BV Đà Nẵng học "mẫu chuẩn" cấy ghép tế bào gốc và ghép tạng của Nhật
TS.BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đà Nẵng cho đây, từ năm 2006, BV đã được TS.BS Yoshihisa Suzuki, chuyên gia phẫu thuật tạo hình và tế bào gốc của BV Kitano (Nhật Bản) hỗ trợ rất tích cực cho việc thực hiện đề tài nghiên cứu cấp bộ về “cấy ghép tế bào gốc ở các bệnh nhân bị liệt tủy” và đã được Bộ Y tế thẩm định, xác nhận đủ điều kiện, năng lực.
GS.BS Kohei Shiota, Hiệu trưởng Đại học Y khoa Shiga (Nhật Bản) và TS.BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng (phải) tại buổi ký kết thỏa thuận hợp tác sáng 9/4 (Ảnh: HC) |
TS.BS Yoshihisa Suzuki đã liên hệ với Đại học (ĐH) Y khoa Kyoto (Nhật Bản) hỗ trợ máy móc, thiết bị cho BV Đà Nẵng, đồng thời tiếp nhận các bác sĩ của BV này sang đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cấy ghép tủy xương cho các bệnh nhân bị liệt nằm một chỗ, không đi lại được. Vốn trước đó “bó tay” với các trường hợp này, nhưng với sự hỗ trợ của phía Nhật Bản, BV Đà Nẵng đã đạt được tỉ lệ hồi phục cho các bệnh nhân được đánh giá là rất ngoạn mục
Sau đó, TS.BS Yoshihisa Suzuki đem toàn bộ các kết quả mà BV Đà Nẵng đã đạt được để liên hệ với ĐH Y khoa Shiha chuyên về điều trị tế bào gốc rất nổi tiếng của Nhật Bản cũng như trên thế giới. Qua quá trình tìm hiểu, đặt biệt là sau khi cử thư ký qua thực tế, GS.BS Kohei Shiota, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Shiga đã trực tiếp sang thăm và ký kết thỏa thuận hợp tác giữa trường đại học này với BV Đà Nẵng.
“Họ nhận thấy số lượng bệnh nhân bị liệt tủy cần cấy ghép tế bào gốc ở Đà Nẵng cũng như các địa phương trong khu vực rất đông, BV Đà Nẵng đã làm được rất nhiều thứ nhưng chưa được hỗ trợ nhiều để thực hiện các nghiên cứu. Vì vậy trong thỏa thuận hợp tác vừa ký kết, ngoài cấy ghép tủy xương thì ĐH Y khoa Shiga sẽ hỗ trợ BV Đà Nẵng thực hiện cấy ghép tế bào gốc đối với các bệnh lý khác như tim mạch, hô hấp…” – TS.BS Lê Đức Nhân cho hay.
Cũng theo thỏa thuận hợp tác vừa ký kết, ĐH Y khoa Shiga sẽ tiếp nhận BS của BV Đà Nẵng sang đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; đồng thời các BS, chuyên gia của trường ĐH này sẽ qua BV Đà Nẵng để tìm hiểu, khảo sát các khó khăn vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện cấy ghép tế bào gốc, từ đó xây dựng đề án hỗ trợ cho BV Đà Nẵng một cách hiệu quả nhất.
“Riêng về đề án về tế bào gốc, trước đây ĐH Y khoa Shiga dự định hỗ trợ BV Đà Nẵng xử lý đối với 30 bệnh nhân, nhưng nay thì họ đồng ý gia hạn số lượng bệnh nhân tế bào gốc được hỗ trợ cho đến khi nào đủ hiệu lực để BV Đà Nẵng báo cáo có hiệu quả và có thể tự làm.
Đồng thời ĐH Y khoa Shiga cũng sẽ hỗ trợ thêm các trang thiết bị về cấy ghép tế bào gốc. Để có được một tế bào gốc trưởng thành, tinh nhuệ đưa vào bệnh nhân thì mức độ sàng lọc, đánh giá là cực kỳ quan trọng. ĐH Y khoa Shiga sẽ hỗ trợ BV Đà Nẵng các trang thiết bị chuyên sâu để nhận biết, lựa chọn tế bào gốc tốt nhất đưa vào bệnh nhân!” – TS.BS Lê Đức Nhân cho biết.
Đặc biệt, theo TS.BS Lê Đức Nhân, trong thỏa thuận hợp tác với ĐH Y khoa Shiga thì BV Đà Nẵng còn hết sức chú trọng đề án hình thành Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc (dự kiến khởi công xây dựng ngày 2/9/2019 với tổng mức đầu tư 495,68 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP Đà Nẵng – Infonet đã đưa tin).
TS.BS Lê Đức Nhân cho hay, trong việc hợp tác với ĐH Y khoa Shiga hình thành Trung tâm ghép tạng, BV Đà Nẵng hết sức lưu tâm vấn đề ghép tủy cho bệnh nhân ung thư. Ghép tủy cho bệnh nhân ung thư thì ở Hà Nội và TP.HCM đã làm, nhưng cái khác của Đà Nẵng là việc này sẽ nằm trong chuỗi của một Trung tâm ghép tạng, có sự phối hợp giữa tạng ghép với các vấn đề liên quan tới tế bào gốc.
“GS.BS Kohei Shiota, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Shiga nhận thấy mô hình này rất hay nên sẽ mời chuyên gia giúp thêm cho BV Đà Nẵng trong việc thiết kế, hình thành trung tâm ghép tạng. Lồng ghép được trung tâm ghép tạng sắp tới của BV Đà Nẵng với ĐH Y khoa Shiga sẽ là một điều rất tuyệt vời!” – TS.BS Lê Đức Nhân nói.
Giải thích thêm về sự tuyệt vời đó, ông cho biết, để hình thành trung tâm ghép tạng thì cùng lúc phải đào tạo quá nhiều ê-kip. Đến thời điểm này, mỗi ê-kip đào tạo một nơi, nên khi ráp vào đòi hỏi phải có thời gian dài mới kết nối được. Trong khi đó, ĐH Y khoa Shiga đã có sẵn hết. Với sự hỗ trợ của họ thì BV Đà Nẵng “chỉ việc” cử BS sang đào tạo, chuyển giao công nghệ, lấy mẫu chuẩn từ đây về áp dụng, vừa nhanh, vừa hiệu quả và đồng bộ!