Khẩn trương tăng năng lực ứng phó dịch bệnh cho y tế cơ sở
Việc nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở để giám sát dịch bệnh tốt hơn trong thời gian tới.
Sáng 18/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự buổi làm việc của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) với các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học để trao đổi, đánh giá và đề xuất định hướng, giải pháp toàn diện của ngành khoa học, công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tăng năng lực ứng phó dịch bệnh cho y tế cơ sở. |
Trong những đợt dịch đầu tiên, Tổ thông tin đáp ứng nhanh phục vụ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 đã góp phần hỗ trợ hết sức hiệu quả trong truy vết, khoanh vùng ổ dịch, chỉ điểm xét nghiệm dịch tễ… Nhiều công cụ công nghệ đã được xây dựng và sử dụng hiệu quả như khai báo y tế điện tử, đánh giá nguy cơ dịch bệnh, quản lý người cách ly, hệ thống tổng đài tự động gọi điện thăm hỏi sức khỏe người dân, mạng lưới thầy thuốc đồng hành trực tuyến…
Riêng mạng lưới thầy thuốc đồng hành đã huy động 10.000 bác sĩ, thực hiện 800.000 cuộc gọi để tư vấn, thăm khám trực tuyến cho hàng trăm nghìn bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM, Bình Dương, xử lý cấp cứu gần 2.000 trường hợp.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, những bài học từ ban đầu mang tính chủ trương, nguyên tắc như: Sớm, kiên quyết, dứt khoát, kết hợp khoa học với thực tiễn, nghĩ đến tình huống xấu hơn, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất, huy động toàn dân chống dịch… vẫn rất đúng.
Đồng thời, chúng ta đã chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch khi bước đầu đúc kết một số kinh nghiệm từ thực tiễn phòng, chống dịch, nhất là trong điều hành, phối hợp giữa các lực lượng.
Năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên. Diện bao phủ vắc xin, nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, các đô thị lớn tăng nhanh. Từng bước bảo đảm được nguồn sinh phẩm xét nghiệm, thuốc điều trị. Ý thức người dân đã cao hơn một mức.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc chung sống an toàn với dịch bệnh là ở trong trạng thái bình thường mới kết hợp chủ động điều chỉnh tích cực ở mọi hoạt động đời sống xã hội.
Từ thực tế dịch bệnh Covid-19 đã tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao ở quy mô toàn cầu, Phó Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu khẩn trương đánh giá tác động toàn diện của dịch bệnh Covid-19 từ y tế, sức khỏe, kinh tế, xã hội, tâm lý xã hội, giáo dục đến quản lý, điều hành, vận hành một đất nước, một cơ quan, một nhà máy xí nghiệp, đưa ra dự báo xu thế tương lai.
Về y tế, bên cạnh các chương trình đang triển khai về vắc xin, thuốc điều trị, công nghệ xét nghiệm… Bộ KH&CN cần duy trì cơ chế mở để giao nhiệm vụ KHCN mới ngay khi có yêu cầu từ thực tế. Bộ KH&CN, Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ trong thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành, sử dụng các loại vắc xin, thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị điều trị…
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Bộ KH&CN khẩn trương xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở để sẵn sàng ứng phó dịch bệnh Covid-19 với bất kỳ biến chủng nào hoặc dịch bệnh khác lây nhiễm qua đường hô hấp trong tình huống khác nhau từ mức độ bình thường đến sự cố y tế công cộng nghiêm trọng, thậm chí tới mức thảm họa.
“Việc nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở phải kế thừa, kết hợp được những lợi thế hiện nay, lực lượng y tế tại chỗ (bao gồm y, bác sĩ nghỉ hưu, sinh viên trường y, quân y, dân y), ứng dụng công nghệ và một số biện pháp khác để giám sát dịch bệnh tốt hơn trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nói.
N. Huyền