Khi chồng "động thủ"
Không ai dám “vỗ ngực xưng tên” cả đời không bị chồng bạo hành vì chồng hay vợ đều là con người có tâm lý phức tạp, mong manh, nhạy cảm.
Chưa nói đến nguyên nhân cãi nhau, lỗi từ đâu, riêng việc động tay động chân của người chồng là đã phạm tội bạo hành vợ rồi.
Bạo hành có thể xảy ra dưới nhiều hình thức (Ảnh minh họa) |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bất hòa trong gia đình: chồng gia trưởng, khó tính, chồng hay vợ ngoại tình, ghen tuông hoang tưởng, chồng vô trách nhiệm với gia đình, người kỹ tính, người bừa bãi, kinh tế bất ổn...
Một người chồng, mỗi khi có chút men là lôi vợ ra chửi. Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, từ việc vợ không khóa nước ban đêm đến việc đi làm về trễ, từ việc nồi cơm hơi bị cháy sém đến nồi cá kho hơi mặn… Chồng hết chửi lại đòi vợ "phục vụ". Vợ vừa mệt mỏi vì công việc ban ngày lại bị tra tấn về tinh thần, nếu không đáp ứng là bị đánh.
Tôi biết một người vợ. Chị là kế toán một cơ quan khá lớn, có nhiều mối quan hệ. Để giữ sĩ diện gia đình và cũng vì công việc làm ăn mà gần như chị luôn phải chịu cảnh “trong héo, ngoài tươi”. Chồng chị rất nóng tính, chị làm gì không vừa ý, hay cãi lại một chút là bị bạt tai ngay, có khi còn bị quăng ghế vào người. Vậy mà, hết hồi rồi thôi, vợ chồng lại tay trong tay. Cô vợ ra đường ôm eo anh chồng thật sát, khó ai hình dung được những cảnh sóng gió gần như cơm bữa xảy ra trong gia đình họ.
Lý do chị đưa ra là: “Thôi thì, con cần cha, tính ổng cộc, mình phải chịu”. Người ngoài cuộc nghe mà phẫn nộ: “Tại sao không phản ứng lại hay bỏ quách cho rồi. Chịu đựng như vậy thiệt thân mình. Lỡ chết rồi ai nuôi con, chồng cưới vợ mới ngay”. Chỉ có người trong cuộc mới biết tại sao họ phải chịu đựng.
Có thể thử phân tích vài tình huống dẫn đến bạo hành.
- Bản chất của người chồng thô lỗ, vũ phu, hở ra là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay vì bất cứ lý do gì. Đây là dạng người khó cải tạo, khó lòng đòi hỏi ở họ sự thay đổi. Chỉ cách duy nhất là ly dị. Nếu không, phải tìm cách sống chung với lũ.
- Người chồng ích kỷ, mang nặng tư tưởng chồng chúa vợ tôi.
- Người vợ không khéo léo, không đoán hiểu ý chồng.
- Người đàn ông thường mượn cớ say (có rượu) để thoái thác trách nhiệm. Người phụ nữ nhu nhược và cả nhân nhượng: “Do ổng say, không kiểm soát”… Như vậy, bạo hành vẫn cứ xảy ra.
Phụ nữ phải tự bảo vệ mình
Tự bảo vệ mình là điều cần nhất khi bị chồng bạo hành. Có những tình huống tự bảo vệ nghe qua thấy buồn cười, nhưng lại có hiệu quả.
Một ông chồng nổi tiếng đàng hoàng, hiền lành, có uy tín với xã hội, vậy mà có lần đánh vợ suýt chết. Suýt ở đây theo lời chị vợ: “Đừng hòng động tới chị, chị sẽ phản ứng ngay”. Lần đó, mâu thuẫn âm ỉ nhiều ngày, kìm chế không được anh giơ tay định tát chị. Thế là, chị vớ ngay cái ghế nhỏ: “Anh động vào tôi là không xong đâu!”. Anh nghe thế, rụt ngay tay lại.
Có chị giải quyết bằng cách chồng “chơi” tới đâu, vợ “chơi” tới đó. Chồng quăng chén ra sân, vợ quăng thêm cái nữa cho có đôi. Chồng đập cái ly, vợ đập thêm cái dĩa. Chồng ném ghế cao, vợ ném ghế thấp. Thậm chí, chồng đập ti-vi, vợ đập luôn cái quạt máy… Riết rồi, anh chồng phải chùn tay, vì hoang tàn do chiến tranh gây ra kinh khủng quá!
Hiền hòa, mềm dẻo là giải pháp tối ưu. Một câu nhịn, chín câu lành. Nhịn ở đây không phải là chịu nhục mà là khôn khéo, biết làm chủ bản thân, biết nắm đằng chuôi, biết điểm yếu đối phương để có cách xử lý bình tĩnh, có hiệu quả. Khi đối phương nói thì mình im, nhất là khi chồng có tí chút hơi men, vợ càng phải dịu ngọt (dù biết rằng rất khó).
Trong ba mươi sáu chước, bỏ đi là khôn khéo và hiệu quả nhất. Chỉ có chồng quá côn đồ, vũ phu mới truy đuổi vợ đến tận cùng. Tuy nhiên, khi có sự can thiệp của người bên ngoài, chồng cũng chùn tay và vợ được bảo vệ.
Chuyện vợ chồng khẳng định đúng là “hên - xui”. Người may mắn có cuộc hôn nhân chấp nhận được, người không may gặp phải "nửa kia" không ra gì, hậu quả là con cái lãnh đủ. Như trường hợp đoạn clip ở trên. Sau khi bị chồng ném mâm cơm vào đầu, vợ đứng dậy bỏ đi lên lầu, con gái lớn đi theo mẹ, con kế tiếp cũng vậy, chỉ có em bé nhỏ ngồi lại, có thể em chưa biết đi. Đoạn phim này sẽ khắc sâu vào tâm trí con trẻ cho đến hết đời mà lỗi hoàn toàn là ở người lớn.
Không người vợ nào dám “vỗ ngực xưng tên” cả đời không bị chồng bạo hành (cách này, cách khác) vì chồng hay vợ đều là con người có tâm lý phức tạp, mong manh, nhạy cảm. Do vậy, bất cứ người phụ nữ nào cũng cần tự bảo vệ mình trong mọi huống. Tự bảo vệ mình còn đồng nghĩa với việc hiểu chồng và biết chồng qua thời gian chung sống với nhau. Biết khi nào có thể có chiến tranh và hiểu để bình yên thì phải làm gì. Đó mới là bản lĩnh của người vợ. Tự bảo vệ mình còn là bảo vệ con, tránh tối đa việc con cái vì chán nản gia đình mà sinh hư.
Điều cuối cùng, không tự bảo vệ được thì hãy mạnh mẽ buông bỏ. Buông là cho mình và cũng là cách tự bảo vệ mình.
Bạo hành "nhung lụa"
Nạn nhân của bạo hành mỗi người một kiểu. Có người làm ầm lên, nhưng cũng có người im lặng rồi tìm cách ly hôn, thà “đau một lần”.
Theo www.phunuonline.com.vn