In xuất khẩu là con đường phát triển bền vững của ngành in
Ông Ngô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội In Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua đã hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu. Là một thành phần của nền kinh tế nên ngành in cũng không phải là ngoại lệ.
Theo báo cáo thị trường mới đây của Smithers, tổng sản lượng ngành công nghiệp in toàn cầu được dự báo sẽ đạt 821 tỷ USD vào năm 2022, nhờ sự tăng trưởng của bao bì và nhãn mác và in kỹ thuật số.
Tại Việt Nam, ngành In mới chỉ đóng góp một phần trong giá trị sản phẩm xuất khẩu và tiêu biểu nhất là bao bì đóng gói sản phẩm.
“Việt Nam xuất khẩu trong năm 2020 đạt giá trị gần 300 tỷ USD và câu hỏi là ngành in - bao bì đóng góp bao nhiêu? Tổng giá trị sản xuất của ngành in trong năm 2018 - 2019 đạt gần 6 tỷ USD nhưng không có số liệu thống kê giá trị xuất khẩu vì nó còn quá nhỏ bé và các sản phẩm xuất khẩu không được tính như một sản phẩm độc lập mà thông thường tính vào giá trị hàng hóa”, ông Ngô Anh Tuấn nêu vấn đề.
“Cho đến nay, chúng ta chưa có số liệu cụ thể về hoạt động in xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, các số liệu thống kê chưa chính thức cho thấy, chỉ riêng doanh số in bao bì của các doanh nghiệp tại Việt Nam đã lên đến trên 2 tỷ USD và đang tăng trưởng khoảng 38% mỗi năm, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp FDI với các ấn phẩm thương mại cho thị trường Mỹ, bao bì thuốc lá, bao bì thực phẩm, bao bì nhựa các loại…”, ông Tuấn cung cấp thông tin
Thực tế hiện nay, các công ty in và bao bì nước ngoài đang mở rộng các hoạt động tại Việt Nam để phục vụ cho nhu cầu của các doanh nghiệp FDI và xuất khẩu. Chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2021 đã có 20 doanh nghiệp In và bao bì được thành lập tại các tỉnh phía Bắc. Số lượng và số vốn đầu tư đủ lớn để được nêu trong báo cáo của House Link 2021.
“Vấn đề của các doanh nghiệp Việt Nam là làm sao có thể tham gia vào chuỗi cung ứng và có thể xuất khẩu trực tiếp sản phẩm in. Vốn, con người, thiết bị, điều kiện của chúng ta tương đồng với Thái Lan nhưng trình độ tổ chức sản xuất và mức độ hội nhập còn nhiều điều cần phải cải thiện. In xuất khẩu bao gồm cả in thương mại lẫn in công nghiệp. Để ngành in tăng trưởng và giảm bớt các áp lực cạnh tranh trên sân nhà thì thị trường in xuất khẩu là một giải pháp tốt nhất”, Chủ tịch Hội In Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thị trường in xuất khẩu vẫn hiện hữu không ít thách thức với các doanh nghiệp Việt.
Báo cáo về các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam của Robert Ara Bellotti đã nêu rõ: “Các nhà cung cấp dịch vụ in và bao bì trong nước có dịch vụ với các giá trị cộng thêm thấp nên chỉ làm nhà thầu phụ thứ cấp (Tier 2 hay Tier 3)”.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế, nhà in cần nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng nghiên cứu phát triển sản phẩm, điều này phụ thuộc vào nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu doanh nghiệp không đầu tư cho nguồn lực từ 5 năm trở lên thì khó đạt yêu cầu khi khách hàng đánh giá.
Bên cạnh đó, chứng chỉ GMI trong ngành in giống như giấy thông hành để tham gia vào chuỗi cung ứng. Khi có GMI - khách hàng trong hệ thống sẽ tự tìm đến nhà In. Trên thế giới có khoảng gần 1.000 nhà in có GMI, trong đó Trung Quốc chiếm hơn 300. Tại Việt Nam, số nhà in có GMI chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, và tất cả doanh nghiệp có GMI đều là các công ty FDI.
Có thể thấy, hoạt động in bao bì và ấn phẩm xuất khẩu vào các thị trường lớn trên thế giới đòi hỏi doanh nghiệp phải tự mình thay đổi phương cách sản xuất, quản lý và cách tiếp cận khách hàng, xây dựng doanh nghiệp của mình ngang tầm các đối thủ cạnh tranh trong chuỗi cung ứng. Để không thua ngay trên sân nhà và thị trường lọt vào tay các doanh nghiệp FDI, ngành In Việt Nam cần có các doanh nghiệp nội địa thật sự hướng tới xuất khẩu. Con đường đơn giản nhất là tổ chức sản xuất và có hệ thống chứng chỉ giống như các doanh nghiệp FDI.
“In xuất khẩu là con đường phát triển bền vững của ngành in Việt Nam. Nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ và thiết thực của các cơ quan quản lý, sự năng động và tinh thần “thương trường như chiến trường” của các cơ sở in - bao bì, sự đóng góp của ngành in Việt Nam trong sự phát triển của nền kinh tế sẽ có những tiến bộ vượt bậc”, ông Ngô Anh Tuấn chia sẻ thêm.
Việt Hà