Báo động! Mỗi năm chỉ 10 sinh viên ngành in tốt nghiệp ĐH
Báo động! Mỗi năm chỉ 10 sinh viên ngành in tốt nghiệp ĐH
Thu nhập thấp cũng là một nguyên nhân gây thiếu nhân lực ngành in. Ảnh Vũ Chương |
Theo tính toán của TS. Kiều Nguyên, trong 3 năm sắp tới, số lượng kỹ sư ngành in tốt nghiệp tại ĐH Bách Khoa sẽ nhỏ hơn 10 người/năm, trong khi đó với sự phát triển nhanh chóng của ngành này thì dự kiến cần đến xấp xỉ 150 kỹ sư/năm. Thực trạng này đang khiến nhiều người cho rằng mục tiêu đưa ngành in trở thành ngành công nghiệp tập trung, hiện đại sẽ chỉ là “quy hoạch giấy”, “quy hoạch treo”.
Hiện nay Bộ môn công nghệ in, Khoa Công nghệ hóa học, ĐH Bách Khoa Hà Nội là nơi duy nhất miền Bắc đào tạo cấp độ ĐH và sau ĐH cho ngành in nhưng tình hình tuyển sinh vô cùng khó khăn. “Đối tượng được đào tạo nhiều khi là ép buộc, không đúng nguyện vọng”, TS. Kiều Nguyên tiếp tục đưa ra thông tin gây thất vọng. Bà cho biết, đầu vào của bộ môn quá ít, nên không được lựa chọn, phần lớn số sinh viên tuyển được là chuyển sang do không đủ điểm tại một số ngành khác. Càng bi đát hơn hơn khi Bộ môn này đã được đưa vào giảng dạy đào tạo 30 năm nay nhưng chưa có chương trình khung, chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp mã ngành đào tạo. Có nghĩa là những người có nhu cầu học cũng rất khó tìm và đăng ký học.
Bên cạnh đó trang thiết bị để giảng dạy của bộ môn quá nghèo nàn và lạc hậu. “Trang thiết bị để dành cho đào tạo sinh viên có thể đếm trên đầu ngón tay và đều đã hết khấu hao. Điều đó lý giải vì sao kỹ sư tốt nghiệp ra trường đã không thể tiếp cận ngay được với công việc. Do đào tạo không theo kịp thực tiễn nên trung bình các kỹ sư ra trường phải mất thêm 2 - 3 năm để có thể tiếp cận công việc, bắt kịp công nghệ. Những kỹ sư này không khẳng định được mình, không làm được công việc kỹ thuật thực tế, cũng không chỉ đạo được công việc đúng theo vai trò kỹ sư nên trở thành vô dụng. Từ đó dư luận đánh đồng kỹ sư với công nhân kỹ thuật khiến cả người đào tạo lẫn sinh viên nản lòng”. TS.Kiều Nguyên trăn trở.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, nguồn nhân lực ngành in Việt Nam vẫn trong tình trạng vừa thiếu, vừa yếu, do đầu tư cho nguồn nhân lực không tương xứng với quá trình đầu tư thiết bị. Số lao động không qua đào tạo chính quy chiếm tỷ trọng lớn (gần 60%). Theo thống kê của 717 cơ sở in thì số lao động được đào tạo đang làm việc tại các cơ sở in có trình độ rất thấp. Trên đại học: 0,7%; đại học, cao đẳng: 13,85%; trung cấp: hơn 16%; công nhân bậc 2 đến bậc 5: 32%, bậc 6 đến bậc 7:8,64%. Mặt khác, do suy giảm kinh tế, lạm phát gia tăng, giá công in thấp nên thu nhập người lao động thấp (lương bình quân người lao động ngành in trên toàn quốc hiện nay khoảng 2,5 triệu đồng/tháng), đời sống gặp rất nhiều khó khăn, một số lao dộng đã chuyển sang nghề khác.
Báo cáo này cũng cho biết: Hiện nay, cả nước có 7 cơ sở đào tạo tập trung tại hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hàng năm cung cấp cho ngành in một số lượng lao động rất hạn chế. Đặc biệt, tỉ lệ lao động có tay nghề cao và nhân lực ngành thiết kế đồ họa cho in là rất thấp, đang là vấn đề nan giải của nhiều cơ sở in. Trong 7 cơ sở đào tạo, chỉ có duy nhất trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đào tạo sau đại học ở trình độ thạc sĩ.
“Chúng ta chưa quan tâm đúng mức đối với nguồn nhân lực ngành in, các cơ sở in chủ yếu dựa vào nhà cung cấp hướng dẫn các kỹ năng sử dụng thiết bị, chưa thật sự có kế hoạch dài hạn cho công tác đào tạo và sử dụng lao động…Số lượng sinh viên đăng ký vào ngành Kỹ thuật in tại các trường ĐH ngày càng giảm do thông tin về ngành còn quá ít, lại được xếp vào nhóm ngành chưa phù hợp (Kỹ thuật hóa hoc - Sinh học - Thực phẩm – Môi trường) nên thông tin đến được đối tượng muốn học càng khó khăn, nhất là với học sinh cuối cấp phổ thông trung học. Hơn nữa, thu nhập ngành in thấp. Hiện nay, các sinh viên vào học ngành in thường không theo đúng nguyện vọng, nên tinh thần học tập, học lực của sinh viên so với ngành khác thường thấp hơn”, Báo cáo của Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Vũ Chương