Soi chuột dưới gầm giường, trẻ 10 tuổi bị rắn cắn trúng tay
Đang chơi một mình, bé trai 10 tuổi nghe tiếng chuột kêu dưới gầm giường đã lấy đèn pin soi. Không ngờ, cậu bị rắn cắn vào tay.
Bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch |
Chưa đầy 1 tháng 3 trường hợp bị rắn cắn trong đó có 1 ca tử vong
21h10 phút ngày 23/5, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhân H.Q.H 10 tuổi, trú tại huyện Trùng Khánh - Cao Bằng do bị rắn cắn.
Theo lời kể của người nhà, khoảng 3h chiều, cháu đang chơi ở nhà nghe tiếng chuột kêu dưới gầm giường đã lấy đèn pin soi và bị rắn cắn vào tay.
Do cháu ở nhà một mình nên không nhận biết được loại rắn đã cắn, khi phát hiện, người nhà đã đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Trùng Khánh và được chuyển tuyến đến Khoa Cấp cứu, BVĐK tỉnh, cháu đã được các Y bác sỹ xử lý tích cực, hiện tại đã ổn định, không ảnh hưởng đến tính mạng.
Đây không phải trường hợp đầu tiên bị rắn cắn mà Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận. Từ đầu năm đến nay, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị rắn độc cắn, trong đó có cả trẻ em và người lớn và đã gặp những ca rất nặng nề.
Trước đó ngày 5/5 Khoa Cấp Cứu tiếp nhận bệnh nhân T.V.H 33 tuổi, trú tại huyện Hòa An nhập viện do bị rắn cắn. Rất may bệnh nhân đến viện kịp thời nên đã được xử trí cấp cứu kịp thời, không ảnh hưởng đến tính mạng.
Tiếp đó ngày 10/5, Khoa Cấp Cấp cứu tiếp tục tiếp nhận 1 bệnh nhân 57 tuổi, trú tại huyện Thạch An - Cao Bằng vào viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn đã được cấp cứu sau đó chuyển tuyến nhưng nạn nhân đã không qua khỏi.
Dạy trẻ tránh rắn, không cố tình đuổi bắt
Hàng năm, cứ vào đầu mùa hè, số bệnh nhân nhập viện do bị rắn độc cắn gia tăng. Đây là thời kỳ các loài rắn vào mùa sinh sản, số lượng và tần suất hoạt động trong môi trường của chúng tăng lên nên dễ bắt gặp và xảy ra xung đột với con người.
Các bác sĩ khoa cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Cao Bằng lưu ý với trẻ em, thời gian nghỉ hè các cháu được vui chơi ở nhà nhiều hơn, phụ huynh cần lưu ý phát quang xung quanh nhà tránh cho rắn, ong, côn trùng vào nhà tấn công trẻ và luôn có người giữ trẻ nhỏ dưới 3 tuổi...
Khi cho trẻ vui chơi vào buổi tối thì nên để trẻ chơi nơi có đèn chiếu sáng, tránh bụi rậm, trước khi ngủ cần soi gầm giường, không ngủ trên nền nhà và cần ngủ có mắc màn.
Với trẻ lớn hơn, thường thích chạy nhảy và khám phá môi trường xung quanh, đôi khi cha mẹ không thể nào quan sát và chăm sóc trẻ mọi lúc mọi nơi. Chính vì thế, cần cung cấp những thông tin về cách phòng tránh bị rắn cắn như: dạy trẻ cách nhận biết và tránh các con rắn.
Trẻ em thường tò mò nên có thể đến gần hoặc cố đuổi giết chúng; đảm bảo trẻ không đến những nơi cỏ mọc um tùm; không cho phép trẻ thò tay hoặc chân vào những chỗ mà chúng không nhìn thấy bên trong như hang hốc, khe đá; hết sức cảnh giác và luôn cẩn trọng khi đang trèo lên các tảng đá lớn.
Bổ sung thêm, BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành đều cần theo dõi sát như là một trường hợp rắn độc cắn, ít nhất là trong 6 giờ đầu. Đặc biệt khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu ngay và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế.
BSCKII Nguyễn Minh Tiến cũng lưu ý không nên garô phía trên vết thương vì có thể gây hoại tử chi; không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra do hiện nay không thấy hiệu quả mà gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc.
Đặc biệt người dân cũng không được đắp lá cây không rõ loại lên vết thương vì có thể gây hoại tử nhiễm trùng nặng thêm vết rắn cắn.
Thay vào đó, người nhà sẽ cho nạn nhân nằm yên, trấn an người bị rắn cắn; Bất động và đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc; Rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng; Băng thun hoặc vải sạch lên vết thương và phía trên vết thương và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để nơi đây xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp.
N. Huyền