Bác sĩ hỗ trợ điều trị F0 tại nhà: Cứ gọi là có
“Có ai không giúp em với, SpO2 của ba em tụt thấp...", đó là lời kêu cứu của thân nhân F0 gửi vào nhóm các bác sĩ hỗ trợ - điều trị F0, F1 tại nhà và ngay lập tức bác sĩ sẽ nhận ca, video call hỗ trợ.
F0 vượt qua cửa tử, chia sẻ bài tập thở phục hồi
9 ngày đầu mắc Covid-19 với các triệu chứng như sốt, mệt mỏi nhưng khi SpO2 tụt nhanh thì anh Sơn phải gắn với máy tạo oxy để thở. Sau khi vật vã vượt qua cửa tử, anh tập cai oxy, vận dụng bài tập thở để phục hồi
Bác sĩ online giúp F0
Bạn Phan Huỳnh Kim Ng. trú tại TP.HCM hoảng hốt cầu cứu bác sĩ “các bác sĩ ơi cho em hỏi, gia đình em 4 người, 1 người hôm 1/8 bị sốt đau rát họng, mất khứu giác, có uống thuốc 4 ngày hết, đến ngày 6/8 em với mẹ em 63 tuổi với 1 dì hơn 70 tuổi cũng có dấu hiệu sốt. Em thì sốt 1 ngày, qua ngày sau đau rát họng rồi ngày thứ 3 cũng mất khứu giác. Dì với mẹ em từ bữa đó tới nay sốt đi sốt lại, cũng đã cho uống thuốc hạ sốt, mẹ em đau nhức người, có ho, ko đau rát họng.
Dì em cũng sốt, ho cũng không đau rát họng. Hôm nay là ngày thứ 8 em mua que test nhanh thì có dì em 2 vạch, còn lại 1 vạch. Bác sĩ có thể tư vấn thêm cho em vì hai người lớn tuổi có bệnh nền cao huyết áp, vẫn theo dõi huyết áp với nhiệt độ thường xuyên và các dấu hiệu sinh tồn vẫn ổn".
Ngày 24/8, Ng. đã gửi lời cảm ơn tới các bác sĩ của nhóm “Các bác sĩ tận tình giúp đỡ gia đình em trong lúc em rối nhất, đã giúp em và gia đình vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Hôm nay là ngày thứ 18 sau ngày khởi phát triệu chứng đầu tiên, gia đình em, dì và mẹ em đã hoàn toàn hồi phục, chỉ còn mất ngủ”.
Trường hợp của Ng. chỉ là 1 trong hàng nghìn lời cầu cứu các bác sĩ mà nhóm đã nhận được trong gần 1 tháng qua.
Chị Nguyễn Phương Thảo là bác sĩ da liễu tại TP.HCM, addmin của Nhóm Bác sĩ online giúp F0 cho biết vào cuối tháng 7, khi các bạn đồng nghiệp đang quá tải thì những bác sĩ chuyên ngành lẻ, làm tư nhân như chị “khá rảnh”. Cộng đồng có nhiều ca bệnh Covid-19 nguy kịch, điều trị tại nhà, thậm chí tử vong tại nhà, bệnh nhân hoang mang không biết phải làm sao nên chị Thảo đã thành lập nhóm.
Bởi vì bản thân chị hiểu rõ nếu bệnh Covid-19 được theo dõi sát ngay từ ban đầu, ngay từ thời điểm virus tăng sinh và có thuốc uống đúng, phù hợp, có bác sĩ theo dõi thì bệnh nhân sẽ an toàn, và đánh giá được thời điểm bắt đầu nguy kịch để có thể thông báo với bệnh nhân nhập viện…
Như vậy là sẽ giảm được số lượng tử vong tại nhà, giảm được tỉ lệ nhập viện quá trễ và không thể cứu khi nhập viện. Với lời chia sẻ của chị Thảo, ngày đầu tiên nhóm được 4, 5 bác sĩ tham gia rồi dần dần người này chia sẻ với người kia, đồng nghiệp, đồng khoá cũng chia sẻ cuối cùng cộng đồng bác sĩ hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 được xây dựng nhanh chóng.
Một bác sĩ hỗ trợ cho ca bệnh nguy kịch tại nhà. |
Hơn 18 nghìn F0 được hỗ trợ
Để làm việc chuyên nghiệp hỗ trợ bệnh nhân tối đa, chị Thảo cho biết nhóm có ban cố vấn đó là những giảng viên, trưởng phó khoa của đơn vị cấp cứu. Bác sĩ tham gia nhóm phải điền form, gửi bằng cấp chứng minh là bác sĩ. Bác sĩ được add vào nhóm Zalo được đọc các tài liệu nghiên cứu do nhóm mua từ nước ngoài và tài liệu của Bộ Y tế.
