Bị Covid-19, đo oxy máu bao nhiêu lần/ngày, âm tính có cần đo không?
Đo oxy máu là một biện pháp theo dõi sức khoẻ quan trọng của F0 bởi nó phản ánh tình trạng sức khoẻ của chính bạn vì vậy mỗi người cần trang bị máy đo SpO2 tại nhà.
Anh Nguyễn Văn K. Ba Đình, Hà Nội chia sẻ cả gia đình anh là F0, mặc dù mọi người đã tiêm 2 mũi vắc xin nhưng vẫn bị triệu chứng ho, sốt nhẹ và đặc biệt mất hết vị giác, khứu giác. Cả nhà anh cách ly tại nhà. Riêng mẹ anh K. 67 tuổi, tiền sử tăng huyết áp nên được theo dõi rất kỹ, mỗi ngày cứ cách 3 tiếng đồng hồ lại đo huyết áp 1 lần.
Anh K. kể ngày 12/1, mẹ anh khiến cả gia đình hốt hoảng vì đột nhiên đo nồng độ oxy máu chỉ còn 88%. Trong khi đó, bà không mệt mỏi, không còn triệu chứng, đã âm tính 1 lần. Mẹ và vợ anh hốt hoảng đòi gọi xe cứu thương. Anh K. bình tĩnh bắt đầu đo lại vẫn 88%. Anh đo của hai vợ chồng anh cũng chỉ được chừng đó. Anh nghi máy hỏng nên gọi bạn gần đó mang sang cho mượn, may mắn đo nồng độ oxy máu cả nhà đều 96%, cả nhà được phen hú hồn.
Hay như cả gia đình Hoàng Văn N. trú tại Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội cũng dương tính với Covid-19. Anh N. cho biết cứ 1,2 giờ anh lại đo nồng độ oxy máu vì ám ảnh những cơn tụt oxy máu thầm lặng.
Đều đặn hai vợ chồng anh và 3 con nhỏ đo đúng giờ, ghi chép lại chỉ số. 10 ngày tự cách ly, anh N, thở phào vì chưa bao giờ có nồng độ tụt oxy máu.
F0 âm tính vẫn cần đo SpO2. |
BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết trong đại dịch Covid-19 có lẽ những câu hỏi “bác sĩ ơi nồng độ oxy máu của tôi như thế này có sao không?” khá phổ biến. Có người oxy máu chỉ còn dưới 95% nhưng đại đa số là 96, 97%.
Bình thường nồng độ oxy máu rất quan trọng nhưng không ai để ý tới chỉ những người bị bệnh hô hấp, tắc nghẽn phổi mãn tính mới đo, không phổ cập như đo huyết áp. Nhưng thực tế, BS Khanh cho rằng các gia đình nên sắm một chiếc máy để dự phòng.
Việc đo nồng độ oxy máu bao nhiêu lần/ngày, theo bác sĩ Khanh tần suất đo còn phụ thuộc vào nhóm người. Ví dụ với những người có sức khoẻ bình thường thì ngày đo 2 lần, người có nguy cơ đo nhiều hơn, triệu chứng nặng theo dõi sát hơn.
Đặc biệt là những người cao tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm phòng thì có thể đo bất cứ lúc nào họ muốn đo từ 2 đến 4 lần/ngày.
Tuy nhiên, nhiều người lo sợ tụt oxy máu thầm lặng, thực tế nhiều người bị giảm mà người bệnh không đo được đến lúc họ cảm nhận được thì nồng độ oxy quá thấp, can thiệp không kịp do người bệnh không đo. Có bệnh nhân nồng độ oxy máu tốt mà tụt thấp bất ngờ ngay sau đó.
BS Khanh lưu ý khi đo nồng độ oxy máu người bệnh cần chú ý:
Thứ nhất, nồng độ oxy máu đúng hay sai cũng có thể do chất lượng dụng cụ. Bạn có thể thử đo nồng độ oxy với người bình thường. Chỉ số từ 96 – 99 %. Nếu người khoẻ mà chỉ số này thấp là máy sai cần xem xét lại.
Thứ hai, khi đo phải đo đúng cách. Những người có ngón tay nhỏ hơn kích thước ổ đo của máy thì kết quả không chính xác. Phụ nữ sơn móng tay cũng không chính xác vì vậy đo phải móng tay sạch, tay khít với ổ đo.
Thứ ba, thời gian đo chờ đợi khoảng 3 phút, không kẹp cái rồi thấy chỉ số rút ra ngay. Khi đo vẫn cần đặt tay lên mặt phẳng, không được đung đưa tay giữ nguyên vị trí tay, chờ trong 3 phút để hiển thị chỉ số nồng độ oxy máu và nhịp tim.
Những người có bệnh nền, có bệnh mãn tính, chưa tiêm vắc xin trong nhà không có máy đo nồng độ oxy máu thì cần đến cơ sở y tế để được theo dõi. Các biện pháp thử đo nồng độ oxy máu như leo cầu thang, đi bộ đều vài phút nếu mệt là tụt oxy máu cũng không chính xác lắm vì có thể có trường hợp đúng, có trường hợp sai.
Khánh Chi