Vào hè nhiều người bị rắn độc cắn và những lưu ý sống còn
Từ đầu năm đến nay Bệnh viện đa khoa Cao Bằng đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị rắn cắn, trong đó có cả trẻ em và người lớn. Đáng ngại, vào đầu hè hàng năm số bệnh nhân nhập viện do bị rắn độc cắn lại gia tăng.
Một trường hợp bị rắn cắn. |
22h10 phút ngày 5/5 Khoa Cấp Cứu - Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhân T.V.H 33 tuổi, trú tại huyện Hòa An nhập viện do bị rắn cắn.
Theo lời kể bệnh nhân, trước khi vào viện khoảng 30 phút, bệnh nhân đi cắt cỏ do trời tối không để ý nên đã bị rắn cắn vào gót chân trái. Sau khi phát hiện, ngay lập tức bệnh nhân được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện và được xử trí kịp thời. Điều này đã không gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Lãnh đạo Khoa Cấp cứu cho hay, đây không phải trường hợp đầu tiên các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân bị rắn cắn. Từ đầu năm đến nay khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị rắn cắn, trong đó có cả trẻ em và người lớn. Đáng ngại là, hàng năm, cứ vào đầu hè, số bệnh nhân nhập viện do bị rắn độc cắn gia tăng. Đây là thời kỳ các loài rắn vào mùa sinh sản, chúng thường ẩn nấp ở những nơi rậm rạp quanh nhà, lối đi lại, nơi để củi, gạch vụn, rơm, rạ…
Theo TS.BS. Lê Xuân Dương, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện TƯQĐ 108, ghi nhận tại các cơ sở y tế, cứ vào mỗi mùa mưa, số bệnh nhân bị rắn độc cắn lại gia tăng. Đáng chú ý, do sơ cứu không đúng cách, nhiều bệnh nhân bị hoại tử tay chân, nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong. Vì vậy, nhận biết rắn độc cắn và sơ cứu ban đầu đúng cách là vô cùng cần thiết.
Theo đó, nước ta thường gặp 2 họ rắn độc: Họ rắn hổ (rắn hổ mang, rắn hổ mang chúa, rắn cạp nong, cạp nia, rắn biển) và họ rắn lục. Khi bị các loài rắn hổ cắn thì tại vùng vết cắn thường đau, sưng nề, có thể có hoại tử đen da vùng bị cắn (da bị chết do nọc độc), nhiễm trùng (sưng đỏ, sốt, có mủ). Vết rắn cắn do rắn cạp nia, cạp nong cắn thường không có gì đặc biệt.
Biểu hiện toàn thân đau nhiều, nói khó, mờ mắt, yếu chân tay, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim, đái ít,… dễ tử vong hoặc tàn phế. Nguyên nhân tử vong chủ yếu do liệt các cơ gây khó thở.
Nếu bị các loài họ rắn lục cắn sẽ bị sưng nề, phỏng nước, chảy máu vùng vết cắn, chảy máu toàn thân khó cầm. Tử vong do chảy máu, mất máu.
TS.BS. Lê Xuân Dương cho rằng để phân biệt được rắn độc và rắn không độc nhiều khi rất khó. Tuy nhiên có thể nhận ra được một số loại rắn độc thường gặp dựa vào các đặc điểm đặc trưng bên ngoài của rắn: rắn hổ mang (khi chuẩn bị tấn công thì cổ bạnh, phát âm thanh đặc trưng), rắn cạp nong (thân mình 'khúc vàng khúc đen'), rắn cạp nia (thân mình 'khúc trắng khúc đen'), họ rắn lục (đầu to hình thoi hoặc tam giác).
Rắn độc có thường có hai răng độc lớn (còn gọi là móc độc) và thường ở vị trí răng cửa hàm trên, do đó khi cắn thường để lại vết cắn đặc trưng có thể giúp phân biệt rắn độc.
Răng độc đóng vai trò như một kim tiêm dưới da hoặc tiêm vào bắp thịt. Một số loại rắn hổ mang mặc dù ở cách nạn nhân một khoảng cách vẫn có thể phun nọc độc về phía nạn nhân và gây tổn thương mắt, có thể từ đó gây nhiễm độc toàn thân.
Qua trường hợp bệnh nhân vừa được cứu sống, các bác sĩ khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng khuyến cáo, nếu bị rắn cắn, cần băng ép vết cắn bằng băng vải hoặc băng tự tạo từ quần áo, nếu vết cắn ở tay chân cần bất động bằng nẹp cứng (miếng gỗ, tre, bìa cứng…), băng tương đối chặt nhưng sờ vẫn thấy mạch đập, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nên để thõng, không đi lại hoặc vận động, gọi người xung quanh hỗ trợ đưa đến cơ sở y tế gần nhất để để được xử trí kịp thời (kể cả khi vết cắn không đau, không chảy máu).
Không nên cố bắt hoặc giết rắn, thay vào đó cần ghi nhớ hình dạng, màu sắc rắn hoặc chụp ảnh để giúp nhận dạng loài rắn dễ dàng hơn.
Đề phòng rắn cắn, người dân tránh càng xa rắn càng tốt, nếu không tránh được thì không nên có những hành động đe dọa rắn. Tránh trêu chọc, bắt rắn, sờ vào miệng rắn, kể cả rắn chết hay đầu rắn đã cắt rời.
Khi đi rừng, đi vườn, đồng ruộng, nương rẫy, cần chuẩn bị những dụng cụ cần thiết, đi ủng hoặc giày cao cổ, mặc quần áo vải dày, đội mũ rộng vành. Phải có gậy khua rắn. Xung quanh nơi ở cần phát quang bụi rậm, dùng đèn, đi ủng, giày cao cổ và quần dài, có đuốc hoặc đèn pin nếu đi trong đêm tối, cần thường xuyên kiểm tra phát hiện nơi rắn hay trú ẩn (mái lợp tranh rạ, mái hiên, tường rơm có khe nứt lớn,…). Không nên ngủ dưới đất, ngủ trong màn để tránh rắn bò vào cắn khi đang ngủ.
Ngoài ra, TS.BS. Lê Xuân Dương cũng nhấn mạnh, bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24-48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.
N. Huyền