kín, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất lớn. Không gian trên máy bay kín, các ghế sát nhau, môi trường kín lạnh, xác xuất phát tán virus ra môi trường cao. Nếu đường bay ngắn thì phòng bệnh tốt sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm hơn.
Khi đi ra sân bay cần mang theo khẩu trang, nước rửa tay. Tốt nhất trước khi lên máy bay nên uống đủ nước để lên máy bay không phải tháo khẩu trang, không ăn trên máy bay. Còn khi đi lại vào nhà vệ sinh cố gắng vẫn giữ khẩu trang.
Xuống máy bay, bạn cố gắng đi nhanh, không nên tranh thủ đứng nói chuyện vì như thế sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Lúc đi máy bay dù bạn đã tiêm phòng đủ thì vẫn có nguy cơ nhiễm Covid-19 hoặc bạn là F0 vẫn có thể lây cho người khác dù tải lượng virus ít hơn.
Nguy cơ lây cao nhất đó là lúc ăn uống trên máy bay vì bạn phải bỏ khẩu trang. Vì vậy, bác sĩ Khanh lưu ý cố gắng hết sức cẩn trọng, hạn chế ăn uống, nói chuyện trên máy bay.
Khi các hoạt động kinh tế xã hội trở về điều kiện bình thường mới thì giống với giai đoạn chưa có làn sóng thứ 4 mọi người cần tuân thủ phòng chống dịch, tổ chức khoang máy bay đúng quy tắc phòng chống dịch sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm.
Với trẻ em chưa được tiêm vắc xin sẽ không được đi lại bằng máy bay nhưng nếu cha mẹ cần cho trẻ di chuyển về quê hay các hình thức khác thì cũng hết sức lưu ý.
Bởi vì, trẻ em cũng lây từ người lớn và ngược lại trẻ em có thể mang nguồn bệnh lây cho người lớn. Khi trẻ chưa được tiêm vắc xin thì việc phòng bệnh cho trẻ em tốt nhất là khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra ngoài.
Đối với hành khách đi lại bằng các phương tiện vận tải công cộng khác cũng tuân thủ quy tắc phòng chống dịch của nhà xe cũng như bản thân mọi người cần nâng cao ý thức cảnh giác. BS Khanh cho biết nếu ai cũng giữ thói quen cũ như trước - nói chuyện, tụ tập ăn uống, khẩu trang không đúng cách thì nguy cơ trở thành F0 rất lớn.
K.Chi