4 trường hợp xác định trẻ mắc Covid-19
Với biến chủng Omicron lây lan nhanh, số lượng trẻ mắc Covid-19 trong làn sóng dịch lần này tăng hơn nhiều so với thời điểm trước.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, số trường hợp nhiễm Covid-19 ở trẻ em được cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà hoặc được chỉ định nhập viện có xu hướng tăng, đặc biệt trong bối cảnh các bé đến trường học trực tiếp.
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, đến thời điểm này trong gần nửa triệu trẻ mắc Covid-19 có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi.
Hầu hết các trẻ bị nhiễm Covid-19 đều nhẹ và phục hồi nhanh hơn người lớn.
Quyết định số 405/QĐ-BYT ngày 22/02/2022 “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covis-19 ở trẻ em” thay thế Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 ở trẻ em ban hành kèm Quyết định số 5155/QĐ-BYT ngày 08/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế và nội dung phân loại yếu tố nguy cơ theo tuổi đối với trẻ em ban hành tại phần 3. Hướng dẫn phân loại nguy cơ và định hướng xử trí, cách ly, điều trị ban hành kèm theo Quyết định số 5255/QĐ-BYT ngày 01/12/2021 của Bộ trưởng Y tế.
Theo đó 4 trường hợp xác định trẻ nhiễm Covid-19:
Thứ nhất, trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm PCR.
Thứ hai, trẻ tiếp xúc gần và có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với virus. SARS-CoV-2.
Thứ ba, trẻ có yếu tố dịch tễ và có biểu hiện lâm sàng nghi ngờ mắc Covid-19 và có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.
Ảnh minh hoạ. |
Thứ tư, trẻ có yếu tố dịch tễ và có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp xét nghiệm lần 2 trong vòng 8h kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1 với virus SARS-CoV-2 . Trong trường hợp xét nghiệm nhanh kháng nguyên lần thứ hai âm tính thì phải có kết quả PCR để khẳng định.
Theo BS Nguyễn Tấn Hưng, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, tiếp xúc gần là một trong các trường hợp dưới đây:
- Trẻ có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da cơ thể…) với người bệnh đã được xác định đang trong thời kỳ lây truyền.
- Trẻ đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với người bệnh xác định đang trong thời kỳ lây truyền.
- Trẻ không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với người bệnh xác định đang trong thời kỳ lây truyền.
Thời kỳ lây truyền của trường hợp đã xác định bệnh được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với trường hợp bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc kết quả xét nghiệm PRC giá trị Ct ≥ 30.
Trẻ có yếu tố dịch tễ là một trong các trường hợp sau: Có mặt trên cùng phương tiện giao thông hoặc cùng địa điểm, nơi làm việc, lớp học… với trường hợp bệnh xác định đang trong thời kỳ lây truyền. Cư trú, đến từ khu vực ổ dịch đang hoạt động.
Trẻ có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19 là trẻ có triệu chứng như sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, mất vị giác/khứu giác, đau/nhức đầu, tiêu chảy, khó thở, viêm đường hô hấp.
Khi xét nghiệm cho trẻ, BS Hưng lưu ý, sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên với vi rút SARS-CoV-2 phải thuộc danh mục được Bộ Y tế cấp phép.
Xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
Theo các bác sĩ nhi khoa, phần lớn trẻ mắc virus SARS-CoV-2 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm đường hô hấp trên hoặc rối loạn tiêu hóa, hồi phục trong 1-2 tuần.
Bệnh nhân mắc Covid-19 thuộc nhóm nặng - nguy kịch chỉ chiếm 4%, thường trở nặng vào ngày thứ 5-8. Tuy nhiên, bệnh có thể có biến chứng và các triệu chứng của hội chứng viêm đa hệ thống hoặc "Covid-19 kéo dài" ở trẻ em, cần theo dõi sát.
Khánh Chi