4 trường hợp ở Bệnh viện Bạch Mai nhiễm chủng Omicron, tới đây Hà Nội số ca mắc sẽ tiếp tục tăng?
Theo PGS. TS Nguyễn Huy Nga, sẽ có những người đã mắc cách đây mấy tháng mắc lại hoặc người sức đề kháng kém thì cũng có thể mắc lại, người tiêm rồi vẫn có thể mắc Covid-19…
Ngày 23/2, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Hà Nội đã họp để triển khai quyết liệt hơn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tuần qua, số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tăng cao. Có ngày ghi nhận 6.860 ca và dự báo tiếp tục tăng trong các tuần tiếp theo.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đánh giá tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay diễn biến phức tạp. Số ca mắc mới tăng nhanh, trung bình những ngày gần đây là 5.128 ca/ngày. Bên cạnh đó, việc cho phép mở cửa các dịch vụ, du lịch, hàng không, thời tiết lạnh là những diễn biến có nhiều thách thức.
Đáng chú ý, kết quả giải trình tự gen các ca bệnh ở Hà Nội hiện nay đã có 4 trường hợp ở Bệnh viện Bạch Mai nhiễm chủng Omicron. Điều này được Hà Nội dự báo từ trước và đã triển khai các kế hoạch ứng phó cụ thể.
Ảnh minh hoạ |
Trước thông tin này, nhiều người dân tỏ ra lo ngại khi chủng Omircon đã xuất hiện ngoài cộng đồng, liệu nguy cơ lây lan sẽ như thế nào? Ai là nhóm có nguy cơ dễ mắc cần được bảo vệ?
Trả lời phóng viên Infonet vào sáng 24/2, PGS. TS Nguyễn Huy Nga cho biết, dần dần chủng Omcron sẽ lan ra cộng đồng và chiếm lĩnh để xoá sổ chủng Delta. Omicron nhẹ hơn của Delta nhưng lây lan nhanh hơn, chắc chắn sắp tới có lây lan cộng đồng thì càng mạnh nữa, nghĩa là số ca mắc sẽ còn tăng.
“Theo đó, sẽ có những người (mắc cách đây mấy tháng) lại mắc lại hoặc có những người sức đề kháng kém thì cũng có thể mắc lại, có người tiêm rồi vẫn mắc”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga thông tin.
Vì theo chuyên gia về mặt lý thuyết vắc xin có thể ngăn được cả Omicron, Delta nhưng trên thực tế có những nước vẫn mắc lại. Như Mỹ, Isrel tiêm chủng lên tới 4 mũi (tỷ lệ tiêm chủng đạt cao) nhưng vẫn ghi nhận người mắc lại.
Trước diễn biến dịch như hiện nay, PGS. TS Nguyễn Huy Nga cho rằng người dân dù tiêm rồi hay chưa tiêm thì thời điểm này cần thực hiện tốt việc bảo vệ cá nhân. Đặc biệt những người có sức đề kháng kém, những người cao tuổi có bệnh lý nền, người chưa tiêm được vắc xin ….
“Nói chung tất cả mọi người đều phải cảnh giác tự bảo vệ cho mình là chính. Dù thời điểm này việc tự bảo vệ cá nhân khó khăn hơn khi dịch đã lây lan trong cộng đồng, nhưng 5K vẫn là biện pháp phòng dịch hiệu quả.
Bởi nhiều người đi làm về nhà có thể lây lan cho trẻ con, người già trong nhà chưa tiêm hoặc sức đề kháng kém. Dự báo tới đây sẽ có nhiều người già nhiễm Covid-19. Mà người già nhiễm thì nguy cơ tử vong sẽ cao”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.
Theo phân tích của Tổ chức Y tế Thế giới, chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn nhiều so với chủng Delta. Do đó, việc Hà Nội đã xuất hiện các ca bệnh Covid-19 chủng Omicron là dấu hiệu cho thấy số ca nhiễm cộng đồng có thể nhiều hơn và lây lan nhanh hơn.
Vì vậy lãnh đạo Thành phố dự báo số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội sẽ có thể tiếp tục tăng. Mỗi người dân cần bỏ ngay tâm lý "rồi ai cũng là F0", chủ quan kể cả khi đã tiêm 3 mũi bởi di chứng của Covid-19 có thể có với bất kỳ ai khi bị nhiễm và khỏi bệnh.
Theo thống kê số ca mắc tại Hà Nội cho thấy 97% ca bệnh hiện nay là ca nhẹ, không triệu chứng. Thành phố vẫn luôn chủ động chuẩn bị 8.500 giường (thêm 1.655 giường cho nhi khoa và trẻ em). Hiện dư địa vẫn còn 40%.
Bên cạnh đó là các bệnh viện Trung ương cũng còn nhiều giường bệnh cho bệnh nhân Covid-19. Thành phố có thể kích hoạt bệnh viện chuyên điều trị ngoại vi ngay khi cần thiết. Bệnh viện Đức Giang có thể tập trung chuyên điều trị bệnh nhân tầng 3.
"Phải hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng nặng, tử vong. Đây là mục tiêu cao nhất, phải làm bằng được", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, dịch bệnh vẫn được kiểm soát bởi các biện pháp cụ thể như: Công tác phòng chống Covid-19 được tập trung vào tiêm chủng, quản lý và điều trị bệnh nhân; ứng dụng nền tảng công nghệ vào quản lý, theo dõi, chăm sóc điều trị bệnh nhân Covid-19 từ sớm, từ cơ sở… Hà Nội cũng tăng cường công tác điều trị, thực hiện trực 4 cấp 24/24 giờ tại các bệnh viện, cơ sở thu dung để sẵn sàng thu nhận người bệnh khi chuyển tầng…
N. Huyền
Một người có thể nhiễm Covid-19 bao nhiêu lần?
Có những báo cáo về các trường hợp tái nhiễm Covid-19 từ 3-4 lần chỉ trong vòng vài tuần. Và khi đại dịch còn diễn biến kéo dài, nguy cơ tái nhiễm sẽ càng tăng cao.
Người nhiễm biến thể Delta rồi có nguy cơ mắc lại Omicron không?
Theo các chuyên gia, khi chúng ta đang tồn tại hai biến chủng Delta và Omicron thì nguy cơ người mắc biến chủng trước đó có thể tái nhiễm với biến chủng mới.
Bác sĩ phát hoảng vì thập cẩm các loại thuốc đưa vào bụng F0
Bụng của mỗi F0 hiện nay là một nồi lẩu thập cẩm với đủ loại thuốc từ kháng virus, kháng sinh, kháng viêm, thuốc ho… đặc biệt là các loại thực phẩm chức năng, vitamin…