Kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản cho người dân trong đại dịch
Liên minh HTX Việt Nam tổ chức đẩy mạnh việc kết nối cung - cầu tiêu thụ, sản xuất nông sản, sẽ xây dựng cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu, Quỹ hỗ trợ Phát triển HTX tiến hành giãn, hoãn, giảm lãi suất hỗ trợ HTX
Theo thống kê, số lượng nông sản tồn ở các địa phương bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 lên tới hàng chục triệu tấn, phần lớn nằm trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX). Nếu không có giải pháp quyết liệt để hỗ trợ tiêu thụ nông sản thì bà con nông dân, hợp tác xã sẽ không có vốn để tái sản xuất, nhiều ngành hàng có nguy cơ đối mặt bài toán thiếu nguyên liệu.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, số lượng hàng hóa tồn kho gồm: gần 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau củ, hơn 4 triệu tấn trái cây, 120 nghìn tấn thủy hải sản, 80 nghìn tấn lợn hơi, 600 nghìn tấn thịt gà, 400 triệu quả trứng với trị giá hàng hoá ước tính lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam chỉ đạo tổ chức kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản cho người dân trong đại dịch Covid-19 |
Nguyên nhân là do đứt gãy chuỗi cung ứng, thu hoạch, thu mua nông sản. Nhiều nhà máy chế biến nông, thủy sản phải đóng cửa, trong khi khâu vận chuyển giao thương trực tiếp bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, phần lớn nông sản tồn kho ở trên nằm trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX. Hiện nay, các HTX nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn như: đứt gãy chuỗi cung ứng, lượng hàng tồn kho lớn, chi phí đầu vào tăng, tài chính của HTX và nông dân hạn chế. Đáng nói, 80% lượng thực phẩm mà hộ nông dân, HTX sản xuất được thu mua thông qua thương lái...
Trước tình hình trên, từ tháng 5/2021, Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức đẩy mạnh việc kết nối cung - cầu tiêu thụ, sản xuất nông sản, đồng thời Quỹ hỗ trợ Phát triển HTX cũng tiến hành giãn, hoãn, giảm lãi suất hỗ trợ cho các HTX. Đặc biệt về kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm cho HTX, Liên minh HTX Việt Nam đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tạo điều kiện thực hiện Chương trình kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa theo chuỗi cung ứng do HTX, tổ hợp tác sản xuất. Theo đó, đã huy động hàng nghìn HTX vận tải, thương mại tham gia.
Ngày 4/8, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đã ký văn bản số 503/CTr-LMHTXVN về kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa do hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi cung ứng. Đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Theo đó, mục đích của Chương trình 503 là cụ thể hoá và tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội; Tăng cường kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá cho các HTX, THT trên địa bàn cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội; thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất - cung ứng bền vững cho các HTX, THT gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; Cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Chương trình 503 sẽ thực hiện kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm cho các HTX, THT bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với phương pháp thu thập thông tin, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho HTX, THT trên toàn quốc; ưu tiên đối với các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Sau đó, Chương trình 503 sẽ tổ chức kênh tiêu thụ tại: chợ truyền thống, trung tâm/cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm của HTX, THT tại địa phương; Chợ đầu mối của các tỉnh, thành phố; Hệ thống các siêu thị, doanh nghiệp phân phối; Doanh nghiệp chế biến; Doanh nghiệp xuất khẩu; Kênh tiêu thụ trực tuyến: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Postmart, Voso…
Về kênh lưu thông hàng hoá, Chương trình sẽ thu thập thông tin, lựa chọn, giới thiệu các đơn vị vận tải hàng hoá; ưu tiên các HTX vận tải. Hỗ trợ các thủ tục pháp lý đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt từ đơn vị cung cấp đến nơi tiêu thụ.
Cũng theo Chương trình 503 này, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ xây dựng cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu sản phẩm với tên miền: lmhtxvnmart.com.vn để đăng tải đầy đủ thông tin của các sản phẩm lên Cổng thông tin này thuận tiện cho việc cung- cầu.
Cùng với việc xây dựng cổng thông tin điện tử phục vụ kết nối cung - cầu sản phẩm cho HTX, THT để hỗ trợ các HTX, THT đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Liên minh HTX Việt Nam triển khai dự án xây dựng Sàn thương mại điện tử hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho HTX, THT với mục tiêu xây dựng sàn thương mại điện tử hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, kết nối cung cầu vật tư, sản phẩm, dịch vụ, hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh,… cho các HTX, THT, doanh nghiệp thành viên với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh: “Sàn thương mại điện tử này sẽ phân tích, đánh giá nhu cầu, năng lực của các HTX, đề xuất giải pháp về công nghệ và phương án triển khai phù hợp; Xây dựng nền tảng công nghệ; Đề xuất mô hình quản lý, vận hành phù hợp; Triển khai thử nghiệm, đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai trên quy mô toàn quốc. Sàn thương mại điện tử này sẽ được triển khai xây dựng từ quý IV/2021, đưa vào vận hành thử nghiệm từ quý III/2022”.
