Khám phá đất nước con người Mông Cổ
Năm 2019 là năm kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mông Cổ. Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước được duy trì thường xuyên. Mông Cổ đánh giá cao mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước và mong muốn phát huy những tiềm năng sẵn có để tăng cường, thúc đẩy mối quan hệ ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục, văn hóa lao động, an ninh, quốc phòng...
Đất nước Mông Cổ sở hữu nhiều cao nguyên rộng lớn phục vụ cuộc sống du mục của người dân. (Ảnh minh họa) |
Mông Cổ là quốc gia rộng lớn với diện tích 1.564.116 km2, rộng thứ 18 trên thế giới song lại là nước có mật độ dân số thấp nhất trên thế giới khi chỉ có 1,9 người/km2. Chính vì mật độ dân số thưa thớt nên cuộc sống của người dân Mông Cổ cũng khá bình lặng và độc lập.
Trong tổng số khoảng 3 triệu người thì có tới 45% sinh sống tại thủ đô Ulan Bator. Tuy nhiên tới nay, vẫn có khoảng 30% dân số sinh sống theo hình thức du mục hoặc bán du mục. Từ đó hình thành nên tên gọi “nền văn hóa trên lưng ngựa” chỉ riêng Mông Cổ có.
Trong đó, Ulan Bator, thủ đô của đất nước Mông Cổ nằm ở độ cao 1.310 m so với mực nước biển, được hình thành từ năm 1639 và nằm cạnh bờ sông Tuul, được xếp vào Top 20 thành phố lạnh nhất trên thế giới..
Cụ thể, do nằm ở độ cao lớn và chịu ảnh hưởng của áp cao Siberi cộng thêm việc gần với ranh giới của khí hậu cận Bắc Cực, khí hậu ở Ulan Bator vô cùng khắc nghiệt đặc biệt là mùa đông dài, băng giá và khô. Vào tháng 1 - 2 hàng năm, nhiệt độ ở đây có thể biến thiên từ -15 đến -30 độ C, đến nỗi phải đến hè nằm sau thì những lớp tuyết tích tụ ở đây mới tan hết. Do đó, dù là thủ đô nhưng dân số ở Ulan Bator chỉ chiến gần 1 triệu người.
Về lịch sử, Mông Cổ được coi là quốc gia có người đến sinh sống sớm nhất vào khoảng 40.000 năm trước trong thời đại đồ đá cũ.
Cuộc sống du mục được chứng minh qua các bằng chứng khảo cổ học tại Mông Cổ vào khoảng 3500 năm trước Công nguyên. Người ta còn phát hiện ra những cỗ xe có bánh với niên đại 2.200 trước Công nguyên. Điều đó cho thấy cuộc sống du mục đã hình thành rất sớm tại Mông Cổ và trình độ phát triển của đất nước cũng đã có từ rất lâu đời.
Sắc tộc Mông Cổ chiếm khoảng 85% dân số gồm Khalkha cùng các nhóm khác. Trong đó, tất cả được phân biệt chủ yếu bởi phương ngữ. Người Khalkha chiếm 90% dân số Mông Cổ. 10% còn lại gồm Buryat, Durbet và các nhóm khác. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Khalkha, song Người Mông Cổ cũng có thể nói tiếng Nga thành thạo.
Mông Cổ hiện tại được tách biệt thành hai vùng với thành phố Ulan Bator nằm bên bờ đông nước và vùng du mục rộng lớn ở phía Tây Nam. Những đồng cỏ mênh mông đó là nơi sinh sống của những người du mục từ xa xưa đến nay, cũng là nơi họ chăn thả gia súc và định canh. Ước tính khoảng 30% dân số Mông Cổ là dân du mục. Họ sống sót trên những thảo nguyên bao la bằng cách chăn thả gia súc và di chuyển tới những nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi.
Chính vì lối sống du mục mà trẻ em sống trên vùng thảo nguyên Mông Cổ khoảng 14-15 tuổi sẽ được những người đàn ông lớn tuổi hơn trong gia đình truyền lại cách điều khiển ngựa và tập cách bắn cung.
Khác với các nước phương Tây, người Mông Cổ cầm dây cương ngựa bằng một tay và dùng những bàn đạp nhỏ hơn. Họ cũng không đặt tên cho mỗi con ngựa của mình, mà thay vào đó dùng những từ chỉ màu sắc để gọi chúng. Bên cạnh đó thì kỹ năng bắn cung của những chiến binh ở đây cũng chính xác không gì bằng, họ hoàn toàn có thể nhắm trúng mục tiêu khi đang phi ngựa, nổi bật là tiết mục “hồi mã cung” (xoay người bắn ngược) được xem là đặc sản của các chiến binh Mông Cổ.
Tại Mông Cổ, số lượng một số loài động vật còn nhiều hơn dân cư. Điển hình là số ngựa lớn gấp 13 lần so với số người dân sinh sống tại đất nước này và số cừu lớn gấp 35 lần so với số người.
Những người con của thảo nguyên này đã biết cách thuần hóa loài ngựa từ gần 3000 năm trước và giống ngựa cổ ngắn Przewalski đặc trưng của Mông Cổ được xem là loài quý hiếm trên thế giới. Loài ngựa cũng chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong văn hóa Mông Cổ và đa phần đều rất dẻo dai. Chúng được rèn luyện trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mùa hè nhiệt độ có thể lên tới 29 độ C còn mùa đông xuống tới âm -30 độ C.
Sống cùng hơn 250 ngày nắng trong một năm, dân du mục Mông Cổ tự hào gọi đất nước mình là vùng đất của bầu trời xanh vô tận. Nổi bật giữa cánh đồng cỏ xanh ngút ngàn là những ngôi nhà di động của người dân du mục nằm rải rác trong cảnh quan rộng lớn này.
Là quốc gia có nhiều lễ hội, nhưng Naadam là lễ hội lớn nhất của Mông Cổ. Tại đây có 3 môn thể thao truyền thống là bắn cung, đua ngựa và vật. Lễ hội Naadam được tổ chức từ ngày 11/1 đến ngày 13/ 7, có nghĩa là tùy từng địa phương chọn lấy ngày tổ chức, tuy vẫn cùng một tên gọi. Tại Thủ đô Ulan Bator, Naadam được tổ chức trong 3 ngày vào mùa hè.
Tới Mông Cổ, du khách không khỏi ngạc nhiên trước lối kiến trúc vô cùng độc đáo, đó là những nhà bạt hình tròn, người địa phương gọi là “yurt”. Lối kiến trúc này phù hợp với cuộc sống du mục, dễ dựng mà cũng dễ dỡ. Nó có tác động mạnh mẽ đến cả các kiến trúc hiện đại, hoặc các kiến trúc tôn giáo như đền, chùa. Mỗi yurt có từ 6 tới 12 góc với các mái kiểu kim tự tháp để thích hợp với hình dáng tròn. Lỗi kiến trúc này cho phép công trình dễ dàng mở rộng nếu cần.
Với diện tích rộng và phần lớn đất đai ở Mông Cổ là đồng cỏ, thích hợp với chăn nuôi gia súc hơn để trồng trọt. Nơi đây được biết đến là thiên đường của những món ăn làm từ thịt cừu, thịt dê. Các sản phẩm làm từ sữa cừu, sữa dê như sữa nóng, kem clotted, orom, phô mai … đều rất thơm ngon và hấp dẫn.