Bác sĩ phải đọc tài liệu và được tập huấn online, thống nhất tinh thần làm việc phải cảnh giác biến chứng có thể xảy ra khi cho đơn thuốc. Ví dụ tiểu đường uống thuốc xong như thế nào, tim mạch sẽ như thế nào? Một tuần nhóm sẽ họp chuyên môn 1 lần. Sau khi được đào tạo xong bác sĩ sẽ được chuyển qua nhóm chuyên môn tư vấn.
Khi qua nhóm tư vấn thì nick Facebook sẽ được ghi danh “người kiểm soát”. Người bệnh có thể biết được đó là bác sĩ. Khi nhận ca, nếu gặp các trường hợp khó sẽ hỏi ý kiến trong nhóm, ca nào nặng khó cần chuyển đúng chuyên ngành.
Từ khi nhận thông tin, người bệnh sẽ được theo dõi trong Zalo, cấp mã F0, F1 và điền rõ 1, 2, 3,4, 5, 7 mã này đại diện cho số ca F0 bởi vì nhiều gia đình mắc cả nhà, thậm chí đại diện cả hẻm.
Bác sĩ Thảo cho biết, mỗi ngày hầu như mọi người đều làm việc từ 8h sáng tới 3h ngày hôm sau. Mỗi bác sĩ hiện đang quản lý online 400 – 500 bệnh nhân, số thực sẽ lớn hơn vì có thể 1 người đại diện cho chùm ca bệnh, báo cáo tình hình của cả nhà, khu xóm trong ngày để bác sĩ nắm được. Đến hiện tại, số người bệnh được nhóm tư vấn lên tới 18 nghìn ca.
Theo BS Thảo, F0 cần tư vấn và theo ngày từ đầu sẽ giảm nguy cơ trở nặng. |
Không chỉ tư vấn, nhóm còn cung cấp oxy 0 đồng, thuốc cho người bệnh. Nếu bệnh nhân chỉ xin hỗ trợ “bác sĩ ơi cứu em SpO2 của em tụt” thì các bác sĩ sẽ nhanh chóng video call xem bệnh nhân có cần oxy cấp cứu thật không. Trường hợp đúng sẽ cho đội oxy cấp cứu đi nhanh chóng. Bác sĩ Thảo cho biết nhóm không cung cấp đại trà vì nếu cho đại trà thì không đúng có thể gây thiếu oxy.
Khi mang oxy tới bệnh nhân thở được sẽ hướng dẫn họ và hướng dẫn cả tập thở. Nếu đưa oxy mà bệnh nhân không cải thiện thì bác sĩ gửi thông tin bệnh nhân tới cổng thông tin 115. Trung tâm 115 sẽ tìm gường trên mạng lưới bệnh viện, bệnh nhân sẽ đưa tới để tránh tình trạng bệnh nhân lòng vòng tìm bệnh viện. Tuy nhiên, thời gian tìm giường cho bệnh nhân cũng cần 4 – 8 tiếng. Vì vậy, giai đoạn này bệnh nhân vẫn cần oxy.
Theo BS Thảo, không chỉ bệnh nhân Covid-19, bất cứ lời kêu cứu nào của các bệnh lý khác bác sĩ đều tham gia cấp cứu trực tiếp hoặc tư vấn online. Có những bác sĩ 3, 4h sáng vẫn thức để sẵn sàng lên đường nếu người bệnh cần.
Thực tế tiếp cận hàng nghìn ca tư vấn, bác sĩ Thảo cho rằng đa số người bệnh và gia đình đều rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ. Trong khi đó, truyền thông cho người bệnh và gia đình đối diện với Covid-19 còn quá ít mà chỉ là thông tin số ca bệnh, ca tử vong có thể khiến người bệnh suy sụp hơn.
Bản thân chị Thảo cũng nhiều lần tư vấn online cho các ca người bệnh đang thói thóp thở oxy lại cho nằm cạnh bàn thờ của người thân vừa mất vì Covid-19 đang thắp hương, tụng kinh. Nếu như thế, người bệnh vừa nặng hơn, vừa thiếu oxy vì thắp hương, tinh thần lo lắng. Bác sĩ phải yêu cầu tắt nhang, bỏ tiếng tụng kinh và có thể chuyển bàn thờ.
Theo chị Thảo tâm lý bệnh nhân vô cùng quan trọng nên các bác sĩ cũng tư vấn cả tâm lý cho người bệnh để họ biết đối diện và bình tĩnh vượt qua được.
Khánh Chi
Bác sĩ hướng dẫn hai bài tập ho đúng cách để làm sạch phổi cho F0
Trong số 20% bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng thì tình trạng sốt, mệt mỏi, ho, khạc đàm (đờm) là biểu hiện phổ biến. Với những người trở nặng, cơn ho là điều đáng sợ nhất