Khi nào thế giới phục hồi nhu cầu về dầu mỏ?
Mới đây, theo đánh giá của cơ quan xếp hạng Fitch Ratings, nhu cầu về dầu mỏ sẽ không thể phục hồi được hoàn toàn trước cuối năm 2021, trừ khi người dân được tiêm đại trà vắc-xin.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, thời điểm thị trường dầu khí toàn cầu phục hồi là vào năm sau, nhưng những cải thiện sẽ chỉ ở mức vừa phải và không ổn định.
Các nhà phân tích nhận định rằng các hạn chế đối với việc khai thác nguyên liệu thô theo thỏa thuận OPEC+ sẽ có tính cục bộ hơn và ít khắt khe hơn so với hồi đầu năm 2020. Cơ quan này cũng kỳ vọng giá khí đốt tự nhiên sẽ tăng, mặc dù thị trường toàn cầu vẫn sẽ trong tình trạng dư thừa nguồn cung.
Ngoài ra, các chuyên gia còn nêu ra một xu hướng khác sẽ được duy trì trong tương lai đó là hầu hết các công ty dầu khí sẽ tiếp tục cắt giảm chi tiêu và nguồn chi trả cổ tức.
Thách thức cân bằng nhu cầu thị trường dầu mỏ. (Ảnh: AP) |
“Ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga được lợi nhờ tỷ giá đồng ruble yếu, điều này có thể bù đắp cho việc Nga có nghĩa vụ giảm sản lượng khai thác theo thỏa thuận của nhóm OPEC+”, Fitch cho biết.
Trong vòng 4 tuần gần đây, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) và dầu Brent Biển Bắc đã ghi nhận mức tăng đáng kể và dao động quanh ngưỡng 45-48 USD/thùng, trong bối cảnh xuất hiện những tin tức tích cực về triển vọng hiệu quả của vắc-xin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Đây được coi là mức giá “vàng đen” cao nhất kể từ tháng 8/2020, sau khi dịch Covid-19 đã làm tổn hại nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nhu cầu với dầu mỏ trên thế giới trong 5 năm tới chỉ tăng 1%, sau đó sẽ giảm 0,1% mỗi năm, trên bình diện này có nhiều triển vọng để phát triển ngành hóa dầu.
Tổng thống Putin lưu ý đến thực tế là trong những năm gần đây ngành hóa dầu của Nga “đã cho thấy kết quả tốt đẹp và vững vàng”, khởi động các cơ sở sản xuất mới hiện đại, mở rộng khối lượng sản xuất và từng bước hạ thấp sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
Theo các nhà phân tích đến từ Arab News, những thông tin đầy hy vọng này có lẽ sẽ khiến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh chủ chốt (còn gọi là nhóm OPEC+) phần nào cảm thấy vững tin hơn trong nỗ lực đối phó với tình trạng nguồn cung vượt quá nhu cầu trên thị trường năng lượng. Tuy nhiên, thách thức thực sự đối với OPEC+ vẫn còn rất lớn, ít nhất là tới giữa năm 2021.
Theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 4/2020, mức cắt giảm sản lượng hiện tại của OPEC+ là 7,7 triệu thùng/ngày và có thể giảm xuống mức 5,8 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2021, song hầu hết các nhà quan sát đều dự đoán mức cắt giảm hiện tại sẽ được kéo dài thêm từ 3-6 tháng.
Các nhà sản xuất dầu chủ chốt thuộc OPEC+ đã có hàm ý rằng kế hoạch gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng có thể được nhóm này xem xét, bất chấp những thông tin tích cực về việc phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 của một số hãng dược phẩm trên thế giới.
Trên thực tế, động thái cắt giảm sản lượng dầu mỏ đã khiến nhiều quốc gia thành viên OPEC+ phải “trả giá đắt” do phải chịu tác động kép của sản lượng hạ và giá dầu thấp hơn.
Đại sứ Nga tại Mỹ: Vẫn còn thời gian để gia hạn START-3
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết, Nga vẫn đang đối thoại về khả năng gia hạn hiệp ước START-3 với chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Donald Trump.
Thanh Bình (lược dịch)