Kết nối sản phẩm nông sản của hệ thống HTX vào các chợ đầu mối, siêu thị và sàn giao dịch điện tử
Sáng ngày 12/8, tại trụ sở Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì cuộc họp trực tuyến với Liên minh Hợp tác xã 63 tỉnh, thành phố về triển khai Chương trình 503/Ctr-LMHTXVN về tiêu thụ sản phẩm cho Hợp tác xã.
Đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang, ông Trần Văn Cứng cho biết, hiện tại là tỉnh chuyên sản xuất lúa gạo. Qua khảo sát, đối với rau củ quả, ước tính thu hoạch 83 ngàn tấn, nhu cầu hỗ trợ là 58 ngàn tấn; đối với cây ăn trái, đến cuối năm, nhu cầu tiêu thụ khoảng 518 ngàn tấn. Bên cạnh mong muốn được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, Liên minh Hợp tác xã An Giang mong rằng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hoá với tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Do sản phẩm của An Giang thì nhiều, nhưng chất lượng tiêu chuẩn còn nhiều hạn chế. Hiện tại Liên minh Hợp tác xã tỉnh đang làm các thủ tục để có thể đánh giá được chất lượng tiêu chuẩn hàng hoá đến các HTX.
Chủ tịch HĐQT HTX Bio Fruit Coop cho biết HTX này thời gian qua đã bao tiêu nhiều loại trái cây cho nông dân, hiện tại sản lượng tăng gấp 2-3 lần. Hiện tại HTX Bio Fruit Coop đã cung cấp 2-3 tấn mỗi ngày bao gồm các loại trái cây cho hệ thống SaiGonCoop khu vực miền Tây. HTX Bio Fruit Coop đề xuất, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và SaiGonCoop tạo điều kiện cho HTX giao thêm các mặt hàng vào hệ thống của SaiGonCoop, để có thể giải phóng được nguồn hàng đang tồn đọng.
Về cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các HTX, THT trong giai đoạn khó khăn dịch bệnh hiện nay, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cũng kiến nghị các địa phương xem xét mở lại chợ đầu mối để hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Ưu tiên tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19 cho người lao động, thành viên của HTX, liên hiệp HTX và tổ hợp tác tham gia chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa...
Kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản cho người dân trong đại dịch |
Đồng thời, giảm 50% hoặc miễn phí xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR đối với lái xe, phụ xe, lái tàu, phụ lái tàu, thuyền viên, người lao động của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX... tham gia chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu khác trong thời gian giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về phía các Bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo mong muốn, Bộ Công Thương đẩy mạnh thông tin về thị trường, rà soát kỹ chuỗi nông sản để giải quyết ách tắc một cách cụ thể. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có gói tín dụng hỗ trợ về lãi suất cho việc chế biến, dự trữ hàng hoá; rà soát chi phí sản xuất giúp HTX, tổ hợp tác, người nông dân tổ chức sản xuất...
"Bộ Công Thương cũng cần xem xét đánh giá kế hoạch cho giai đoạn hậu Covid-19 để có giải pháp, tránh tình trạng suy giảm sản xuất về nguyên liệu nông sản", ông Bảo kiến nghị.
Trong bối cảnh khó khăn, Liên Hiệp HTX Thương Mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, đơn vị này đang phối hợp chặt chẽ với Liên minh HTX tại các tỉnh, thành phố hỗ trợ phân phối các mặt hàng nông sản không tiêu thụ được. Đồng thời, phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam xây dựng sàn giao dịch nông sản nhằm hỗ trợ liên kết thông tin, tăng tiêu thụ nông sản địa phương.
Nhìn nhận việc sản xuất nông sản cần nghiên cứu nắm bắt thị hiếu, thói quen tiêu dùng, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nhấn mạnh tới vai trò của HTX trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho khoa học kỹ thuật, công nghệ cho các HTX còn hạn chế. Vì vậy, Saigon Co.op kiến nghị, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ, đầu tư cho các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp để áp dụng công nghệ tạo ra sản phẩm tốt, có giá trị cao.
Trong thời gian tới, ông Lê Trường Sơn cho rằng, cần đẩy mạnh liên kết, kết nối thông tin giữa các HTX, địa phương với các DN phân phối, đồng thời nâng cao chất lượng hàng hóa. Mặt khác, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chi phí hoạt động của DN tăng lên rất nhiều, đặc biệt là chi phí test Covid-19. Do vậy, các DN bán lẻ mong muốn nhận được hỗ trợ từ Nhà nước để cắt giảm chi phí này. Thêm nữa, các HTX và tổ hợp tác cần phải nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục về hành chính như cần có các giấy chứng nhận chất lượng, bao bì đóng gói theo quy chuẩn để nhanh chóng có mặt trong hệ thống siêu thị Saigon Co.op.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, muốn đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thì việc phát triển thị trường nội địa rất quan trọng. "Thời gian tới, chúng ta phải xác định tiêu thụ thị trường nội địa là quan trọng nhất, từ đó định hướng sản xuất cho các địa phương. Cần có các chính sách hỗ trợ chế biến nông sản thực phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản Việt Nam".
Thu Hà