Khó khăn khi điều trị cho những đứa trẻ 'khổng lồ' mắc Covid-19, cha mẹ làm gì khi con bệnh?
Trải qua hơn 4 tuần điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, sức khỏe em L. H. T. L nữ 15 tuổi, mắc Covid-19 nặng, nguy kịch, đã được cứu sống.
Trở nặng vì béo phì
Khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tiếp nhận 1 truờng hợp ngụ tại phường 12, quận 8, TPHCM chuyển đến trong tình trạng khó thở tím tái. Khai thác bệnh sử ghi nhận em L. mắc bệnh 5 ngày, sốt cao, ho sổ mũi, nghẹt mũi, khó thở, mệt, nên nhập trung tâm y tế xét nghiệm em và ba đều dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real-Time RT-PCR được sơ cấp cứu thở oxy chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
BS CK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, khi vào viện, bệnh nhi đã thở mệt, co kéo cơ liên sườn, phập phồng cánh mũi, tím môi trên thở oxy, SpO2 76% (bình thường 96-98%), nhịp tim nhanh 152 lần/phút, được chẩn đoán Covid-19 nặng nguy kịch và được điều trị hỗ trợ hô hấp thở áp lực dương liên tục, truyền thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng đông.
Tình trạng hô hấp diễn tiến xấu hơn, em thở mệt co kéo, SpO2 80-82%, được chuyển thở máy không xâm nhập, vẫn không cải thiện, hình ảnh Xquang phổi cho thấy tổn thương phổi nặng lan tỏa 2 bên, biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) nên được đặt nội khí quản thở máy.
Xét nghiệm máu cho thấy có biểu hiện phản ứng viêm tăng mạnh nên được hội chẩn truyền thêm kháng thể miễn dịch và lọc máu liên tục cũng như chỉ định truyền thuốc tocilizumab – một loại kháng thể đơn dòng trung hòa IL-6, thủ phạm gây ra phản ứng viêm nặng và gây tổn thương các cơ quan – được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng vì dựa trên các bằng chứng khoa học từ các nghiên cứu cho thấy giảm tỉ lệ trở nặng, giảm tỉ lệ thở máy, giảm tỉ lệ tử vong…
Em L. H. T. L nữ 15 tuổi mắc COVID-19 nặng, được điều trị kháng viêm, kháng đông, kháng sinh hỗ trợ hô hấp, lọc máu liên tục, truyền kháng thể miễn dịch, trong phòng cách ly áp lực âm. |
Trẻ cũng được điều trị hỗ trợ, điều chỉnh nước điện giải, toan kiềm, hạ sốt, dinh dưỡng, xoay trở chống loét. Kết quả sau sau 2 đợt lọc máu liên tục, truyền các kháng thể miễn dịch, 2 tuần thở máy với các thông số thích hợp, tình trạng trẻ cải thiện dần được cai máy thở, thở máy không xâm nhập, thở CPAP, thở oxy qua mask, qua cannula và được hỗ tâm lý trị liệu và phục hồi chức năng.
Bệnh nhi mới 15 tuổi nhưng cân nặng tới 75kg, gây khó khăn cho các bác sĩ điều trị như chỉnh lại cân nặng thích hợp để sử dụng thuốc và dịch truyền phù hợp tránh quá tải dịch, làm nặng thêm tình trạng suy hô hấp, cũng như thiếu dịch gây giảm tưới máu các cơ quan cũng khô đàm tắc đàm đường hô hấp.
Gia đình gặp nhiều khó khăn kinh tế do đại dịch, chi phi điều trị lên đến 150 triệu đồng, được Phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố vận động các mạnh thường quân giúp đỡ.
Cũng theo bác sĩ Tiến, trước đó một bệnh nhi khác là em L. T. N. T. nữ 14 tuổi, mắc Covid-19 nặng nguy kịch đã được cứu sống và xuất viện.
Làm gì khi con mắc Covid-19?
BS Tiến khuyến cáo, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn tiến phức tạp số trường hợp mắc gia tăng, số mắc ở trẻ em cũng gia tăng theo (chiếm 10-15% tổng số trường hợp Covid-19 khẳng định bằng xét nghiệm PCR dương tính), nên phụ huynh lưu ý khi thấy con em mình sốt ho, đau rát họng, khó chịu,.. hãy đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để được các sĩ thăm khám làm xét nghiệm sàng lọc tầm soát Covid-19 để được điều trị thích hợp.
Trường hợp trẻ mắc Covid-19 theo dõi cách ly tại nhà, cha mẹ cũng cần nhớ, nhóm trẻ em dưới 5 tuổi dễ diễn tiến nặng còn ở nhóm tuổi khác mà bị cơ địa thừa cân, béo phì cần nhập viện sớm nếu có triệu chứng đi kèm.
Trường hợp phải cách ly ở nhà, gia đình cần đếm nhịp thở và nắm nhịp thở theo lứa tuổi, dựa trên khuyến cáo của bác sĩ.
Nhịp thở tăng theo lứa tuổi. Phụ huynh có thể lưu ý các con số sau để xem trẻ có thở nhanh hay không. Nên đếm 2 lần để kiểm chứng. Trẻ dưới 2 tháng: Nếu nhịp thở trên 60 lần/phút là thở nhanh. Một em bé từ 2 tháng đến dưới 12 tháng: Nhịp thở trên 50 lần/phút được coi là thở nhanh. Trẻ 12 tháng đến 5 tuổi: Nếu nhịp thở trên 40 lần trở lên là nhanh.
Con mình ở tuổi nào nhớ một con số đó. Ví dụ con 3 tuổi nhớ số 40, trên 40 lần/phút là nhanh. Tuy nhiên trong những trường hợp này, bác sĩ khuyên nên cho con nhập viện để theo dõi và làm các xét nghiệm cần thiết.
K.Chi