Ăn dứa để 'vượt cạn' dễ dàng hơn?
Các mẹ bầu truyền tai nhau việc ăn dứa giúp kích thích cơn co tử cung để cuộc 'vượt cạn' dễ dàng hơn. Điều này có đúng không?
Mang thai ở tuần thứ 40 nhưng vẫn không có cơn co tử cung, chị Hoàng Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội) vô cùng sốt ruột, ngày nào cũng thấp thỏm không thấy cơn co tử cung như các mẹ bầu khác chia sẻ.
Chị Hoa nghe được bạn bè mách ăn dứa để kích thích đẻ nhanh hơn. Vì vậy, một tuần qua ngày nào bà mẹ này cũng ăn 3, 4 quả dứa, ăn dứa thay các thực phẩm khác và mong chờ cơn đau đẻ xuất hiện.
Trên diễn đàn các mẹ mang thai, chị Ngọc Hà chia sẻ, bản thân chị sinh hai con. Lần đầu, nghe chị em bạn dì khuyên ăn dứa để dễ đẻ nên từ khi thai được 34 tuần, ngày nào chị cũng ăn 1 quả dứa. Đến lúc đi sinh vẫn thấy đau “lên bờ xuống ruộng” nên không rõ tác dụng nhiều đến đâu.
Tuy nhiên, nickname mẹ Bi lại cho biết khi sinh lần đầu chị không biết là ăn dứa sẽ dễ đẻ nên được cu con 'vật' cho 1 trận đúng 24 tiếng. Đến đứa thứ 2 mình ăn dứa trước ngày dự sinh 1 tuần, nhưng mỗi ngày nửa quả hoặc xào với thịt bò, trộm vía thấy đẻ dễ hơn lần trước rất nhiều.
Ảnh minh họa. |
Theo thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, dứa là một loại quả cung cấp nhiều vitamin C, kẽm, đồng, sắt nên rất tốt cho thai kỳ. Mẹ bầu có thể ăn dứa hàng ngày với lượng vừa phải không nên ăn quá nhiều vì ăn dứa gây kích thích dạ dày và sinh non.
Đặc biệt, trong tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu) các mẹ nên tránh ăn dứa để tránh nguy cơ sảy thai. Bắt đầu từ tuần thứ 39, các mẹ có thể tăng cường dứa để chuẩn bị cho cuộc đẻ sắp tới.
BS Thành cho biết, sản phụ nên ăn lượng mình thấy đủ không nên cố ăn nhiều quá. Nhất là những bà mẹ có tiền sử viêm loét dạ dày, trào ngược thực quản ăn nhiều gây ợ chua, ợ nóng. Mẹ bầu nên lưu ý, dứa phải gọt vỏ, loại bỏ hết các mắt, rửa thật sạch để tránh ngộ độc.
Ngoài ăn dứa trực tiếp, mẹ bầu cũng có thể chọn ăn dứa chế biến như xào, nấu canh chua hoặc ép nước.
Cơn đau đẻ lá ác mộng của nhiều sản phụ. Đặc biệt những mẹ sinh khó, cơn đau đẻ không chỉ khiến mẹ đau đớn mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Để giúp cổ tử cung mở nhanh, rút ngắn thời gian chuyển dạ dễ dàng vượt qua cuộc đẻ, BS Thành cũng gợi ý cho các mẹ bầu vài biện pháp kích thích đẻ nhanh tự nhiên, ngoài ăn dứa mẹ bầu cần tăng cường đi bộ, bụng bầu sẽ chịu áp lực và em bé sẽ di chuyển đúng về vị trí chờ sinh, tạo ra những cơn co thắt giúp tử cung mở nhanh và quá trình chuyển dạ dễ dàng.
Đi bộ giúp rút ngắn thời gian chuyển dạ và làm tăng khả năng chịu đựng của mẹ. Mỗi ngày mẹ nên đi bộ khoảng 20 phút và cố gắng đi chậm để an toàn cho thai nhi.
Việc kích thích nhũ hoa của sản phụ cũng tạo cho cơn co thắt tử cung mạnh mẽ hơn, thúc đẩy sự giãn nở của cổ tử cung, đồng thời giải phóng lượng oxytocin và làm tử cung mở nhanh hơn. Mẹ bầu chỉ cần massager quanh bầu ngực, vê đầu ti để kích thích.
Với những mẹ có các vấn đề trong thai kỳ như cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật… nếu muốn dùng biện pháp này cần hỏi ý kiến bác sĩ.
Ngâm mình trong bồn nước ấm, đây là mẹo nhỏ giúp cổ tử cung mở nhanh và giảm đau. Việc ngâm trong bồn nước ấm cần thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ vì việc sinh nở có thể chuyển dạ nhanh mà mẹ bầu không kịp chuẩn bị.
BS Thành lưu ý thêm, cuộc đẻ tiên lượng dễ hay khó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên những cách tự nhiên hỗ trợ sinh đẻ không phải lúc nào cũng có tác dụng với tất cả mọi người. Vì vậy, bạn nên liên hệ bác sĩ theo dõi thai nhi để được hỗ trợ.
Khánh Chi