Hút thuốc lá là nguyên nhân của 90% các ca ung thư phổi
Vấn đề tuyên truyền phòng chống thuốc lá bước đầu đã mang lại hiệu quả |
Liên quan đến vấn đề phòng chống tác hại của thuốc là và những hệ lụy khôn lường của thuốc lá, PV báo điện tử Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng đại tá, bác sĩ Trần Duy Hưng – Phó trưởng phòng Điều trị (Tổng Cục Hậu cần – Bộ Quốc phòng).
PV: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết tình hình sử dụng thuốc lá hiện nay tại Việt Nam?
Bác sĩ Trần Duy Hưng: Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người sử dụng thuốc lá. Vấn đề sử dụng thuốc lá đang có xu hướng gia tăng đáng kể ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Tỷ lệ người hút thuốc lá sống tại các nước có thu nhập thấp và trung bình chiếm 82% số người hút thuốc trên thế giới.
Đất nước Việt Nam của chúng ta nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới; Tỷ lệ hút thuốc chung ở cả nam và nữ trên 15 tuổi: 22,5%; Tỷ lệ nam giới trên 15 tuổi hút thuốc: 45,3%; nữ giới là 1,1%.
Về thực trạng hút thuốc trong thanh thiếu niên (từ 13-15 tuổi): Tỷ lệ hút thuốc lá trong học sinh nam là 4,9% và học sinh nữ là 0,2%; 47,7% học sinh thường xuyên hút thuốc thụ động tại nhà; 66,5% học sinh phơi nhiễm với khói thuốc tại các địa điểm công cộng.
Còn thực trạng hút thuốc thụ động ở người trưởng thành: 53,5% người không hút thuốc (tương đương 28,5 triệu người) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà; 36,8% người không hút thuốc (tương đương 5,9 triệu người) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nơi làm việc; 18,5% người không hút thuốc (tương đương 1,4 triệu người) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá trên các phương tiện giao thông công cộng; 16% người không hút thuốc (tương đương 2,8 triệu người) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại trường học.
PV: Xin bác sĩ cho biết hệ lụy mà chúng ta gặp phải khi sử dụng thuốc lá?
Bác sĩ Trần Duy Hưng: Người sử dụng thuốc lá có nguy cơ mắc rất nhiều bệnh. Theo thống kê của Bệnh viện K thì tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá: 96,8%; không hút thuốc lá: 3,2%.
Có thể thấy bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi >1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam.
Ngoài ra, người sử dụng thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao gấp 10 lần; (660.000 ca/thế giới/ năm). Hút thuốc lá là nguyên nhân của 90% các ca ung thư phổi.
Bên cạnh đó, người hút thuốc lá còn phải đối mặt với các chứng bệnh như: Bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ, bệnh cơ tim. Thuốc lá cũng làm giảm khả năng tình dục, gây bất lực và tăng nguy cơ vô sinh ở cả hai giới.
PV: Thời gian qua, Chính phủ cũng như các cơ quan ban ngành đã làm rất mạnh trong công tác tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá. Bác sĩ đánh giá như thế nào về hiệu quả của công tác này?
Bác sĩ Trần Duy Hưng: Kết quả khảo sát tình hình sử dụng thuốc lá trên người trường thành tại việt Nam 2010 – 2015 thì số người hút thuốc lá đang có chiều hướng giảm.
Điều đó cho thấy, công tác tuyên truyền về vấn đề phòng chống thuốc lá bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định.
Tôi biết có những người hiểu và nhận thức được về tác hại thuốc lá nhưng vẫn hút, người ta không thể bỏ được vì mức độ gây nghiện của thuốc lá rất lớn, có những người bỏ được thuốc rồi nhưng lại tái nghiện trở lại với rất nhiều lý do: Quyết tâm chưa cao, căng thẳng thần kinh, do tăng cân…
PV: Theo quan sát, tại các bệnh viện, các bến xe bus, cổng cơ quan, trường học vẫn rất nhiều người ngang nhiên hút thuốc trong khi có người nhận thức được tác hại của thuốc lá. Xin bác sĩ cho biết lý do tại sao? Phải chăng chế tài về luật phòng chống thuốc lá hiện nay chưa đủ sức răn đe?
Bác sĩ Trần Duy Hưng: Có thể thấy, hiện nay các quy định về xử phạt với những người hút thuốc lá, kinh doanh và buôn lậu thuốc lá vẫn chưa đủ sức răn đe: Luật quy định không được sử dụng thuốc lá, cảnh cáo hoặc xử phạt từ 100 – 300 nghìn đối với hành vi sử dụng thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi, phạt tiền từ 1 triệu – 2 triệu với hành vi trưng bày quá 1 bao, 1 hộp thuốc lá của 1 nhãn hiệu thuốc lá.
Phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đối với hành vi bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật.
Thêm lý do nữa là hiện nay giá thuốc lá của Việt Nam vẫn còn thấp. Tới đây, chúng ta cần thay đổi và xử phạt nặng hơn với người hút thuốc lá, đánh thuế cao hơn để nhanh chóng đẩy lùi nạn hút thuốc lá.
Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện!