Hủy về quê vì sợ dịch, chồng quy kết tôi "trốn" tết bên nội
Dịch bệnh bùng phát, tôi huỷ kế hoạch về quê, vừa thương ông bà hai bên, vừa tiếc tiền vé. Vậy mà chồng nghĩ tôi kiếm cớ trốn tết nhà chồng...
Những ngày này ở quê, ngoài việc bận rộn dọn dẹp cửa nhà, chuẩn bị bao nhiêu thứ cho tết, cha mẹ chồng cũng đang mong mỏi đoàn tụ con cháu.
Cha mẹ chồng tôi có hai con, chị chồng và chồng tôi, đều sinh sống tại TPHCM. Mỗi năm, chỉ đôi ba lần cả gia đình gặp nhau, là do chúng tôi thu xếp đưa hai con về thăm ông bà thăm, hoặc ông bà lặn lội từ miền Trung vào chơi với cháu.
Những ngày như vậy qua đi rất nhanh, vì thời gian nghỉ phép của chúng tôi không nhiều. Chỉ có đợt nghỉ tết là có thể bên nhau dài hơn một chút. Nhưng không ngờ, dịch bệnh ập tới, mọi thứ đảo lộn.
Chồng nói lời khó nghe, cho rằng tôi trốn mẹ chồng, trốn nhà chồng - Ảnh minh họa |
Trong khi tôi nêu ý kiến hoãn kế hoạch về quê, vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì chị chồng lại gọi điện thoại hối thúc. Chị mách tôi đổi vé để về sớm hơn dự kiến ba ngày, giống nhà chị. Chị bảo rằng, để càng lâu, nhiều ca bệnh được phát hiện, càng khó về.
Lo kẹt lại thành phố, nên chồng tôi hưởng ứng ý kiến chị. Anh dự định nghỉ phép năm để về nhà sớm. Anh nghĩ tôi sẽ ủng hộ, vì tôi có thể làm qua mạng. Việc về sớm một tuần, vài ba ngày không ảnh hưởng gì tới công việc. Trường học cũng đã đóng cửa nghỉ tết trước để chống dịch, hai đứa nhỏ đang ở nhà, chẳng ai trông, nên việc vợ chồng thu xếp về quê sớm là hợp lý.
Thế nhưng tôi kiên quyết không đổi vé. "Anh suy nghĩ kỹ đi. Lỡ có chuyện gì thì khổ. Chưa nói tới việc mắc COVID-19, chỉ tha hai đứa con nheo nhóc vào khu cách ly cũng đã khổ trăm bề. Qua tết, tình hình ổn mình cho hai con về cũng được mà”, tôi thận trọng nói suy nghĩ của mình.
Không ngờ chồng tôi nổi giận, cho rằng tôi đưa lý do để “trốn” tết nhà chồng.
“Em sợ về nhà chồng đến mức đó sao? Mỗi năm một lần tết mà năm nào em cũng tìm lý do để né. Dịch chưa lan tới quê nội, nếu không thoải mái thì em có thể ở lại...”, chồng hằm hằm bước ra khỏi phòng.
Tôi ngỡ ngàng. Đã năm năm kể từ ngày cưới nhau, tôi với anh chưa một lần nặng lời với nhau như thế.
Tôi ôm hai đứa con mà nước mắt chảy dài. Từ ngày lấy chồng, năm nào tôi cũng lên kế hoạch ăn tết quê nội. Thật sự thì tôi may mắn khi có gia đình nhà chồng tốt. Tôi yêu quý cha mẹ chồng, hợp với chị chồng và các cháu. Nhưng không thể phủ nhận rằng, cái tết nào ở quê chồng cũng vẫn có một khoảng buồn. Đó là những đêm giao thừa ngồi cùng nhà chồng mà nhớ cha mẹ, anh chị em ruột. Nhớ những dư âm tết xưa...
Năm nay, trong kế hoạch chúng tôi sẽ ăn tết hai nơi. Hết ngày mùng Hai, vợ chồng tôi sẽ rời miền Trung để về Tây Nguyên ăn tết cùng nhà ngoại. Không cần phải nói, tôi háo hức chờ mong ngày về đến mức nào. Vé đi về hai quê đều đã đặt xong. Tôi đã chọn mua vé máy bay giá rẻ nên không có điều kiện huỷ, coi như mất toàn bộ thưởng tết của vợ và chồng nếu không đi.
Vậy nên, khi nghe tin dịch bệnh bùng phát, phần buồn cho mình, phần tiếc tiền, mà nghĩ đến nỗi hụt hẫng của ông bà hai bên khi con cháu không thể về, lòng tôi thắt lại.
Nhưng làm sao khác được trong tình hình dịch căng thẳng, đang cần ai nấy "ngồi yên"? Tôi gọi về ngoại để báo tin năm nay chắc không về được, ba mẹ không giấu nỗi buồn nhưng vẫn trấn an: "Không về lúc này thì về lúc khác".
Còn bên nội, tôi định nhờ chồng lựa lời nói với ông bà và chị chồng, thì anh đã chốt: “Cô thích thì ở lại. Còn tôi và hai con, sống chết cũng về thắp nhang và ăn tết với ông bà”.
Thu Sinh
23 tháng Chạp, tôi đi thả cá chép thì tình cờ gặp chị dâu, thứ chị cầm trên tay khiến tôi không thể tin nổi
Trên đường về tôi tình cờ nhìn thấy chị dâu. Chị ấy đang tần ngần đứng trước một chiếc thùng rác, khuôn mặt buồn rười rượi.
Theo www.phunuonline.com.vn